Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây cầu Cát Lái, không thể chậm trễ thêm

07:01, 12/01/2022

Cùng với sự phát triển kinh tế, áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được đánh giá là ngày càng lớn. Trong khi đó, phà Cát Lái hiện không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân 2 địa phương TP.HCM và H.Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cùng với sự phát triển kinh tế, áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được đánh giá là ngày càng lớn. Trong khi đó, phà Cát Lái hiện không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân 2 địa phương TP.HCM và H.Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tính toán sơ bộ cho thấy, hiện mỗi ngày có hơn 50 ngàn lượt khách qua lại phà Cát Lái và lượng khách này có thể lên đến 80-90 ngàn lượt/ngày vào các ngày lễ, Tết. Ngoài ra, các tuyến đường kết nối TP.HCM và Đồng Nai đều ở tình trạng quá tải thường xuyên như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1K qua cầu Hóa An và quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai.

Với Đồng Nai, dự án Xây dựng cầu Cát Lái không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cần có để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch mà nó còn góp phần quan trọng trong việc kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự chậm trễ trong đầu tư dự án Xây dựng cầu Cát Lái sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Đồng Nai nói riêng và của cả khu vực nói chung, bởi 2 địa phương có vai trò kết nối giao thông giữa các địa phương trọng điểm về kinh tế như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận…

Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, cầu Cát Lái cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành tuyến kết nối thứ 2 từ sân bay này với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM thông qua tuyến đường tỉnh 25C. Nếu năm 2025, sân bay Long Thành được đưa vào khai thác giai đoạn 1 mà dự án mang tính kết nối cao này chưa hoàn thiện thì khả năng cao sẽ trở thành “điểm nghẽn”, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, TP.HCM lẫn các địa phương trong khu vực.

Ý thức được vai trò quan trọng đặc biệt của cầu Cát Lái, từ năm 2003, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng cầu Cát Lái nhằm mục tiêu kết nối đô thị mới Nhơn Trạch với TP.HCM. Tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh và Đồng Nai đã đặt mục tiêu khởi công dự án trong năm 2020. Trên thực tế, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng cầu Cát Lái, UBND tỉnh đã bắt tay ngay vào công tác khảo sát, lập các phương án để thống nhất với TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình. Chỉ 5 tháng sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện, Đồng Nai đã lên các phương án xây dựng cầu Cát Lái để gửi các cơ quan chức năng của TP.HCM xem xét, thống nhất thực hiện (nguồn: tư liệu).

Tuy nhiên, đến lúc này, nghĩa là hơn 2 năm từ khi được Thủ tướng giao thực hiện, 2 địa phương TP.HCM và Đồng Nai vẫn chưa đi đến thống nhất sẽ chọn phương án nào để xây dựng cầu, trong khi nhu cầu đi lại giữa 2 địa phương ngày một tăng cao, nhất là theo “độ nóng” của sân bay Long Thành kèm theo hàng loạt dự án dịch vụ - khu dân cư đã và đang xây dựng trên địa bàn H.Nhơn Trạch, H.Long Thành. Vì vậy, dự án này không thể để chậm trễ thêm và 2 địa phương liên quan cần sớm đi đến thống nhất chọn phương án phù hợp, khả thi và ít tốn kém nhất cho ngân sách.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều