Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xây dựng phương án ổn định thị trường

09:10, 19/10/2021

Giá nhiều mặt hàng liên tục tăng trong thời gian qua, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp, HTX, mô hình kinh doanh bán lẻ, dịch vụ lo lắng...

Giá nhiều mặt hàng liên tục tăng trong thời gian qua cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp đã khiến không ít doanh nghiệp, HTX, mô hình kinh doanh bán lẻ, dịch vụ trên địa bàn tỉnh lo lắng trong việc cân đối chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo chi phí đầu ra trong những tháng cuối năm, cận Tết Nguyên đán sắp tới.

Người dân chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người dân chọn mua các loại thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

* Tiểu thương, người kinh doanh gặp khó

Bà Đào Thị Nguyên Trang, đại diện quán ăn Trang Hào Bờ Sông (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, quán đã mở lại các hoạt động bán hàng mang đi. Giá gas tăng khiến cho quán gặp nhiều khó khăn hơn trong việc khôi phục hoạt động kinh doanh, dẫn đến chi phí vận hành tăng khoảng 10-20%, trong khi đó quán vẫn duy trì mức giá bán bình ổn. “Quán đã chủ động các phương án kinh doanh để thích ứng trước những diễn biến của dịch bệnh thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp. Trong thời gian tới, tôi mong muốn tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và mặt bằng giá nhiều loại thực phẩm, giá nhiên liệu dần “hạ nhiệt” để các hoạt động kinh doanh, dịch vụ sớm ổn định” - bà Trang chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hưng, giám đốc một công ty về dịch vụ logistics tại TP.Biên Hòa bày tỏ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, do tình hình vẫn còn khó khăn nên công ty mới chỉ hoạt động khoảng 30% năng suất so với trước dịch. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao đã tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, logistics của công ty. Do đó, công ty mong muốn tình hình giá xăng dầu và nhiều chi phí dịch vụ phát sinh sẽ giảm dần trong thời gian tới để doanh nghiệp giảm bớt một số gánh nặng, áp lực về chi phí vận hành; sớm khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh, nhất là trong cao điểm cuối năm sắp tới.

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong quý III-2021, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã kiểm tra và xử lý 55 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường với số tiền thu phạt nộp ngân sách hơn 114,6 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm nhãn hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm…

* Triển khai các hoạt động bình ổn giá

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022 để phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022, đồng thời ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, cũng như chủ động các chương trình bình ổn giá trong tình hình mới. Tương tự, nhiều chợ truyền thống, HTX thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng kế hoạch về nguồn hàng, triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, chuyến hàng phục vụ người dân vào dịp cuối năm nay và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo ông Trần Quang Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường Đồng Nai), lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh sẽ tiếp tục đảm bảo công tác trực, tiếp nhận và xử lý những phản ảnh của người dân, trong đó có các kênh phản ảnh qua đường dây nóng; chủ động xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khi nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trở lại. Trong đó, sẽ xử lý nghiêm những cơ sở, trường hợp vi phạm về lĩnh vực giá, niêm yết giá…

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương chia sẻ, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 đến người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các địa phương tăng cường kiểm tra tình hình giá cả, niêm yết giá, ổn định thị trường trong tình hình mới, triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp cuối năm nay và Tết Nguyên đán sắp tới. 

Lam Phương

Tin xem nhiều