Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), trang bị đầy đủ năng lực, kỹ năng, nhận thức cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là những yếu tố quan trọng để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
[links()]Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), trang bị đầy đủ năng lực, kỹ năng, nhận thức cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là những yếu tố quan trọng để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Biểu đồ thể hiện thông tin số lượng giấy phép lái xe do Sở GT-VT cấp trong 2 năm 2020 và 2021. (Thông tin: Sở GT-VT - Đồ họa: Dương Ngọc) |
Thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được thực hiện và quản lý ổn định, nhưng vẫn còn một số bất cập cần được xử lý, giải quyết triệt để.
* Nhiều bất cập cần giải quyết
Đồng Nai là cửa ngõ giao thương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên mật độ phương tiện lưu thông nhộn nhịp. Nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm cũng như các tuyến đường đô thị, khu công nghiệp thường tập trung xe cộ đông đúc. Những năm gần đây, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông (cả ô tô và xe máy) năm sau đều cao hơn năm trước, điều này gây áp lực không nhỏ đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) của tỉnh.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, tổng số phương tiện cơ giới quản lý trên địa bàn hiện tại gần 2,7 triệu xe (tăng gần 175 ngàn phương tiện, tương đương tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2020). Trong khi đó, hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại nên tình hình TNGT vẫn phức tạp.
Từ năm 2017-2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.537 vụ TNGT, làm chết 1.149 người (trung bình mỗi năm có gần 230 người chết vì TNGT). TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ chính, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao và khu vực đông dân cư. Số trường hợp vi phạm hành chính về trật tự ATGT bị xử lý trong khoảng thời gian trên là hơn 1,2 triệu trường hợp, trong đó có gần 21 ngàn trường hợp bị tước GPLX.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra giải quyết TNGT đường bộ nhận thấy, ngoài các yếu tố chủ quan, cố tình không chấp hành các quy tắc tham gia giao thông, hiệu lệnh của biển báo hiệu giao thông đường bộ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia, không có GPLX thì còn rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông không hiểu rõ quy định về các biển báo hiệu, các quy tắc về khoảng cách an toàn, là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT.
Tình trạng này có nguyên nhân từ việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, nhất là việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX đối với hạng A1. Trong đó, các trường hợp bị tước GPLX từ 3 tháng trở lên không còn áp dụng việc tổ chức học và kiểm tra lại kiến thức Luật Giao thông đường bộ dẫn đến nhiều trường hợp người dân không được học lại kiến thức liên quan đến hiệu lệnh biển báo hiệu đường bộ, các quy tắc khi tham gia giao thông…
Bên cạnh đó, nhu cầu học lái xe, đặc biệt là xe ô tô, những năm gần đây tăng mạnh, kéo theo đó là tình trạng nở rộ các trung tâm đào tạo lái xe, nhưng chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các trung tâm.
Học viên thực hiện phần thi lý thuyết trên phần mềm chấm điểm tự động. Ảnh: V.Nguyên |
Đề cập tới vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải, không ít cơ sở đưa ra lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng để mời chào học viên. Đặc biệt, các cơ sở này ngang nhiên thông báo tuyển sinh dù không có giấy phép. Nhiều người dân do hạn chế về thời gian, lại có tâm lý lo trượt nên tìm đến những cơ sở này. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp xử lý theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm.
Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở TP.Biên Hòa cho hay, tại Đồng Nai có tình trạng một số trung tâm mở ra nhiều văn phòng, chi nhánh để tiếp nhận hồ sơ học lái xe, sau đó đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo khiến người học hiểu lầm. Tuy nhiên, khi học viên vào học thì phát sinh nhiều loại chi phí khác. Trong quá trình đào tạo thì “cắt xén” chương trình trong dạy lý thuyết và thực hành. Điều này khiến công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, thiếu nghiêm túc trong học tập.
* Quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo, sát hạch
Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu sở GT-VT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe, đặc biệt là các cơ sở đào tạo lái xe mô tô thực hiện nghiêm quá trình dạy và học đảm bảo đầy đủ nội dung chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, thời hạn sử dụng của GPLX (gọi tắt là Thông tư 12).
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu sở GT-VT các tỉnh, thành chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu, biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển lái xe an toàn, chủ động xử lý kịp thời các tình huống có khả năng xảy ra TNGT, nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở GT-VT chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về cấp, đổi GPLX thực hiện nghiêm việc tra cứu thông tin của người lái xe, dữ liệu GPLX vi phạm đã được ngành Công an chia sẻ để kịp thời phát hiện các trường hợp GPLX bị tước quyền sử dụng nhưng khai báo mất rồi xin cấp lại hoặc phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX không hợp lệ, GPLX giả.
Theo Sở GT-VT, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 10 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 11 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Ngoài ra, còn có 2 trung tâm sát hạch lái xe loại 1, 1 trung tâm sát hạch lái xe loại 2, 4 trung tâm sát hạch lái xe loại 3. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hơn 5 tháng tạm ngừng đào tạo, sát hạch lái xe trong năm 2021, nhưng đơn vị đã cấp hơn 60,5 ngàn GPLX gồm: cấp mới hơn 32 ngàn GPLX, cấp đổi hơn 28 ngàn GPLX.
Trong thời gian qua, Sở GT-VT đã thực hiện quản lý và cấp GPLX, tập lái trên phần mềm quản lý xe tập lái; kiểm tra thực tế xe tập lái, hồ sơ xe tập lái theo quy định; kiểm tra hồ sơ giáo viên, cập nhật vào phần mềm theo quy định. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy lái xe theo chương trình quy định. Công tác tổ chức các kỳ sát hạch lái xe đều được thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Sở GT-VT và phần mềm sát hạch lái xe truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Đặc biệt, Sở chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm (nếu có). Đến nay, các cơ sở, đơn vị đều thực hiện đúng các quy định, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.
Sở GT-VT cũng công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh những bất cập về công tác đào tạo tại các cơ sở dạy lái xe nơi mình đăng ký học lái xe. Học viên có thể tra cứu, kiểm tra thông tin cá nhân, hình ảnh, giáo viên dạy lái xe, xe tập lái, tiến độ đào tạo lái xe của cơ sở đào tạo lái xe nơi học viên đăng ký học lái xe, giúp học viên nắm bắt thông tin…, tránh trường hợp học viên đã đăng ký học lái xe mà không có thông tin trong danh sách.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong các vụ TNGT thì phương tiện gây tai nạn nhiều là mô tô, xe máy chiếm 50% và ô tô chiếm hơn 33%. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn chưa cao. Trong đó, thiếu chú ý quan sát chiếm trên 35%; lấn trái đường, chuyển hướng sai quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh vượt sai quy định chiếm hơn 40%... |
Võ Nguyên
Ông PHẠM VĂN SINH (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa):
Tăng thời lượng học thực hành lái xe ô tô
Hiện nay, người học lái ô tô tại các trung tâm đào tạo hoàn tất chương trình khi lưu thông ra đường còn rất lóng ngóng, phải bổ túc luyện tập nhiều mới gọi là chạy xe được. Nguyên nhân chính là do thời gian thực hành của người học quá ít. Việc kiểm soát thời gian học viên tham gia học tập chưa được chú trọng, nhiều trường hợp chỉ học đối phó, giáo viên dạy qua loa. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cấp bằng lái xe và ý thức của người tham gia giao thông, cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt phải tăng thời gian thực hành lái xe cho người học, siết chặt công tác sát hạch cấp GPLX, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Bà HOÀNG NGỌC HUYỀN (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom):
Kiểm tra, xử lý các trung tâm tuyển học viên không phép
Khoảng 10 năm trở lại đây, khi chủ trương xã hội hóa được thực hiện đã nở rộ nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe giúp người dân dễ dàng lựa chọn các nơi đào tạo phù hợp với nhu cầu của bản thân. Kéo theo đó là nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đua nhau “mọc” lên. Các trung tâm đua nhau hạ giá để thu hút học viên, tìm mọi cách để không lỗ. Nhiều cơ sở dựng lên các biển nhận dạy lái xe với các lời mời chào hấp dẫn như: “hỗ trợ đậu 100%”, “có bằng nhanh, học là đậu”… Tuy nhiên, những nơi này không có chức năng đào tạo, sát hạch lái xe, các trung tâm này chỉ làm dịch vụ nhận hồ sơ để kiếm hoa hồng. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trung tâm tuyển học viên không phép.
Ông ĐINH VĂN THÁI (giáo viên dạy lái xe tại H.Nhơn Trạch):
Siết chặt việc đào tạo, cấp GPLX mô tô
Bên cạnh việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe ô tô cũng cần tăng cường siết chặt cả công tác sát hạch, cấp bằng lái xe mô tô, vì phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều có liên quan đến mô tô, xe máy. Nhiều người điều khiển xe máy tham gia giao thông nhưng thiếu các kiến thức lái xe an toàn, không tuân thủ các biển báo, hiệu lệnh về giao thông. Lái xe theo thói quen tùy tiện nên dễ va chạm giao thông với các phương tiện khác.
Hải Dương (ghi)