Hiện nay, ngoài thực hiện các yêu cầu của Chính phủ về tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, Đồng Nai còn đưa ra những kế hoạch, giải pháp riêng để thực hiện trên nhiều lĩnh vực…
Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế nên ngoài thực hiện các yêu cầu của Chính phủ về tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, tỉnh cũng đã đưa ra những kế hoạch, giải pháp riêng để thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ…
Công ty Hữu hạn Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) đã tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất để giảm lao động. Ảnh: K.MINH |
Hiện nay, Đồng Nai được Bộ KH-ĐT chọn là nơi thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến sẽ hoàn thành trong 2-3 năm tới và sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đây là yêu cầu trong phát triển công nghiệp bền vững mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
* “Xanh hóa” sản xuất theo lộ trình
Hơn 14 năm trước, Đồng Nai đã có chính sách thu hút đầu tư vào các KCN có chọn lọc. Những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ lạc hậu sẽ bị từ chối và tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Mục tiêu của tỉnh hướng đến mô hình công nghiệp xanh góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và XI đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Vì vậy, 31 KCN của tỉnh đi vào hoạt động đều phải xử lý nước thải tập trung. Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã theo xu hướng chuyển đổi công nghệ, sử dụng ít lao động hơn và trong sản xuất những công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động DN chuyển sang dùng robot”.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai vừa được Chính phủ phê duyệt bổ sung thêm 6,5 ngàn ha đất phát triển KCN. Dự kiến, Đồng Nai sẽ hình thành 8 KCN nữa và tỉnh sẽ ưu tiên phát triển KCN sinh thái.
Trong phát triển công nghiệp xanh tại Đồng Nai, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là đầu tàu, góp phần thúc đẩy DN trong nước cùng thực hiện. Hiện KCN Amata (TP.Biên Hòa) được Bộ KH-ĐT chọn làm điểm KCN sinh thái vì có các DN FDI đã đạt được nhiều tiêu chí về sản xuất xanh.
Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chia sẻ: “Đồng Nai là nơi Nestlé đã đặt 3 nhà máy sản xuất tại KCN Amata, Biên Hòa 2 và rất thành công. Trong những năm qua, mục tiêu Nestlé hướng đến là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nhằm đem đến cho người tiêu dùng tại Việt Nam và trên thế giới những sản phẩm an toàn. Do đó, công ty luôn chú trọng đến việc chuyển đổi, ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng và tái sử dụng chất thải để góp phần xây dựng nền công nghiệp xanh”.
* Không đứng ngoài xu hướng chung
Hiện nay, các nhãn hàng trên thế giới đều yêu cầu các đối tác phải ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Ông James Phillips, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc TAL Việt Nam, cho hay: “Hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chí về sản xuất bền vững, trách nhiệm với môi trường, người lao động cho nhà cung cấp. Do đó, các DN may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Muốn đáp ứng được những yêu cầu trên, DN sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường. Đồng thời, DN hoạt động phải có trách nhiệm với môi trường và xã hội”.
Trên các lĩnh vực khác như: sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng; máy tính, linh kiện điện tử; phương tiện vận tải; giày dép; xơ sợi dệt; sản phẩm gỗ; các loại nông sản, thực phẩm chế biến…, các đối tác nước ngoài cũng yêu cầu ngày một cao về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Trong cuộc đua giành thị phần, DN đi trước trong chuyển đổi xanh, đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội hợp tác tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng Nai nằm trong tốp 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, muốn giữ vững ngôi vị này các DN phải đạt được các tiêu chí về sản xuất xanh theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
Theo ông Ken - Ichiro Abe, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh hơn 250 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5 tỷ USD và đa số trên lĩnh vực công nghiệp. Hầu hết các dự án của DN Nhật Bản đều có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đủ điều kiện cung ứng cho những đối tác lớn trong nước và nước ngoài. Vì thế, dù hơn 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng DN Nhật Bản tại Đồng Nai vẫn giữ và ký kết được những đơn hàng xuất khẩu lớn qua nhiều nước trên thế giới.
Ngoài công nghiệp, Đồng Nai đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất sạch. Lĩnh vực du lịch tập trung vào du lịch sinh thái khai thác những lợi thế từ sông, hồ, thác, rừng nhưng vẫn bảo vệ thiên nhiên.
Khánh Minh