Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1

04:07, 16/07/2021

Chuẩn bị hành trang gì cho con khi vào lớp 1? Có cần thiết phải cho con học trước chương trình hay không? Liệu con có theo kịp bạn bè?... Những câu hỏi trên cũng chính là lo lắng của rất nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1.

Chuẩn bị hành trang gì cho con khi vào lớp 1? Có cần thiết phải cho con học trước chương trình hay không? Liệu con có theo kịp bạn bè?... Những câu hỏi trên cũng chính là lo lắng của rất nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1.

Học sinh Trường mầm non An Bình (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) đi tham quan Trường tiểu học Long  Khánh. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1. Ảnh: H.YẾN
Học sinh Trường mầm non An Bình (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) đi tham quan Trường tiểu học Long Khánh. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1. Ảnh: H.YẾN

Sự lo lắng này càng nhân lên trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến họ không thể chủ động cho con tham gia các hoạt động giáo dục bên ngoài gia đình.

* Nỗi lo khi con vào lớp 1

Năm học 2021-2022, chị Nguyễn Thị Thủy (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) có con vào lớp 1. Từ đầu tháng 5, chị đã liên hệ với giáo viên trường tiểu học để xin cho con đi học dự thính chương trình lớp 1 trong dịp hè. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên dự định này không thể thực hiện được.

Một tháng qua, mỗi ngày chị Thủy đều cho con ôn lại bảng chữ cái, tập viết chữ, tập ghép vần. Không có kỹ năng sư phạm nên việc tự dạy con học của chị không được hiệu quả. Tuy vậy, mục đích của chị cũng chỉ là làm giảm thời gian xem tivi, chơi điện thoại của con và để con không quên mặt chữ. Điều mà chị Thủy lo lắng nhất đó là con chưa được chuẩn bị tốt nhất khi bước vào lớp 1; nếu lỡ tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năm học mới, trong khi trẻ lớp 1 chắc chắn không thể học trực tuyến.

Đa số các giáo viên tiểu học đều khuyên phụ huynh không cần phải thúc ép các con quá nhiều. Đôi khi phụ huynh ép con học nhiều nhưng lại không đúng phương pháp hoặc hướng dẫn con học sai cách thì giáo viên sẽ vất vả hơn để uốn nắn các con lại cho đúng. Bên cạnh đó, nhìn chung chất lượng của lứa học sinh lớp 1 đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới rất tốt, đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lực mà chương trình đề ra. Năng lực đọc thông, viết thạo của trẻ có phần nhỉnh hơn so với học chương trình cũ nên phụ huynh có thể yên tâm.

Cô Lê Thanh Hiếu, Hiệu trưởng Trường mầm non ABC (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, khi có con chuẩn bị vào lớp 1 nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng thái quá nhưng cũng có phụ huynh lại khá vô tư. Điều này tùy thuộc vào quan niệm giáo dục và bối cảnh gia đình của phụ huynh. “Nhiều phụ huynh lo lắng đến mức gần như stress, gò ép con phải học đọc, học viết từ khi mới 4 tuổi. Chuẩn bị vào lớp 1 mà chưa đọc thông, viết thạo là không yên tâm. Trong khi đó, lại cũng có những phụ huynh phó thác hoàn toàn việc học của con cho cô giáo nên không chuẩn bị nền tảng cho con khi vào lớp 1” - cô Hiếu chia sẻ.

Thực tế, cả 2 trường hợp học sinh trong hoàn cảnh như trên đều sẽ ít nhiều gây khó khăn cho giáo viên lớp 1 khi tiếp nhận, giảng dạy. Trẻ chưa được chuẩn bị sẵn tâm thế vào lớp 1 sẽ rụt rè, nhút nhát. Trạng thái tâm lý này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ thấy các bạn xung quanh mình đã biết đọc, biết viết. Như vậy, mỗi khi đặt bút viết hoặc đọc bài, trẻ sẽ bối rối, sợ sai, mắc cỡ…

Ngược lại, với những học sinh đã biết đọc, biết viết trước khi vào năm học mới, giáo viên có thể đỡ vất vả hơn trong việc dạy trẻ đọc bài. Tuy nhiên, có thể do học viết quá sớm và không đúng cách nên trẻ có thói quen cầm bút sai. Trong trường hợp này, giáo viên sẽ rất vất vả để sửa lại thói quen này cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt Anh, giáo viên Trường tiểu học Phước Thiền 1 (H.Nhơn Trạch) cho hay, rất đông phụ huynh học sinh của trường làm công nhân. Họ thường tăng ca đến 20 giờ mới về. Sau 1 ngày làm việc mệt nhọc, phụ huynh cũng chẳng còn thời gian để dạy con học. “Nhiều phụ huynh nôn nóng với chuyện học hành của con, gọi điện thoại để trao đổi với cô giáo nhưng không phải ai cũng có kỹ năng dạy con học đọc, học viết. Nói chung, nếu mặt bằng chung của trẻ không đồng đều thì cô giáo sẽ phải vất vả. Những trẻ chưa được chuẩn bị trước sẽ phải cố gắng nhiều để theo kịp bạn bè. Tuy nhiên, hiện nay ở trường mầm non các con đã được làm quen chữ cái để sẵn sàng vào lớp 1. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng” - cô Nguyệt Anh cho biết.

* Chuẩn bị hành trang…

Hiện nay, Đồng Nai đã hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, nghĩa là trên 95% trẻ 5-6 tuổi được huy động ra lớp, tham gia học tập để chuẩn bị sẵn sàng bước vào lớp 1. Trong đó, trẻ được làm quen chữ cái, tập viết (đồ) những nét cơ bản, tìm hiểu trường tiểu học... Với những nền tảng này, sau 9 tháng với 35 tuần học ở lớp 1, trẻ hoàn toàn có thể đạt được kiến thức, năng lực, phẩm chất theo mục tiêu, yêu cầu của chương trình.

Để trẻ sẵn sàng vào lớp 1, nhiều trường mầm non phối hợp với trường tiểu học đã tổ chức các buổi tham quan trường tiểu học cho trẻ lớp lá (5 tuổi). Thầy Trương Thanh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Long Khánh (TP.Long Khánh) cho biết, năm học vừa qua, trường đã đón học sinh các trường mầm non An Bình và Hoa Hồng đến tham quan vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Với hoạt động này, Ban giám hiệu trường tiểu học sẽ sắp xếp để trực tiếp đón đoàn học sinh. Giáo viên chủ nhiệm của các lớp 1 cũng được phân công đón tiếp, tổ chức hoạt động giao lưu, hướng dẫn học sinh trường mầm non.

Nhiều trường tư vẫn còn dạy chữ trước chương trình

Thực hiện theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các trường mầm non công lập đều không tổ chức dạy chữ trước chương trình mà chỉ có hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái. Tuy nhiên, hầu hết các trường mầm non ngoài công lập đều tổ chức dạy chữ cho trẻ. Điều này khiến cho mặt bằng chung của học sinh khi vào lớp 1 không đồng đều, tạo nên khó khăn cho giáo viên lớp 1 khi tổ chức hoạt động dạy học. Đặc biệt, điều này ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Trẻ học trước thường có tâm lý chủ quan, tự mãn; trẻ chưa học thì tự ti, sợ sệt khi bị so sánh với bạn bè.

Trong chuyến tham quan này, trẻ được làm quen với môi trường học mới: không gian trong và ngoài lớp học, thăm các phòng chức năng, khu hiệu bộ, khu vui chơi. Trẻ được vào lớp để làm quen, giao lưu với giáo viên và các anh chị lớp 1. Cô giáo lớp 1 phụ trách giới thiệu cho trẻ về các dụng cụ học tập, giới thiệu về môn học Toán, Tiếng Việt… Hoạt động này không chỉ giúp trẻ hình dung rõ nét về môi trường tiểu học mà còn cho trẻ cảm nhận được một không gian học tập mới thân thiện, gần gũi.

“Qua nhiều năm tổ chức, tôi nhận thấy học sinh rất vui thích với hoạt động này. Khi tham quan trường học mới, trẻ sẽ có tâm thế hứng thú, thoải mái để vào lớp 1. Các con bớt bỡ ngỡ, rụt rè. Nhiều em rất tự tin lên giao lưu với giáo viên và các anh chị lớp 1. Nhiều phụ huynh cũng đi cùng con đã rất đồng tình với hoạt động này”- thầy Tuấn cho hay.

Từ kinh nghiệm dạy học của mình, cô Mai Lê Phương Thảo, giáo viên Trường tiểu học Long Khánh cho rằng, khi trẻ bước vào lớp 1 thì trước tiên phải chuẩn bị hành trang cho… phụ huynh. Phụ huynh phải hiểu con mình đang học gì, học như thế nào mới có thể phối hợp cùng nhà trường trong giáo dục học sinh.

Theo cô Thảo, hiện nay có rất nhiều luồng thông tin về chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó có không ít thông tin tiêu cực gây nên tâm lý lo lắng, căng thẳng cho phụ huynh. Vì vậy, điều trước tiên là phụ huynh không nên hoang mang trước những luồng thông tin này. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của thế giới. Đây là điều đương nhiên. Phụ huynh nên chắt lọc thông tin khi đọc để bớt hoang mang, lo lắng.

Bé Nguyễn Phạm Tường Vi (ngụ KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đang được chị dạy cho làm quen với môn Tiếng Việt
Bé Nguyễn Phạm Tường Vi (ngụ KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đang được chị dạy cho làm quen với môn Tiếng Việt

Mặt khác, cô Thảo cho rằng, dù không học dự thính chương trình lớp 1, phụ huynh vẫn cần phải chuẩn bị nền tảng để con có thể học tốt ở bậc học mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng môn Tiếng Việt, môn Toán. Nghĩa là phụ huynh nên có các hoạt động vừa học, vừa chơi để giúp con làm quen với số, làm quen với môn học Tiếng Việt. Hiện nay, các bộ SGK đều đã được số hóa và đăng công khai trên website https://hanhtrangso.nxbgd.vn. Phụ huynh có thể tham khảo sách ở đây để hiểu hơn về chương trình.

Thông thường, từ đầu kỳ nghỉ hè, các bậc phụ huynh có con bước vào lớp 1 đã cho con đi học dự thính. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng như hiện nay, trẻ hoàn toàn không được tham gia các lớp học này. Vì vậy, khá nhiều phụ huynh hiện đang rất băn khoăn về việc chuẩn bị hành trang vào lớp 1 cho con.

Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho biết, nếu đến tháng 8 tình hình dịch Covid-19 được khống chế thì ngành Giáo dục, phụ huynh có thể yên tâm để bắt đầu năm học mới. Đây sẽ là năm học có nhiều thuận lợi cho giáo viên, học sinh lớp 1.

Theo phân tích của ông Kiếm, dù năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nhưng trẻ đã có một năm học khá trọn vẹn. Ở bậc mẫu giáo, trẻ đã được chuẩn bị khá đầy đủ để bước vào lớp 1. Mặt khác, do dịch Covid-19, dịp hè năm nay trẻ không được tham gia học thêm hoặc các chương trình dự thính. Như vậy, các bé đã có một mùa hè nghỉ ngơi thoải mái. Với 2 yếu tố đó, trẻ sẽ có được tâm lý hào hứng nhất khi bước vào lớp 1.

Bản thân giáo viên dạy lớp 1 cũng có nhiều thuận lợi bởi năm học tới đây, học sinh sẽ có mặt bằng chung ổn định, không xảy ra tình trạng nhiều trẻ đã đọc thông, viết thạo trong khi nhiều trẻ khác lại chưa biết chữ. Bên cạnh đó, sau năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên lớp 1 đã có kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn nên sẽ bước vào năm học mới với tâm thế tốt hơn. 

Hải Yến


Cô NGUYỄN THỊ TRÂM, giáo viên Trường tiểu học Trưng Vương (H.Trảng Bom):

Phụ huynh nên tìm cách giới thiệu với con về môi trường mới

Phụ huynh không nên lo lắng khi con chưa được học dự thính trước khi vào năm học mới. Kiến thức, nội dung học tập được thiết kế từ dễ đến khó. Chương trình hiện nay không nặng về kiến thức mà nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện cả năng lực, phẩm chất. Vì vậy, giúp trẻ có tâm thế thoải mái khi bước vào lớp 1 để học thì sẽ hiệu quả hơn.

Khó khăn nhất của giáo viên là làm sao để trẻ quen với môi trường, nề nếp học tập mới. Giáo viên không được tạo áp lực cho trẻ mà còn phải giúp trẻ có hứng thú, đam mê học tập. Thông thường, giáo viên phải mất 2 tuần đầu để bé quen với hoạt động học tập, nề nếp của trường.

Với riêng năm nay, do thời gian nghỉ học dài nên đầu năm học trẻ có thể sẽ bỡ ngỡ nhiều hơn. Còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến năm học mới, phụ huynh có thể giúp con sẵn sàng vào lớp 1 bằng cách giới thiệu về môi trường học tập mới cho con. Phụ huynh nên tìm kiếm một số video, hình ảnh về trường tiểu học, về lớp 1 cho bé xem để biết về môi trường học tập mới. Một số trường có xây dựng trang web, Facebook, phụ huynh có thể mở hình ảnh trong đó để cho con xem.

Cô DƯƠNG THỊ BÍCH THÚY, phụ trách Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu (P.An Hòa, TP.Biên Hòa):

Nhà trường tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng

Đầu tháng 6 vừa qua, giáo viên của trường đã được tập huấn sách giáo khoa mới. Sau 1 năm học, giáo viên đã quen với chương trình, sách giáo khoa và rút ra được nhiều kinh nghiệm thông qua thực tế dạy học, sinh hoạt chuyên môn. Vì vậy, tất cả đều rất sẵn sàng cho năm học mới.

Chương trình, sách giáo khoa mới cho phép nhà trường tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng. Do vậy, trường có thể linh động sắp xếp các hoạt động học tập, phân chia thời lượng các môn học. Tùy theo mặt bằng chung và đặc thù của địa phương, nếu trẻ gặp nhiều khó khăn trong học môn Tiếng Việt thì nhà trường có thể chủ động tăng thời lượng môn học này lên ở học kỳ 1 rồi giảm dần thời lượng ở học kỳ 2. Chẳng hạn, học kỳ 1 năm trước, chúng tôi sắp xếp 13 tiết Tiếng Việt/tuần, trong khi môn Toán chỉ có 3 tiết/tuần.

Bên cạnh đó, Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu có thuận lợi là tổ chức học 2 buổi nên nếu cần thiết, chúng tôi có thể sắp xếp tăng tiết thêm cho môn Tiếng Việt. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng, không nhất thiết phải cho con học dự thính trước chương trình.

Chị VŨ THỊ ĐOAN TRANG (P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh):

Chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho con

Năm nay con gái của tôi vào lớp 1. Tôi nhận thấy tâm lý chung của đa số phụ huynh là lo lắng. Bản thân tôi là giáo viên mầm non nên khá hiểu tâm lý của trẻ, cũng biết phương pháp để đồng hành cùng con trong việc học. Điều tôi làm hiện nay là tạo tâm lý thoải mái cho con và chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho con vào lớp 1.

Cụ thể, tôi thường chia sẻ, kể cho con nghe về môi trường học tập mới. Tôi nói với con rằng ở lớp 1 con sẽ có nhiều bạn mới, được cô giáo dạy cho nhiều điều mới lạ, những điều mà con chưa được học ở trường mầm non. Những câu chuyện này nhằm khơi gợi sự tò mò, hào hứng cho con.

Về mặt kỹ năng, tôi rèn cho con cách cầm bút sao cho đúng, rèn cho con khả năng tập trung trong khi học. Ở trường mầm non, các con vừa học vừa chơi. Lên đến tiểu học, các con phải học theo tiết với thời lượng hơn 30 phút. Vì vậy, nếu không tập dần thói quen, con sẽ khó tập trung khi học. Để quen với việc học, khi giao bài cho con tập viết, tôi thường yêu cầu thêm về mặt thời gian. Con phải học đến khi kim đồng hồ chỉ số này, số này… thì con mới được nghỉ…

Tường Vi  (ghi)


 

Tin xem nhiều