Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết liệt thực hiện các giải pháp để phát triển bền vững

11:03, 18/03/2022

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Tuy nhiên, tỉnh đã có những chính sách linh hoạt, kịp thời nhằm từng bước ổn định, đồng thời nhanh chóng trở lại vị thế tốc độ phát triển bền vững.

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, một tỉnh công nghiệp phát triển năng động tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, tỉnh đã có những chính sách linh hoạt, kịp thời nhằm từng bước ổn định, đồng thời nhanh chóng trở lại vị thế tốc độ phát triển bền vững.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tìm hiểu mô hình sản xuất ở Công ty TNHH Sản xuất, tinh chế gỗ xuất khẩu, hàng mộc gia dụng, trang trí nội thất Kiến Phúc (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Ảnh: HUY ANH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tìm hiểu mô hình sản xuất ở Công ty TNHH Sản xuất, tinh chế gỗ xuất khẩu, hàng mộc gia dụng, trang trí nội thất Kiến Phúc (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Ảnh: HUY ANH

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng: “Một nhiệm kỳ 5 năm qua đi rất nhanh và các năm 2022-2023 được xem là những năm bản lề rất quan trọng để có thể tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào cuộc sống, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đồng Nai hiện đại, năng động, đáp ứng kỳ vọng của người dân”.

* “Sức nóng” từ những công trình trọng điểm

Đồng Nai hiện có nhiều công trình trọng điểm tầm cỡ quốc gia đang được triển khai thi công. Trong số này có dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn tỉnh. Đến nay, hình hài của tuyến cao tốc đi qua tỉnh đang dần hoàn chỉnh, tiến độ của dự án được thi công 3 ca mỗi ngày với 23 mũi thi công, huy động trên 300 thiết bị máy móc và 500 kỹ sư, công nhân. Đặc biệt, từ khi dự án được UBND tỉnh tạo điều kiện cấp phép khai thác mỏ đất, đơn vị thi công đã huy động tối đa thiết bị nhân lực chẳng những bù đắp lại tiến độ của dự án bị chậm do giãn cách xã hội vào nửa cuối năm 2021 vì dịch bệnh Covid-19 mà còn quyết tâm hoàn thành sớm, vượt tiến độ.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN: Tranh thủ thời gian từng tháng, từng quý để hoàn thành nhiệm vụ

Dịch bệnh Covid-19 đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thời gian, nguồn lực phát triển trong nhiệm kỳ này. Hiện nay, chúng ta đã có kịch bản và giải pháp phát triển trong điều kiện phải “sống chung” với dịch bệnh Covid-19. Do đó, phải tranh thủ thời gian từng tháng, từng quý để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Tuyệt đối không được viện lý do vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đơn vị nào, địa phương nào và nhất là người đứng đầu của đơn vị, địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xem xét trách nhiệm một cách rõ ràng.

Ông Trần Đức Chính, cán bộ kỹ thuật của Liên doanh Vinaconex và Trung Chính thi công gói thầu 03-XL của tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết: “Gói thầu dài 35,3km, kéo dài từ xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) đến xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), giáp tỉnh Bình Thuận. Đầu năm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ đến thăm và động viên, vì thế chúng tôi càng có thêm động lực phấn đấu đưa công trình về đích sớm hơn dự kiến. Hiện tại, chúng tôi tranh thủ thi công 3 ca/ngày, nhiều đoạn đã thảm lớp nhựa thứ 3 trong số 4 lớp. Trạm trộn thảm nhựa hoạt động từ 4 giờ sáng mỗi ngày, thậm chí buổi trưa công nhân tranh thủ ăn trưa chỉ khoảng 15-20 phút, sau đó trở lại công trường với quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đã có hàng trăm máy móc và nhân lực khẩn trương thi công san lấp mặt bằng. Để có được tiến độ như hiện nay là nhờ năm 2020-2021, tỉnh đã quyết liệt thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường và tái định cư cho người dân có đất nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, UBND H.Long Thành đã tiếp tục quyết liệt giải phóng mặt bằng phần đất còn lại của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời mới đây đã bàn giao thêm được 304ha. Đến nay, H.Long Thành đã thực hiện bàn giao cho chủ đầu tư tổng diện tích đất hơn 1,8 ngàn ha để phục vụ xây dựng sân bay giai đoạn 1. Trong số này, có 1.500ha bàn giao chính thức và 300ha bàn giao tạm để thi công đảm bảo tiến độ. Hiện nay, hàng ngàn đầu máy móc và kỹ sư, công nhân đang khẩn trương ngày đêm san lấp mặt bằng chuẩn bị triển khai xây dựng các hạng mục chính của sân bay.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào nhóm 5 công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đây là tin vui nữa với người dân Đồng Nai về phát triển hạ tầng. Tuyến đường cao tốc này có tổng chiều dài hơn 53km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh dài hơn 34km, nằm trên 2 địa bàn TP.Biên Hòa và H.Long Thành. Lãnh đạo 2 địa phương đều cho biết, đã khẩn trương tiến hành rà soát quỹ đất trên địa bàn, chuẩn bị một số dự án khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất triển khai thi công đường cao tốc. Trong đó, TP.Biên Hòa dự kiến có 4 khu tái định cư tại các phường Tam Phước và Phước Tân; trong khi H.Long Thành dự kiến có 2 khu tại xã Long Đức và Long Phước.

* Nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định những lĩnh vực đột phá và mục tiêu rất cụ thể cho nhiệm kỳ 2020-2025. Một trong 4 lĩnh vực đột phá quan trọng đã được xác định là đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị - nông thôn và kết nối vùng. Tỉnh cũng đã xác định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tỉnh (GRDP), bình quân hàng năm trên 8,5%; bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 186 triệu đồng (tương đương 8 ngàn USD). Để hoàn thành được các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm chính trị rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 cho đến nay.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, tỉnh đã xây dựng kịch bản điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài và phức tạp. Ngay sau khi khống chế cơ bản dịch bệnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2021, UBND tỉnh đã nhanh chóng mở cửa lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN). Nhiều lĩnh vực của đời sống từng bước được mở cửa lại theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ tối đa để các DN phục hồi sản xuất, hỗ trợ công nhân trở lại nhà máy làm việc, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bước sang những tháng đầu năm 2022, mặc dù mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, hầu hết DN còn gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt như trên là kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,92%. Có 23/27 lĩnh vực sản xuất tăng và chỉ có 4/27 ngành giảm so với cùng kỳ. Lãnh đạo Sở KH-ĐT cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh thì thời gian qua cộng đồng DN đã có sự nỗ lực rất lớn trong phục hồi kinh tế. Có nhiều DN đã sản xuất đến cận Tết, sau Tết bắt tay ngay vào sản xuất với tối đa công suất.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Thuế và Cục Hải quan Đồng Nai cũng cho biết, kinh tế Đồng Nai bước sang những tháng đầu năm 2022 không chỉ cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt mà còn lấy lại được tốc độ tăng trưởng vốn có của mình. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 4,4 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ (tăng bình quân gấp 3 lần cả nước). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 2,88 tỷ USD (tăng 8,39% so với cùng kỳ). Theo lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai, nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 là do hiện nay nhiều DN đã khôi phục sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều đơn hàng mới trong năm 2022 được ký kết.

* Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ: “Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2022 và cả nhiệm kỳ 2020-2025 là rất lớn. Bằng mọi giải pháp phải nâng cao hiệu quả điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Những gì làm tốt rồi thì phải đúc rút thành kinh nghiệm và bài học để nhân rộng và làm tốt hơn, còn điều gì chưa tốt thì phải tìm hướng khắc phục, không để chậm trễ. Phải bằng mọi giải pháp chỉ đạo, điều hành đạt kết quả cao nhất, cho ra sản phẩm để báo cáo với dân, tạo lòng tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền”.

Học sinh Đồng Nai trở lại trường học với phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Đồng Nai trở lại trường học với phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ảnh: Công Nghĩa

Hiện nay, Đồng Nai có thể được xem là một đại công trường với nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia và của tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây và sắp tới là một số dự án đường vành đai. Đối với dự án cấp tỉnh khởi công mới, dự kiến trong năm 2022, tỉnh sẽ có 3 dự án trọng điểm được khởi công gồm: Đường vành đai 1, TP.Long Khánh; Đường liên cảng H.Nhơn Trạch (giai đoạn 1) và Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) TP.Biên Hòa.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, thành phố đang triển khai khá nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị, trong số này có những dự án đã khởi công cuối năm 2021 và năm 2022 này TP.Biên Hòa tiếp tục có thêm một số dự án lớn khởi công mới, trong đó có dự án Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) và trục đường trung tâm TP.Biên Hòa từ ngã tư Vườn Mít (P.Trung Dũng) đến đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất) nối với đường Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa). Đây đều là những dự án có diện tích thu hồi đất lớn và liên quan đến nhiều hộ dân, chính vì vậy trách nhiệm và áp lực giải phóng mặt bằng để có đất triển khai là rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ thêm: “Những bài học về giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã cho tỉnh rất nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, nhất là chủ trương tách dự án thu hồi đất ra khỏi các dự án lớn. Từ kinh nghiệm đó, tới đây UBND tỉnh sẽ thành lập 3 ban mới để triển khai các dự án xây dựng cơ bản, trong đó có Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ban này sẽ chuyển làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho những dự án cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh và dự án chung của tỉnh. Sau đó, bàn giao mặt bằng sạch cho Ban thi công. Khi đã có mặt bằng sạch rồi thì không còn lý do nào để biện minh cho sự chậm trễ nữa. Ngay cả những địa phương không đủ năng lực giải phóng mặt bằng cũng có thể nhờ đến ban này hỗ trợ”.

Công Nghĩa


Giám đốc Sở TT-TT LÊ HOÀNG NGỌC: Tăng cường chuyển đổi số vào các lĩnh vực

Sở TT-TT đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực và các địa phương. Sắp tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ký kết hợp tác về chuyển đổi số với một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin có uy tín hàng đầu cả nước về lĩnh vực chuyển đổi số; đồng thời, thực hiện thí điểm chuyển đổi số ở một số sở, ngành, địa phương từ cấp xã với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ viễn thông. Nhiều lĩnh vực của tỉnh, nhất là lĩnh vực cải cách hành chính, sẽ có sự đột phá trong đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, công khai, minh bạch nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ. Hay trong lĩnh vực y tế và giáo dục, công nghệ thông tin sẽ là một trong những động lực giúp các ngành này hoạt động hiệu quả hơn khi phải sống chung với dịch Covid-19.

TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế: Kiểm soát dịch bệnh tốt để phát triển kinh tế - xã hội

Việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới tiếp tục là nhiệm vụ khó khăn và áp lực với ngành Y tế. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy được qua hơn 2 năm sống chung với dịch Covid-19, đặc biệt là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, ngành Y tế đã có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch; đây cũng là trách nhiệm chung của nhiều ngành, nhiều địa phương và của mỗi người dân. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống. Ngay trong những ngày tới, Sở sẽ chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện triển khai tiêm khoảng 700 ngàn liều vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân, đảm bảo cho hệ miễn dịch của người dân trong tỉnh luôn trong trạng thái tốt.

Đại tá LÊ QUANG NHÂN, Phó giám đốc Công an tỉnh: Không để tội phạm có cơ hội lộng hành

Trong quý I này, Công an tỉnh vẫn đang tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ từ tỉnh đến cơ sở nhằm duy trì tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Công an tỉnh đã kịp thời nắm bắt và xử lý các đối tượng liên quan đến an ninh tôn giáo; tội phạm liên quan đến xâm hại uy tín, danh dự, sức khỏe; tội phạm ma túy phạm pháp hình sự được phát hiện sớm và xử lý nghiêm. Các băng nhóm tội phạm có biểu hiện manh nha hình thành đều được Công an tỉnh dập tắt. Trong những tháng đầu năm, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nên tình hình tai nạn giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo trật tự và an toàn thông suốt.

Bà NGUYỄN THỊ CÁT TIÊN, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc: Tăng cường quản lý đầu tư công

Huyện Xuân Lộc là địa phương được chọn xây dựng thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Do đó, thời gian qua, huyện đang tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh và huy động nguồn vốn của địa phương tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về quyết liệt triển khai và giải ngân vốn đầu tư công, ngay trong 2 tháng đầu năm 2022, huyện đã thực hiện giải ngân được 31% nguồn vốn của tỉnh. Đối với nguồn vốn của huyện cũng đang được tiếp tục triển khai giải ngân và sớm đưa các công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất không đúng quy định, nhất là đối với đất nông nghiệp, tránh tình trạng manh mún về đất đai, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tập trung.

Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều