Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đô thị thông minh: Từ thí điểm đến hiện thực

04:12, 11/12/2020

Đô thị thông minh đang là xu thế phát triển của tất cả các đô thị trên toàn thế giới. Mô hình này được xem là giải pháp hàng đầu để giải quyết những hạn chế nảy sinh trong quá trình đô thị hóa.

Đô thị thông minh (ĐTTM) được xem là giải pháp để giải quyết các vấn đề đô thị hóa, tối ưu nguồn lực và phát triển bền vững. Do đó, nền tảng pháp lý để các mô hình ĐTTM vốn đang ở dạng thí điểm có thể được mở rộng và triển khai vào thực tế là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Biên Hòa. Ảnh: Phạm Tùng
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP.Biên Hòa. Ảnh: Phạm Tùng

* Còn nhiều vướng mắc

ĐTTM hiện đang là xu thế phát triển của tất cả các đô thị trên toàn thế giới. Mô hình này được xem là giải pháp hàng đầu để giải quyết những hạn chế nảy sinh khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định phát triển ĐTTM, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao thành phố thông minh 2020 (Smart City Summit) diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8-2018 đã đưa ra các quan điểm và nguyên tắc trong tổ chức triển khai xây dựng ĐTTM tại Việt Nam và xác định các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn để thực hiện.

Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng ĐTTM với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới ĐTTM ASEAN từ năm 2018 và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình ĐTTM.

Cùng với đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2020 đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. “Khung tham chiếu công nghệ thông tin trong phát triển ĐTTM đã được Bộ TT-TT ban hành ngày 31-5-2019. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và triển khai hạ tầng công nghệ số phục vụ phát triển ĐTTM”- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Tại Đồng Nai, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã mời các tập đoàn công nghệ hàng đầu tư vấn, giới thiệu nhiều mô hình triển khai ĐTTM. Hiện tại, UBND tỉnh đang giao các tập đoàn thí điểm xây dựng Trung tâm Điều hành ĐTTM (IOC) tại UBND tỉnh, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh.

Thực tế, đối với cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, hiện nay, các mô hình ĐTTM vẫn đang ở giai đoạn xây dựng thí điểm. Dù được đánh giá có nhiều ưu điểm trong việc điều hành, quản lý đô thị, tuy nhiên việc mở rộng và triển khai vào thực tế đối với các mô hình ĐTTM sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm vẫn còn rất nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương cho hay, hiện nay TP.Long Khánh đang phối hợp với doanh nghiệp thu thập các dữ liệu để xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM. Với những tiến bộ về công nghệ hiện nay, nền tảng về kỹ thuật công nghệ để thực hiện xây dựng ĐTTM đều có sẵn và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cơ chế đầu tư, vận hành lại là “bài toán” đang cần lời giải. “Hiện các trung tâm điều hành ĐTTM đang ở dạng thí điểm và được các doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Doanh nghiệp đầu tư phải có nguồn thu, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp đang tự bỏ tiền đầu tư nhưng chưa thấy được nguồn thu. Vậy sau khi thí điểm thành công thì tiền ở đâu để làm, chưa kể hiện doanh nghiệp đầu tư thực hiện thí điểm nhưng khi triển khai thực tế phải thông qua cơ chế đấu thầu” - ông Phạm Việt Phương nêu vấn đề.

Tuy nhiên, vướng mắc cần tháo gỡ nhất hiện nay chính là cơ chế vận hành ĐTTM.Ông Phạm Việt Phương nêu ví dụ, khi Trung tâm Điều hành ĐTTM tiếp nhận thông tin về một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn một phường thì giữa các cơ quan chức năng, đâu là bộ phận phải đến hiện trường đầu tiên? Trách nhiệm giải quyết vụ việc giữa các cơ quan chức năng được phân công như thế nào? “Sau khi nhận phản ảnh về vụ tai nạn, cơ quan công an phải làm gì, UBND phường sẽ làm gì, ai sẽ đến hiện trường đầu tiên? Xa hơn, mô hình ĐTTM còn có việc tiếp nhận các phản ánh của người dân. Khi tiếp nhận phản ánh rồi, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chức năng như thế nào?” - ông Phạm Việt Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Việt Phương, không chỉ gặp vướng mắc về đầu tư, cơ chế vận hành, đội ngũ vận hành cũng là trở ngại mà mô hình ĐTTM đang gặp phải. “Khi rà soát cán bộ, công chức của TP.Long Khánh chỉ có 2 người học công nghệ thông tin mà chủ yếu chỉ làm công việc đi sửa lỗi phần cứng. Vậy ai sẽ là người vận hành Trung tâm Điều hành ĐTTM?” - ông Phương đặt vấn đề.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay của thành phố khi triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành ĐTTM là đội ngũ con người để vận hành. Phải xây dựng quy trình như thế nào để mọi phản ánh của người dân đều được tiếp thu, tiếp nhận, xử lý tới nơi tới chốn. Từ đó, tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân vào hệ thống để tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng. “Công nghệ dù có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các lĩnh vực. Xây dựng ĐTTM, con người lại càng đóng vai trò then chốt và là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công” - ông Nguyễn Duy Tân cho biết.

* Nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế vận hành ĐTTM

Từ thực tế quá trình thực hiện thí điểm mô hình ĐTTM hiện nay, ông Phạm Việt Phương cho rằng, cần phải xây dựng được một quy trình để triển khai xây dựng ĐTTM. “Cần có một quy trình về đầu tư, quy trình vận hành. Khi một vụ việc xảy ra hay tiếp nhận thông tin thì các cơ quan cấp xã, phường phải làm gì. Hiện nay, việc xây dựng quy trình là rất quan trọng. TP.Long Khánh đang chỉ đạo xây dựng bộ quy trình cho từng trường hợp xảy ra để vận hành hệ thống ĐTTM” - ông Phạm Việt Phương cho hay.

Hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được kết nối với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để quản lý, giám sát
Hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được kết nối với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để quản lý, giám sát

Đối với TP.Biên Hòa, theo dự kiến, vào đầu tháng 12-2020, Trung tâm Điều hành ĐTTM của thành phố sẽ đi vào vận hành. Theo ông Nguyễn Duy Tân, để giải quyết “thách thức” về công tác tổ chức, vận hành đảm bảo cho mô hình ĐTTM hoạt động có hiệu quả, TP.Biên Hòa cũng đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc sớm ban hành các quy chế vận hành, làm cơ sở cho việc phối hợp giữa Trung tâm Điều hành ĐTTM và chính quyền thành phố.

Thực tế triển khai tại Việt Nam cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho lãnh đạo các thành phố, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, trong đó lớn nhất là hành lang pháp lý và cơ chế hợp tác phù hợp.

Theo ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển ĐTTM với 9 nhóm nhiệm vụ chính: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển ĐTTM với các hoạt động trọng tâm: Hoàn thiện Luật Quản lý phát triển đô thị; các quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia liên quan, các quy chế quản lý đầu tư phát triển ĐTTM; và khung đánh giá chung về phát triển cho các loại đô thị… Thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hóa liên thông đa ngành. Nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch ĐTTM bền vững. Lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án thí điểm phát triển ĐTTM bền vững…

Phạm Tùng

Tin xem nhiều