Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các địa phương

08:08, 22/08/2021

Sau hơn 1 tháng giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tăng, đặc biệt là các khu vực có công nghiệp phát triển, lao động nhiều nguy cơ lây nhiễm cao...

Sau hơn 1 tháng giãn cách xã hội nhưng số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tăng cao, đặc biệt, các khu vực có công nghiệp phát triển, lao động nhiều nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, các địa phương cần doanh nghiệp (DN) phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống dịch để sản xuất công nghiệp không bị đình trệ.

Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) tổ chức khử khuẩn thường xuyên trong nhà máy để đảm bảo phòng dịch
Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) tổ chức khử khuẩn thường xuyên trong nhà máy để đảm bảo phòng dịch. Ảnh: KHÁNH MINH

Đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát ở hơn 100 DN thuộc các vùng trung tâm công nghiệp của tỉnh như: H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom, TP.Biên Hòa. Nếu không khống chế tốt, dịch bệnh tiếp tục lây lan vào các nhà máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nhiều DN.

* Phát sinh nhiều trở ngại

Sau khi UBND tỉnh quyết định tiếp tục đợt giãn cách xã hội đến ngày 31-8-2021, hàng loạt DN đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đã xin tạm dừng hoạt động hoặc giảm bớt số lao động đang lưu trú tại công ty.

Theo các DN, phương án “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tạm thời trong tình thế cấp bách và khả năng chỉ duy trì khoảng 2-3 tuần, kéo dài thêm nữa rất khó duy trì. Vì điều kiện trong nơi tạm trú khó đáp ứng được nhu cầu lâu dài cho người lao động. Do đó, nhiều người lao động đã đề nghị với công ty cho nghỉ việc về lại nơi cư trú, khiến DN khó khăn trong duy trì sản xuất, cũng như đưa người về địa phương.

Thời gian qua, một số DN tự ý để người lao động trở về nơi cư trú, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của các xã, phường. UBND tỉnh có văn bản đề nghị các DN khi giảm lao động, dừng sản xuất phải báo trước Ban Quản lý các khu công nghiệp (DN trong khu công nghiệp), Sở LĐ-TBXH (DN ngoài khu công nghiệp và UBND huyện, thành phố nơi đặt nhà máy, Trung tâm Y tế huyện, thành phố) để liên hệ với nơi cư ngụ của người lao động, sắp xếp đưa họ về.

Từ ngày 20-8-2021, để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã tạm dừng xem xét chấp thuận đăng ký, bổ sung cho DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tập trung vào tổng xét nghiệm toàn dân.

Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết: “Trước ngày 20-8-2021, huyện phối hợp với các sở, ngành giải quyết cho nhiều công ty trên địa bàn Long Thành giảm số lao động đang lưu trú tại nhà máy và ngừng hoạt động. Với những DN trên, huyện yêu cầu phối hợp để liên hệ với UBND xã, thị trấn nơi cư ngụ của người lao động để họ sắp xếp tiếp nhận, còn phía DN tổ chức xét nghiệm cho từng người, nếu âm tính mới cho về địa phương. Sau đó, theo yêu cầu của tỉnh, huyện đã đề xuất các DN cố gắng giữ lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” lại, tiến hành xét nghiệm để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch”.

Cũng theo ông Lê Văn Tiếp, H.Long Thành chủ động làm chặt chẽ việc này ngay từ đầu nên hạn chế được bùng phát các ổ dịch mới, lây lan ra cộng đồng. H.Long Thành thường xuyên tổ chức các tổ đi tầm soát dịch bệnh tại những khu nhà trọ của công nhân để kịp thời phát hiện, truy vết các ca nhiễm bệnh.

Cả 4 khu vực trung tâm công nghiệp của tỉnh là TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom, H.Long Thành đều có văn bản yêu cầu các DN trong và ngoài khu công nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc phòng, chống dịch để giảm tổn thất cho sản xuất công nghiệp.

* Cần phương án vẹn toàn

Hiện nay, phương án “3 tại chỗ” đã bộc lộ các hạn chế, đặc biệt khi kéo dài thời gian thực hiện. Vì thế, các DN cần phương án mới để tiếp tục duy trì được sản xuất mà vẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả. Vừa qua, Bộ Công thương đã có đề xuất với Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phía Nam có các giải pháp linh hoạt thích ứng với diễn biến của dịch bệnh để DN có thể duy trì được sản xuất.

Hầu hết, các DN đều cho rằng, tỉnh nên triển khai nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động; đồng thời đề xuất Chính phủ sớm ưu tiên đủ vaccine cho các công ty, sau khi người lao động được tiêm phòng đầy đủ có thể duy trì, khôi phục sản xuất và không bắt buộc thực hiện lưu trú tại nhà máy. Khi người lao động được tiêm phòng đầy đủ, có thể cho họ đi về, nhưng buộc phải thực hiện quy định 5K và xét nghiệm nhanh thường xuyên.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hội DN Đồng Nai nhận định, giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các DN hiện nay là phải có đủ lượng vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động đang làm việc trong các công ty. Nếu việc này chậm trễ, dịch bệnh bùng phát trong nhiều DN sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp. Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam, nên không ngăn chặn kịp thời để dịch xâm nhập vào các công ty phải dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng chung đến chuỗi sản xuất công nghiệp trên cả nước.

Ngoài ra, nhiều DN mong muốn tỉnh, huyện, thành phố sẽ tổ chức các lớp tập huấn nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 cho y tế của các công ty. Như vậy, DN có thể chủ động xét nghiệm nhanh thường xuyên cho lao động, hạn chế tụ tập đông người tại các phòng khám, bệnh viện, sẽ đảm bảo hơn trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời có thể tiết kiệm thời gian đi lại và giảm được nhiều chi phí cho việc xét nghiệm nhanh.

Khánh Minh

Tin xem nhiều