Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp

03:11, 04/11/2020

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính được coi là vấn đề quan trọng để xây dựng nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), kinh doanh liêm chính được coi là vấn đề quan trọng để xây dựng một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tại Việt Nam, một thực tế hiện nay là vấn nạn kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn diễn ra. Không những vậy, tình trạng “tham nhũng”, nhũng nhiễu về chính sách cũng đang làm các DN, nhất là DN khởi nghiệp “đau đầu”.

Tổng quan về doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hằng năm (Nguồn: Dự án thúc đẩy môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp mới tại Việt Nam - Thông tin: VĂN THẾ - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Tổng quan về doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hằng năm (Nguồn: Dự án thúc đẩy môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp mới tại Việt Nam - Thông tin: VĂN THẾ - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Cùng với việc khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách liêm chính, Đồng Nai đang từng bước tạo môi trường đầu tư minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho DN.

* Người tiêu dùng cần DN kinh doanh chân chính

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) bán hàng Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam” vào năm 2017 gây chấn động dư luận trong suốt một thời gian dài. Vụ việc nghiêm trọng đến mức cơ quan điều tra đã phải khởi tố vụ án liên quan tới sai phạm của Khaisilk.

Trước đó, sau phản ảnh của người tiêu dùng việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “made in Vietnam”, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã vào cuộc kiểm tra đồng loạt các cửa hàng của Khaisilk trên toàn quốc và phát hiện nhiều sai phạm. Báo cáo kiểm tra của Bộ Công thương cũng phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần silk như công bố. Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk thời điểm đó sau đó đã thừa nhận với truyền thông “bán 50% lụa “made in China” trong hệ thống của mình và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng. Vụ bê bối về gian lận trong kinh doanh này đã kéo theo sự sụp đổ niềm tin của đông đảo khách hàng vào thương hiệu Khaisilk đang trong giai đoạn hoàng kim của mình.

Tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch là yêu cầu để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khách hàng tham quan thông tin sản phẩm tại một siêu thị nội thất ở TP.Biên Hòa
Tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch là yêu cầu để phát triển bền vững. Trong ảnh: Khách hàng tham quan thông tin sản phẩm tại một siêu thị nội thất ở TP.Biên Hòa. Ảnh:V. Gia

Khaisilk cũng không phải là vụ việc đơn thuần, những DN, nhãn hàng làm ăn gian dối ở nơi này, nơi khác vẫn xuất hiện. Hằng năm, công việc chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không có hóa đơn chứng từ… vẫn làm đau đầu các cơ quan chức năng. DN có hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách kinh doanh hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu; làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và do đó cũng làm tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Không chỉ vậy, sự cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường, nhất là đối với các DN khởi nghiệp sẽ rất dễ dẫn đến không minh bạch trên nhiều mặt và sau đó vướng vào các vụ việc kiện tụng, thậm chí lao lý. Những người khởi nghiệp (start-up) Việt Nam hầu hết là những người làm sản phẩm và đa phần là những người trẻ. Họ có thể rất giỏi trong việc làm ra sản phẩm nhưng rất ít người nắm được các kỹ năng điều hành doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý thủ tục hành chính, thực hiện chính sách thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Theo đánh giá của các chuyên gia, hành trình khởi nghiệp rất lâu dài, cần người đồng hành. Sự liêm chính là giá trị đầu tiên để có thể đồng hành. Liêm chính ngay từ khi khởi nghiệp sẽ ngăn chặn được các sai phạm có thể xảy ra trong tương lai.

* Xây dựng bộ công cụ kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp

Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp, tốp 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Mặc dù tinh thần khởi nghiệp được xếp vào nhóm cao trên thế giới nhưng chỉ có chưa đến 10% DN start-up thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp thấp, trong đó có yếu tố liêm chính trong kinh doanh.

TS Nguyễn Văn Tân, thành viên Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng:

Đào tạo tâm thế khởi nghiệp liêm chính cho sinh viên

Kinh doanh liêm chính là cơ sở để bất kỳ một DN nào muốn có được sự phát triển bền vững, đặc biệt là DN khởi nghiệp muốn khẳng định thương hiệu của mình. DN phải nhận thức được điều này. Trong vấn đề kinh doanh liêm chính, cần xác định rõ các bên liên quan, tốt mình, tốt người và tốt cho cộng đồng thì tính liêm chính sẽ được nâng lên. Chỉ khi kinh doanh liêm chính, DN mới tạo ra được sự minh bạch cho các cổ đông, đối tác, và là chỉ dấu cho sự phát triển bền vững.

Đây cũng là vấn đề được xã hội quan tâm nên mới đây, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã ra mắt bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và DN khởi nghiệp. Trên cơ sở các tiêu chí này, DN khởi nghiệp, nhà đầu tư điều chỉnh mình để có những hoạt động kinh doanh một cách bền vững.

Với vai trò của mình là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế, Trường đại học Lạc Hồng sẽ lồng ghép các nội dung nói trên vào chương trình đào tạo khởi sự DN. Mục đích cao nhất là tạo ra được thế hệ sinh viên mới không chỉ tự tin tìm kiếm cơ hội việc làm mà còn có thể khởi sự kinh doanh, góp phần xây dựng đội ngũ DN một các bền vững.

Trước thực trạng này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam(VCCI) đã nghiên cứu và cho ra đời bộ tiêu chí Liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và DN khởi nghiệp.  Vào tháng 7-2020, tại TP.HCM, bộ tiêu chí được ra mắt và đưa vào áp dụng. Đây là bộ công cụ giúp lựa chọn DN để đầu tư, chia sẻ về những điều kiện kinh doanh liêm chính để thẩm định dự án đầu tư cho DN start-up.

Tác giả của bộ công cụ là bà Nguyễn Phi Vân, nhà sáng lập Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Vietnam Angel Network, cố vấn chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của VCCI. Theo bà Nguyễn Phi Vân, đây là bộ công cụ rất quan trọng đối với các chủ DN khởi nghiệp và cả các nhà đầu tư. Bộ công cụ này ra đời với kỳ vọng sẽ là một kim chỉ nam, hướng dẫn các nhà khởi nghiệp từng bước thực hiện xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ, quan hệ đối tác, khách hàng để kiện toàn công ty.

Bộ công cụ này gồm 2 bộ, một bộ dành cho các nhà đầu tư để đánh giá tính liêm chính start-up, một bộ dành cho các nhà khởi nghiệp tự đánh giá công ty của mình. Nội dung để đánh giá mức độ kinh doanh liêm chính tập trung vào 3 nền tảng chủ yếu là: định hướng đạo đức cá nhân, chất lượng hệ thống quản lý và sự tuân thủ luật pháp Việt Nam.

“Cùng với bộ tiêu chí này, hành trình tạo sự lan tỏa về kinh doanh minh bạch, liêm chính cho cộng đồng đầu tư tại Việt Nam được đẩy mạnh mang đầy thách thức. Hy vọng những đúc kết đã được chỉ ra thông qua kinh nghiệm của hàng trăm DN mà chúng tôi đã làm việc sẽ góp phần giúp cộng đồng DN nhìn nhận rõ hơn để có chiến lược đúng đắn” - bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Để tiêu chí liêm chính được áp dụng rộng rãi và mạnh mẽ trong khối DN, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải là tâm thế của mọi DN, bao gồm cả DN mới lẫn DN đã, đang hoạt động. Theo đó, liêm chính phải được đặt vào trái tim mỗi doanh nhân. Muốn kinh doanh có hiệu quả phải để sáng tạo trong bộ não của mình, và phải đặt minh bạch trong yêu cầu đầu tiên của mỗi DN.

* Đồng Nai nỗ lực kiến tạo tạo môi trường kinh doanh liêm chính

Mặc dù là địa phương phát triển kinh tế mạnh với hàng chục ngàn DN đã được thành lập song môi trường kinh doanh tại Đồng Nai cũng cần phải được cải thiện nhiều.  Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai có 3 chỉ số giảm điểm là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức. Để từng bước khắc phục, năm 2019, tỉnh ban hành kế hoạch về tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Để có được uy tín với khách hàng, doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, dịch vụ Trong ảnh: Doanh nghiệp, hội viên Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai giới thiệu hàng hóa cho nhau. Ảnh minh họa: V.GIA
Để có được uy tín với khách hàng, doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, dịch vụ Trong ảnh: Doanh nghiệp, hội viên Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai giới thiệu hàng hóa cho nhau. Ảnh minh họa: V.GIA

Theo đó, tỉnh phấn đấu cải thiện điểm số, vị trí xếp hạng về cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phấn đấu trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ DN tư nhân, nhất là các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh. Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để khẳng định “Đồng Nai là đất lành của nhà đầu tư”. Những hội nghị gặp gỡ, đối thoại, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động, đặc biệt là đối với DN dân doanh sẽ thường xuyên được tổ chức.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định cộng đồng DN có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. “Quan điểm của tỉnh là khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nhân thành lập công ty, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Để đổi mới, nâng chất lượng môi trường kinh doanh, trong quản lý điều hành, Đồng Nai sẽ tiếp tục minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thêm thuận lợi cho DN” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ cùng cộng đồng DN nhân lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) vừa qua.       

Văn Gia


Kinh doanh liêm chính qua các góc nhìn

Ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh:

Xây dựng đội ngũ doanh nhân kinh doanh trung thực, lành mạnh

Là chủ DN, thời gian trước đây khi còn đang từng bước gầy dựng thương hiệu, DN chúng tôi gặp phải đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Họ làm giả thương hiệu của chúng tôi với chất lượng thấp, bán giá rẻ cho người tiêu dùng, khi gặp sự cố, khách hàng phàn nàn nên sau đó DN phải mất thời gian khá lâu để giải quyết và ổn định lại thị trường khu vực. Do vậy, kinh doanh minh bạch, lành mạnh là yêu cầu cần có của mỗi doanh nhân. Bởi chỉ cần một lần lừa dối khách hàng, lừa dối thị trường thì cơ hội để sửa sai là rất khó.

Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai với hàng trăm hội viên đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng tôi luôn khuyến khích và mong muốn các DN đặt tiêu chí liêm chính đầu tiên trên con đường gầy dựng sự nghiệp của mình.

Chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh:

Chữ tín là yêu cầu “cốt tử” trong triết lý kinh doanh

Đối với tôi từ trước tới giờ, lòng tin và sự uy tín là điều quan trọng nhất trong cuộc sống và công việc của mình. Những người không có uy tín, nói qua nói lại không chính xác, làm việc không rõ ràng là mình sẽ không hy vọng gặp lại lần thứ 2. Có chữ tín mới tạo nên sự thành công của bản thân cũng như DN. Tạo được lòng tin với mọi người rất khó nhưng giữ được chữ tín còn khó hơn. Tiêu chuẩn này có thể đối với nhiều người cảm thấy quá khắt khe nhưng đó lại là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong cuộc sống của mình, thà mình thiệt chứ không để người khác thiệt vì mình.

Từ những thực tiễn trong cuộc sống, chúng ta vận dụng vào công việc quản lý kinh doanh của DN. Minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng, xây dựng lòng tin từng bước một đối với khách hàng là yêu cầu cốt tử, là điều kiện nếu muốn phát triển một cách bền vững.

Anh Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt  (Vinatrends):

Trung thực sẽ giúp tạo uy tín với khách hàng

Là công ty xây dựng có tuổi đời 5 năm, chúng tôi thiết lập nền tảng cho sự phát triển của mình dựa trên 3 nền kiềng móng bền vững đó là: không phát sinh chi phí khi thi công, ứng dụng công nghệ kỹ thuật xây dựng mới, đặt sự trung thực lên hàng đầu và sản phẩm được hoàn thiện ở mức độ cao nhất.

“Không kiếm tiền bằng mọi giá” là triết lý kinh doanh của Vinatrends và được coi là giá trị chuẩn mực quyết định sinh mạng lâu dài của chúng tôi ngay từ những ngày đầu “chân ướt chân ráo” khởi nghiệp. Hiên ngang - sạch sẽ, bỏ thầu đúng giá, cải tiến công nghệ kỹ thuật, đặt chuẩn mực thi công lên hàng đầu, quản lý tốt nhân sự… là những yêu cầu đầu tiên của DN. Khi nhận công trình thi công công ty không phá giá hay nhận giá thấp, mập mờ báo giá dẫn đến kém chất lượng, dự án không hoàn thành. Chính vì luôn giữ những giá trị cốt lõi ấy trong mọi hoàn cảnh mà sự phát triển của công ty thời gian qua rất tốt, ngày càng có nhiều khách hàng biết đến Vinatrends hơn.             

Vương Thế


 

Tin xem nhiều