Khu vực hồ Trị An hiện có 76 đảo lớn nhỏ với diện tích mỗi đảo từ 0,1ha trở lên, trong đó chỉ một số ít đảo có người dân sinh sống, rất thuận lợi cho phát triển điện năng lượng mặt trời, làm du lịch.
Khu vực hồ Trị An hiện có 76 đảo lớn nhỏ với diện tích mỗi đảo từ 0,1ha trở lên. Trong đó, chỉ một số ít đảo có người dân sinh sống. Các đảo nói trên rất thuận lợi cho phát triển điện năng lượng mặt trời và làm du lịch, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa khai thác được tiềm năng.
Đồ họa thể hiện số lượng các đảo và cù lao trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, hiện có một số đảo đã được người dân, doanh nghiệp khai thác làm du lịch nhưng trong đó chỉ có 3 đảo được đầu tư bài bản, còn lại chỉ mang tính tự phát. Các đảo còn lại được người dân trồng điều, xoài, tràm, chuối.
* Khai thác đảo để phát triển kinh tế
Hệ thống đảo nằm rải rác trên hồ Trị An hầu hết đều có phong cảnh rất đẹp là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho tỉnh và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân trong vùng. Theo các chuyên gia về kinh tế, các đảo trên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm, thực hiện các dự án điện mặt trời. Nếu khai thác tốt, các đảo trên có thể liên kết tạo thành một tour du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
Đa số các đảo trên có diện tích từ 0,1-4ha, một số đảo có diện tích lớn hơn 10ha. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 5 đảo phát triển du lịch gồm đảo Ó, đảo Đồng Trường, đảo Cao Minh, đảo Năm Bầu, đảo Trường Đảng. Trong đó, đảo Ó, đảo Đồng Trường và đảo Cao Minh được đầu tư khá bài bản, thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Muốn đến các đảo trên thì phải di chuyển bằng ca nô, tàu, thuyền từ 10-30 phút.
Các đảo trên hồ Trị An có tổng diện tích trên 100ha là khi mực nước hồ lên đến 62m, thời điểm nước hồ rút xuống dưới 60m, diện tích đảo tăng thêm khá nhiều. Các đảo chủ yếu nằm ở địa bàn xã Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) và xã La Ngà, Thanh Sơn, Túc Trưng (H.Định Quán). |
Ông Phạm Thanh Tân, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 1 trên hồ Trị An cho biết: “Các đảo hiện tập trung ở khu vực H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu. Trong đó, diệc tích lớn nhất là đảo Đồng Trường với khoảng 22ha. Đa số các đảo đều không có dân sinh sống nên rất thuận lợi trong thu hút đầu tư các dự án về du lịch để phát triển kinh tế cho địa phương”.
Gần đây, xu hướng của nhiều du khách là thích du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh và còn hoang sơ. Các đảo trên hồ Trị An có lợi thế nằm cách trung tâm TP.HCM từ 60-65km nên người dân có thể đi xe máy, ô tô đến bến tại xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu), gửi xe tại bến và thuê ca nô, tàu, thuyền khám phá hồ và các đảo.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng nhận xét: “Hệ thống đảo trên hồ Trị An có rất nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Các địa phương nên phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và quy hoạch xây dựng để phát triển du lịch. Có quy hoạch đầy đủ sẽ dễ dàng thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư dự án”. Cũng theo ông Bằng, các đảo, hồ, thác phát triển du lịch sinh thái có thể đem lại doanh thu vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng/ha/năm.
Hồ Trị An còn rất nhiều đảo hoang sơ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng |
Làm một phép tính nhanh, nếu các đảo trên hồ Trị An mời gọi được các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài có kinh nghiệm, vốn lớn đầu tư phát triển du lịch, có thể đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, khi du lịch phát triển sẽ kéo theo lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động các địa phương, những làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng có thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Hiện Đồng Nai có hàng chục nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc có thể liên kết với các khu, điểm du lịch để tiêu thụ như: gỗ mỹ nghệ, thổ cẩm, gốm, đá mỹ nghệ, mây tre đan, bột sắn dây, cốm, bánh gai, nấm các loại, bánh tráng, rượu bưởi, trầm hương...
* Cần quy hoạch đồng bộ
Hồ Trị An ngoài mục tiêu phát triển thủy điện thì còn những tiềm năng khác có thể khai thác phát triển kinh tế. Đặc biệt, hồ Trị An đã nằm trong quy hoạch du lịch quốc gia nên sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong mời gọi đầu tư của tỉnh vào lĩnh vực du lịch sinh thái đòi hỏi các dự án phải đảm bảo cùng lúc những yêu cầu như: khai thác tiềm năng sẵn có, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương và giữ được môi trường ít bị ảnh hưởng. Thế nhưng, để thực hiện được những yêu cầu trên tỉnh cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết và đồng bộ từ quy hoạch sử dụng đất đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch du lịch, quy hoạch năng lượng cho phù hợp.
Trên hồ Trị An có một số đảo có diện tích lớn là đảo Đồng Trường, đảo Ó, đảo Hai Đính, đảo Năm Bầu, đảo Bảy Xệ, đảo Bà Hương, đảo Bơ, đảo Hai Quay, đảo Ba Quy… |
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết: “Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và muốn đầu tư một số dự án điện mặt trời trên hồ Trị An. Đây là lĩnh vực đang được Chính phủ khuyến khích phát triển, vì góp phần đảm bảo sản lượng điện cho quốc gia và ít tác động tiêu cực đến môi trường. Vừa qua, tỉnh đã đề xuất Trung ương cho phát triển dự án điện mặt trời trên hồ Trị An (trong đó có các đảo) nhưng Bộ Công thương chưa phê duyệt”.
Ông Phong còn chia sẻ thêm, sau khi Bộ Công thương chấp thuận cho đầu tư các dự án điện mặt trời trên hồ Trị An, Sở sẽ phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương làm quy hoạch và cập nhật vào quy hoạch tỉnh. Có quy hoạch đầy đủ, đồng bộ, thu hút đầu tư thuận lợi hơn và doanh nghiệp được cấp phép dự án triển khai nhanh hơn vì không phải chờ đợi bổ sung quy hoạch.
Đảo Cao Minh là một trong số ít đảo đang được đầu tư phát triển du lịch |
Hai lĩnh vực có thể khai thác đem lại doanh thu lớn cho hồ Trị An và các đảo là du lịch, điện mặt trời, song cũng cần có quy hoạch tổng thể. Trong đó, quy hoạch của hai lĩnh vực trên cần hài hòa, thống nhất để không bị chồng chéo, tránh việc khi triển khai dự án phải điều chỉnh quy hoạch mất rất nhiều thời gian có thể từ 1-3 năm.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở VH-TTDL cho hay: “Trong quy hoạch, các đảo trên hồ Trị An sẽ phát triển du lịch sinh thái, nhưng tới đây khi có doanh nghiệp đầu tư vào, Sở sẽ tư vấn để các đơn vị đầu tư cho ra sản phẩm riêng biệt, không bị trùng lặp với nhau. Như vậy có thể kết nối tạo thành tour du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách”. Ông Hậu cũng cho biết thêm, việc phát triển các dự án điện mặt trời trên hồ và các đảo sẽ được Sở góp ý là nên tách bạch, đảo nào làm du lịch, đảo nào làm điện mặt trời để không ảnh hưởng đến nhau.
Hồ Trị An có diện tích rộng hơn 32 ngàn ha, do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý. Thời gian qua, hồ Trị An mới chỉ khai thác được thủy điện, đánh bắt thủy sản còn khai thác du lịch rất hạn chế.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết: “Khu Bảo tồn đang lên phương án sử dụng đất của từng đảo để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trình UBND tỉnh phê duyệt. Có đầy đủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ thu hút đầu tư các dự án lớn dễ dàng hơn”.
Theo các doanh nghiệp, những tiêu chí để họ chọn đầu tư là nơi triển khai dự án có nhiều tiềm năng, các quy hoạch phải đồng bộ, khu vực thực hiện dự án có giao thông kết nối thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng, khi gặp khó khăn, vướng mắc được chính quyền hỗ trợ giải quyết kịp thời. Tại Đồng Nai, tiềm năng từ các đảo rất lớn, giao thông kết nối tương đối hoàn thiện, tỉnh xác định du lịch là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nên tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào. Vấn đề còn lại là đồng bộ các quy hoạch và tập trung xúc tiến đầu tư để mời doanh nghiệp đầu tư vào các đảo.
Hương Giang