Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Cần sự hợp lý

04:04, 09/04/2021

Những ngày qua, việc Bảo hiểm xã hội tỉnh điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của người dân...

Những ngày qua, việc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của người dân.

Người dân đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để chuyển đổi lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu về 2 bệnh viện tuyến tỉnh sau khi bị điều chuyển đi nơi khác
Người dân đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để chuyển đổi lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu về 2 bệnh viện tuyến tỉnh sau khi bị điều chuyển đi nơi khác. Ảnh: H.DUNG

Đa số những trường hợp bị điều chỉnh thuộc diện BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, có cả những trường hợp đang bị bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài tại bệnh viện.

* Người dân không nhận được thông báo

Bà Đỗ Thị Hoàng Phượng (61 tuổi, ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) và ông Phạm Văn A (61 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là 2 trong số 13 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bất ngờ bị điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu.

Bà Phượng cho hay, từ nhiều năm nay, 4 mẹ con bà mua thẻ BHYT hộ gia đình tại đại lý của phường. Nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Hơn 1 năm nay, mỗi tuần, bà Phượng đến bệnh viện để chạy thận 3 lần. Mỗi tháng tổng chi phí hết hơn 3 triệu đồng, được BHYT chi trả hơn 1,4 triệu đồng, còn lại bà phải đóng hơn 1,6 triệu đồng.

Cách đây mấy ngày, qua rà soát trên hệ thống, nhân viên y tế của bệnh viện thông báo thẻ BHYT của bà Phượng đã bị điều chỉnh đến một phòng khám đa khoa, muốn tiếp tục chạy thận và được hưởng BHYT tại bệnh viện, bắt buộc bà Phượng phải xin được giấy chuyển tuyến của một phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Trong 2 ngày 5 và 6-4, bà Phượng phải đi lại nhiều lần từ UBND phường đến phòng khám rồi bệnh viện để hoàn thành thủ tục đổi lại nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Tương tự, ngày 5-4, gia đình ông Phạm Văn A tá hỏa khi biết thẻ BHYT của ông bị điều chỉnh đến một phòng khám trên địa bàn TP.Biên Hòa.

“Cha tôi đã chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 14 năm nay, nay tôi lại phải đến một phòng khám để xin giấy chuyển tuyến thì ông mới tiếp tục được chạy thận và hưởng BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Điều này là quá vô lý và cũng không ai thông báo cho chúng tôi biết điều này” - con trai ông A bức xúc.

Sau khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và biết thẻ BHYT đã bị chuyển đi nơi khác, bà Nguyễn Thị Thuận (51 tuổi, ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) bị ung thư vú 15 năm nay phải tức tốc đến cơ quan BHXH tỉnh để xuất trình các giấy tờ liên quan đến bệnh của mình để được đổi lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Trước khi BHXH tỉnh điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có hơn 128,5 ngàn thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Sau điều chỉnh, bệnh viện còn hơn 82,7 ngàn thẻ. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trước điều chỉnh là gần 89 ngàn thẻ BHYT, sau điều chỉnh còn hơn 49,6 ngàn thẻ BHYT.

“Tôi không biết chữ. 15 năm qua, mỗi lần đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để điều trị, tôi phải xin giấy chuyển viện của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Nay, nếu chuyển thẻ BHYT của tôi xuống một phòng khám khác, muốn lên Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi phải xin 2 lần giấy chuyển viện. Sức khỏe tôi hiện không tốt, nếu làm vậy thì quá phiền phức và vất vả cho tôi” - bà Thuận nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những trường hợp bệnh nhân bị các bệnh bị điều trị dài ngày bị điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT cũng có những trường hợp không thuộc diện được mua BHYT tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh phải điều chỉnh đợt này.

Như trường hợp của chị P.N.M.N (21 tuổi, ngụ xã Tam An, H.Long Thành). Cuối năm 2020, thông qua giới thiệu, chị N. mua được thẻ BHYT có nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với giá 1,8 triệu đồng (trong khi giá BHYT 1 năm là 804 ngàn đồng). Cách đây ít ngày, chị N. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám thì được thông báo thẻ BHYT của chị đã được chuyển về Trạm y tế xã Tam An.

* BHXH tỉnh khẳng định đã có thông báo

Phó giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Quy cho biết, trước khi điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, ngày 2-3-2021, BHXH tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Sở Y tế đề nghị phối hợp triển khai. Đồng thời, gửi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, BHXH các huyện, thành phố.

Đến ngày 18-3-2021, BHXH tỉnh tiếp tục có công văn liên quan gửi BHXH các huyện, thành phố và các phòng nghiệp vụ trực thuộc BHXH tỉnh. Công văn nêu rõ: “Trong khi chờ ý kiến thống nhất với Sở Y tế xác định đối tượng, cơ cấu nhóm đối tượng, số lượng thẻ BHYT ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh yêu cầu trưởng các phòng nghiệp vụ, giám đốc BHXH các huyện, thành phố rà soát các đối tượng tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Sau đó, gửi danh sách và đề nghị đại lý thu BHYT thông báo đến người tham gia BHYT hộ gia đình để thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu theo đúng quy định, chậm nhất trước ngày
29-3-2021.

Toàn tỉnh hiện có hơn 220 cơ sở y tế đăng ký tham gia khám, chữa bệnh BHYT với 2.566.568 thẻ BHYT.

Người tham gia BHYT không thuộc nhóm đối tượng đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tuyến tỉnh theo quy định tại Điều 9 của Thông tư số 40/2015/TT-BYT nếu bị mắc các bệnh cần điều trị dài ngày theo hướng dẫn tại Công văn số 1456/SYT-NVY ngày 21-4-2017 của Sở Y tế, khi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh phải có giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh để đối chiếu.

Sau ngày 29-3-2021, những trường hợp đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh không thuộc đối tượng theo quy định mà chưa đổi sang cơ sở khám, chữa bệnh khác thì yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố thực hiện đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu về tuyến huyện và tương đương, gần với nơi cư trú của người tham gia BHYT hộ gia đình”.

Đến đầu tháng 4, BHXH tỉnh sau khi điều chuyển thẻ BHYT trên hệ thống cũng đã in thẻ BHYT mới và chuyển về cho các đại lý thu BHYT. Nếu đại lý chưa phát thẻ BHYT cho người dân thì người dân cần liên hệ với đại lý để nhận thẻ BHYT mới. Những trường hợp trước đây chưa nộp giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh, đã bị điều chỉnh nơi khám, chữa bệnh BHYT thì có thể đến BHXH tỉnh, đại lý thu BHXH ở xã, phường, thị trấn hoặc tại điểm thu hộ BHYT tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh, cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan theo quy định để được chuyển đổi lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT về 2 bệnh viện tuyến tỉnh.

“Từ ngày 5 đến 7-4, BHXH tỉnh đã điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về 2 bệnh viện tuyến tỉnh cho hơn 500 trường hợp. BHXH tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo đúng quy định” - bà Nguyễn Thị Quy cho biết thêm.

Về việc người dân không nhận được thông báo của BHXH, lãnh đạo BHXH tỉnh cho hay, nguyên nhân do công tác tuyên truyền của các đại lý thu BHXH chưa đến được với người dân khiến người dân chưa nắm bắt được.

* Phối hợp rà soát đảm bảo quyền lợi cho người dân

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, Sở Y tế đã nắm được thông tin một số bệnh nhân đang điều trị dài ngày tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh bị chuyển thẻ BHYT đến một cơ sở y tế khác gây xáo trộn đến việc khám, chữa bệnh và khiến người dân búc xúc. Sở Y tế đang làm việc với BHXH tỉnh để giải quyết vấn đề này. Quan điểm của Sở Y tế là việc phân bổ thẻ BHYT phải đảm bảo quyền lợi cho người dân; phải phù hợp với năng lực khám, chữa bệnh của từng cơ sở y tế; phải đúng quy định của Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Người dân đến BHXH tỉnh để điều chỉnh lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sáng ngày 7-4

Cũng theo Thông tư 40, nếu năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế hạng 3, hạng 4 trên địa bàn huyện, thành phố không đáp ứng được việc khám, chữa bệnh BHYT ban đầu cho người tham gia BHYT thì người dân được phép đăng ký BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh. “Ví dụ trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có gần 900 ngàn thẻ BHYT. Đây là số lượng thẻ rất lớn, không thể chia hết cho các bệnh viện hạng 3, phòng khám đa khoa tư nhân mà bắt buộc phải có những đối tượng được đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh. Ngoài ra, những đối tượng khác như bệnh nhân ung thư, tiểu đường đang điều trị insulin, những bệnh nhân đang phải lọc thận, viêm gan siêu vi B cũng không thể điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới hoặc các phòng khám đa khoa tư nhân vì hầu hết những đơn vị này không đủ phương tiện, thuốc men phù hợp. Nếu chuyển họ về các trạm y tế, các phòng khám hoặc các trung tâm y tế tuyến huyện thì mỗi lần đi khám, chữa bệnh, họ phải xin giấy chuyển tuyến rất phiền hà cho người dân. Những đối tượng này ngành Y tế chủ trương vẫn cho đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở các bệnh viện tuyến tỉnh dù họ thuộc diện BHYT hộ gia đình hay đối tượng khác” - BS Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng thừa nhận, khi chính sách thông tuyến BHYT tuyến huyện và thông tuyến tỉnh điều trị nội trú có hiệu lực, việc phân bổ thẻ BHYT cũng không ảnh hưởng nhiều đến các bệnh viện hạng 2, hạng 3, các phòng khám đa khoa tư nhân. Bởi nếu cơ sở đồng hạng có chất lượng khám, chữa bệnh không tốt, người dân dù có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại cơ sở đó vẫn có quyền đến một cơ sở y tế đồng hạng khác để khám, chữa bệnh mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Tuy nhiên, đối với 2 bệnh viện tuyến tỉnh, việc phân bổ thẻ BHYT lại có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi nếu không có thẻ BHYT tại 2 bệnh viện này, người dân khi đến khám bệnh ngoại trú tại đây sẽ không được BHYT thanh toán. Số lượng thẻ BHYT nếu giảm cũng sẽ kéo theo số lượng bệnh nhân đến khám giảm, dự toán BHYT giảm dẫn đến không đủ kinh phí để các bệnh viện tuyến tỉnh hoạt động tốt.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều