Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh manh mún, lãng phí...

08:03, 08/03/2021

Việc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đề xuất mở cảng chuyên dùng để phục vụ cho ngành nghề mà mình đang hoạt động là nguyên nhân chính khiến hệ thống cảng của Đồng Nai hiện bị đánh giá là nhỏ lẻ, manh mún.

Việc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đề xuất mở cảng chuyên dùng để phục vụ cho ngành nghề mà mình đang hoạt động là nguyên nhân chính khiến hệ thống cảng của Đồng Nai hiện bị đánh giá là nhỏ lẻ, manh mún. Cụ thể, trong số 17 cảng biển đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ có 2 cảng biển có quy mô diện tích trên 30ha (bến cảng Phước Thái và bến cảng Đồng Nai), còn lại là các bến cảng có diện tích dưới 30ha, trong đó có những bến cảng có diện tích chỉ từ 1 đến 10ha. Quy hoạch và tổ chức quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và tiến độ đầu tư của doanh nghiệp là những nhận định của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam về công tác quy hoạch phát triển cảng biển tại Việt Nam thời gian qua.

Thực tế, đây không phải là vấn đề của riêng Đồng Nai. Tại nhiều địa phương khác, chẳng hạn như: TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng… thực trạng trên cũng khá phổ biến. Ở quy mô cả nước, “manh mún, nhỏ lẻ” cũng là câu chuyện chung trong quá trình phát triển hệ thống cảng.

Quá trình phát triển kinh tế, giao thương qua lại trong và ngoài nước… diễn ra trong nhiều năm cũng góp phần dẫn đến hệ thống cảng phát triển kiểu “phân lô, xé lẻ” như hiện tại. Điều này cũng mang tính khách quan bởi doanh nghiệp chỉ có thể đề xuất đầu tư theo nhu cầu của chính họ, họ không đủ lực để đầu tư cảng quy mô lớn hoặc cụm cảng. Vậy nên để hệ thống cảng phát triển quy mô, hiệu quả, dứt khoát phải có sự can thiệp của Nhà nước trong công tác quy hoạch và thu hút đầu tư.

Về tiềm năng, Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng nhất về phát triển hệ thống cảng. Tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp đã có dự án đi vào hoạt động và nhiều khu công nghiệp vẫn đang tiếp tục được xây mới và mở rộng. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, sản phẩm phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh hơn nữa trong tương lai vì vận tải đường thủy có nhiều lợi thế về sản lượng và chi phí. Chưa kể, sự đầu tư bài bản, đồng bộ của các dự án sân bay, đường cao tốc… mà Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai đang quyết liệt thực hiện cũng tạo ra nhiều cơ hội phát triển lớn mạnh hơn cho hệ thống cảng.

Vậy nên, tính toán lại việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cảng là điều cần thiết. Theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ được Bộ GT-VT phê duyệt năm 2017, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 46 cảng biển được đầu tư xây dựng gồm 20 bến cảng tổng hợp và 26 bến cảng chuyên dùng. Ngoài việc tính toán sao cho quy mô cảng không “xé lẻ” như giai đoạn trước, quá trình thực hiện còn phải tính toán đến sự đồng bộ trong đầu tư hạ tầng để hệ thống cảng có tính kết nối cao với các loại hình giao thông khác trên địa bàn: hệ thống đường liên cảng, hệ thống đường kết nối với đường quốc lộ, đường cao tốc và đặc biệt nhất là phải tính toán đến sự kết nối với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều