Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để vi phạm về đất đai, xây dựng diễn biến phức tạp

03:12, 19/12/2020

Trong năm 2020, tình hình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, vi phạm về san lấp mặt bằng, tự phân lô, xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch...

Trong năm 2020, tình hình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, vi phạm về san lấp mặt bằng, tự phân lô, xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép… đang là vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom…  gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, quy hoạch chung và mỹ quan đô thị.

Hàng trăm căn nhà thuộc dự án Khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, H.Trảng Bom) xây dựng khi chưa được cấp phép. Ảnh: C.T.V
Hàng trăm căn nhà thuộc dự án Khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, H.Trảng Bom) xây dựng khi chưa được cấp phép. Ảnh: C.T.V

[links()]Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý, giám sát, phát hiện xử lý vi phạm của các địa phương còn chậm, thiếu kiên quyết.

* Vi phạm tràn lan

Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, đặc biệt tại một số địa phương như TP.Biên Hòa; các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom... Nhiều dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được triển khai thực hiện như: dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Cầu Cát Lái (nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai) đang nhận được nhiều sự quan tâm và thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự về xây dựng diễn ra tràn lan.

Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu đối với địa phương nào để xảy ra tình trạng xây dựng, phân lô bán nền đất trái phép; không thể để tình trạng này tiếp tục diễn biến phức tạp như trong thời gian qua.

Một trong những địa phương có tình trạng xây dựng, phân lô, bán nền trái phép “nóng” nhất hiện nay là TP.Biên Hòa. Theo thống kê của các cơ quan chức năng của thành phố, hiện trên địa bàn có gần 400 trường hợp xây dựng trái phép, phân lô bán nền tập trung nhiều ở các phường: Trảng Dài, An Hòa, Phước Tân, Tân Vạn, Tam Phước, Hóa An, Tân Tiến… Trong đó, nhiều vụ với quy mô vi phạm lớn, xử lý kéo dài như: dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa) xây dựng khi chưa được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng trên diện tích hơn 23 ngàn m2.

Hay như trường hợp vi phạm của chủ thửa đất 393, tờ bản đồ số 28, thuộc P.An Hòa (TP.Biên Hòa). Năm 2018, với  diện tích hơn 3 ngàn m2 đất nông nghiệp (trong đó chỉ có 150m2 đất thổ cư), chủ khu đất đã xẻ dọc, xẻ ngang khu đất thành 3 đường hẻm. Sau đó ngang nhiên xây cất 35 căn nhà liền kề với quy mô xây dựng mỗi căn gồm 1 tầng trệt và 1 tầng lầu, kéo hệ thống điện, nước và rao bán với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn. Điều đáng nói là vi phạm trên chỉ bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính. Trước dấu hiệu buông lỏng quản lý của địa phương, ngày 10-11-2020, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, đã ký và ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND P.An Hòa Phan Thanh Sắc để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. 

Hàng chục căn nhà liền kề được xây dựng trên đất nông nghiệp, thuộc thửa đất 393, tờ bản đồ số 28, thuộc P.An Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khắc Thiết
Hàng chục căn nhà liền kề được xây dựng trên đất nông nghiệp, thuộc thửa đất 393, tờ bản đồ số 28, thuộc P.An Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khắc Thiết

Không chỉ ở TP.Biên Hòa, các địa phương lân cận, tình hình xây dựng trái phép cũng diễn biến phức tạp không kém. Mới nhất là trường hợp xây dựng không phép 488 căn nhà thuộc dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tên thương mại là Viva Park, tại xã Đồi 61, H.Trảng Bom). Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Đầu tư LDG (LDG Group) bị thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý. Theo đó, dự án trên có phần đất cao su chưa được thực hiện bồi thường, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 60% và xây dựng hoàn thiện phần thô 198 căn biệt thự và 290 căn nhà liền kề…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng của tỉnh, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay không còn ngang nhiên như trước, nhưng nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn lén lút rao bán qua mạng xã hội bằng hình thức “bán đất nền giá rẻ”. Khi người dân có nhu cầu mua đất, “cò” đất sẽ tùy theo nhu cầu, túi tiền của khách hàng để giới thiệu, trong đó có phân lô, bán nền đất nông nghiệp dưới hình thức đồng sở hữu. Thủ tục sang nhượng thường là đến văn phòng công chứng để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng một phần diện tích trên cùng thửa đất và được quyền đứng tên đồng sở hữu.

Theo Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT), tại một số khu vực ở các xã, phường: Phước Tân, Tam Phước, Trảng Dài (TP.Biên Hòa); Long Thọ, Phước An, Phước Thiền, Phú Hữu, Long Thọ (H.Nhơn Trạch); Thạnh Phú, Tân Bình, Bình Lợi, Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu); Giang Điền, Đồi 61, An Viễn (H.Trảng Bom)... vẫn còn khá nhiều trường hợp lên mạng rao bán đất nền giá rẻ, nhưng thực chất là phân lô, bán nền trái phép bằng giấy tay, phân lô bán nền theo dạng đất đồng sở hữu... nên chính quyền địa phương khó phát hiện để xử lý.

* Khó khăn, vướng mắc

Theo nhận định của Sở Xây dựng, tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra tại các địa phương nói trên là do việc thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền, cưỡng chế tháo dỡ) tại các địa phương còn chậm trễ. Chính quyền địa phương chưa chủ động hoặc thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm ngay từ khi có dấu hiệu san lấp mặt bằng, làm đường hay khởi công xây dựng dẫn đến tình trạng cố ý, tiếp tục xây dựng công trình, không kịp thời cưỡng chế tháo dỡ. Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng tình hình, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tập trung đông người… để thực hiện việc san lấp mặt bằng, phân lô, sau đó rao bán với nhiều hình thức khác nhau.

Lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại cấp huyện, cấp xã tại một số nơi trên địa bàn tỉnh còn mỏng, kiêm nhiệm thêm công tác khác. Trước tình hình này, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho UBND cấp huyện (trừ UBND TP.Biên Hòa vì đã có Phòng Quản lý đô thị) thành lập đội, tổ quản lý trật tự xây dựng trực thuộc Phòng Kinh tế hạ tầng. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, thì đề xuất này không thực hiện được do đang thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW khóa XII về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy, tổ chức cũng có phần gây chậm trễ trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương, nhất là cấp cơ sở.   

Theo lãnh đạo một số địa phương nơi để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng nhiều thì nguyên nhân một phần là do lượng dân nhập cư đông. Nhiều người lao động có thu nhập thấp thực sự có nhu cầu về chỗ ở nhưng không đủ tài chính để mua được đất, nhà ở tại các dự án theo quy hoạch, cùng với sự thiếu hiểu biết các quy định về mua bán, chuyển nhượng đất đai, xây dựng. Lợi dụng điều này các đối tượng có quỹ đất tại các khu vực tập trung đông dân cư đã tự ý phân lô, rao bán với giá thành thấp hơn nhiều so với đất dự án và cố ý mời chào như “bao xây dựng” để dụ dỗ người mua… làm cho tình hình vi phạm xây dựng diễn biến phức tạp.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, các vụ việc xây dựng, phân lô bán nền trái phép nếu không được địa phương xử lý kiên quyết ngay từ đầu sẽ rất khó khi tiến hành hành cưỡng chế. Bởi khi đó không chỉ tốn kinh phí cưỡng chế, vừa gây thiệt hại tài sản cho người dân, mà còn tạo nên những điểm "nóng" về an ninh trật tự. Theo quy định “đối tượng bị cưỡng chế chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế”. Tuy nhiên, thực tế chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế hiện nay đang được tạm ứng theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BTC ngày 16-1-2017 của Bộ Tài chính (do các đối tượng vi phạm không thực hiện hoàn trả chi phí tổ chức cưỡng chế nêu trên) cũng dẫn đến việc chậm thực hiện tổ chức cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều