Đồng Nai chỉ mới bước vào mùa mưa, nhưng những cơn mưa lớn thời gian qua đã khiến nhiều khu vực, tuyến đường bị ngập nước. Đường ngập gây khó khăn trong việc lưu thông, ...
Đồng Nai chỉ mới bước vào mùa mưa, nhưng những cơn mưa lớn thời gian qua đã khiến nhiều khu vực, tuyến đường bị ngập nước. Đường ngập không chỉ gây khó khăn trong việc lưu thông mà còn là nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường khi qua các cống thoát nước, cầu dân sinh xuống cấp...
Đường Võ Nguyên Giáp đoạn gần với quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa) ngập nước sau khi mưa lớn vào chiều 19-5-2020 |
[links()]Dù đã triển khai nhiều dự án chống ngập nhưng tình trạng ngập nước sau các cơn mưa vẫn diễn ra ở một số tuyến đường tại TP.Biên Hòa, gây cản trở cho người tham gia giao thông.
* Vừa mưa đã ngập
Qua những cơn mưa đầu mùa xảy ra dồn dập vào chiều tối những ngày qua cho thấy, TP.Biên Hòa vẫn còn nhiều tuyến đường thường bị ngập cục bộ như đường Đồng Khởi đoạn trước Sở TN-MT kéo dài đến vòng xoay chợ Tân Hiệp. Tại đây, nước từ mặt đường dồn xuống tạo thành dòng chảy xiết, người và phương tiện rất vất vả khi di chuyển. Có nơi ngập sâu gần cả mét khiến xe cộ khó khăn trong việc lưu thông.
Ngoài các tuyến đường, khu vực bị ngập nặng thì một số tuyến đường khác trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng xảy ra tình trạng ngập sau cơn mưa lớn khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng như: Huỳnh Văn Nghệ, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Phúc Chu, quốc lộ 1 đoạn qua các phường Tân Biên, Tân Hòa… |
Cũng trên đường Đồng Khởi đoạn qua ngã ba Trảng Dài (giao với đường Bùi Trọng Nghĩa) trở thành điểm ngập nước nặng nề sau mỗi đợt mưa lớn khiến phương tiện và người tham gia giao thông chỉ lưu thông được một chiều hướng từ H.Vĩnh Cửu đi ra ngã tư Amata do chiều ngược lại nước dâng cao. Hàng trăm phương tiện cả xe máy và ô tô lỡ đi vào khu vực ngập đã bị chết máy và “chôn chân” giữa dòng nước.
Ông Lê Văn Đại (ngụ P.Trảng Dài) cho biết, chỉ cần cơn mưa kéo dài trên 30 phút là toàn khu vực ngã ba Trảng Dài xảy ra ngập nặng, đường phố bì bõm nước. Điều đáng nói, nước dâng cao thoát không kịp nên tràn vào nhà khiến mọi người trong gia đình ông phải quay cuồng chống ngập. Nhiều hộ dân khác tìm đủ cách khắc phục như: nâng nền nhà, cải tạo hệ thống thoát nước, dùng vật dụng chắn trước cửa nhưng không “ăn thua”.
Trong khi đó, tại khu vực Cổng 11 (TP.Biên Hòa), tình trạng ngập nước xảy ra đã nhiều năm nay và năm sau tình trạng ngập nước càng nặng hơn năm trước. Nước mưa từ các khu vực xung quanh đổ dồn về vùng trũng Cổng 11 khiến nơi đây hễ mưa xuống là ngập. Mưa vừa, nước ngập khoảng 20-30cm, mưa to và kéo dài trên 1 giờ đồng hồ thì ngập sâu 50-70cm là chuyện bình thường. Thậm chí, tại khu vực chợ tạm ở Cổng 11, có nơi ngập hơn 1m.
Điều khiến người tham gia giao thông lo ngại nhất là khi lưu thông qua khu vực Cổng 11 vào giờ tan tầm, hàng ngàn phương tiện phải chen chúc nhau dưới mưa, nước ngập. Nhiều xe máy bị chết máy phải dắt bộ. Các xe ô tô phải dừng hàng dài vì không thể đi qua khiến các tuyến đường Bùi Văn Hòa, Võ Nguyên Giáp tê liệt.
Đường Đồng Khởi đoạn gần ngã ba Trảng Dài (TP.Biên Hòa) ngập nước vào chiều 1-6-2020 Ảnh: THANH HẢI |
Theo khảo sát và đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân gây ra ngập nước khu vực Cổng 11 là hướng thoát nước từ đường Võ Nguyên Giáp ra cầu Quan chưa được nạo vét thường xuyên. Hệ thống cống thoát nước trên đường Bùi Văn Hòa, trên quốc lộ 51 nhỏ hẹp, không đảm bảo nên mỗi khi có mưa lớn nước ở các nơi đổ về dẫn đến quá tải gây ngập kéo dài.
Ngoài ra, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này đã xây dựng các công trình, lấn chiếm gần hết dòng chảy. Chưa kể một phần do lượng rác thải sinh hoạt của người dân bịt kín hết nắp thoát nước nên mỗi khi có mưa trở thành vật cản, hạn chế việc thoát nước.
“Đáng lo ngại hơn, cứ mỗi lần mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ xuống khiến suối cầu Quan giữa khu dân cư không thoát kịp, tràn ra cả mặt đường Bùi Văn Hòa. Dòng nước chảy xiết không ít lần đã cuốn trôi cả người và xe khi lưu thông qua đây” - bà Nguyễn Thị Đinh (ngụ P.Long Bình Tân) lo lắng.
* Thấp thỏm, lo mất an toàn
Những năm trở lại đây, thời tiết vào mùa mưa thường diễn biến bất thường. Các cơn mưa lớn liên tục trút xuống vào buổi chiều tối trùng với thời điểm học sinh tan học, công nhân tan ca khiến người và phương tiện gặp nhiều vất vả trong việc lưu thông. Ngoài nỗi lo nước ngập thì không ít nguy hiểm có thể xảy đến khi đi qua các cây cầu dân sinh, cầu tạm hay nắp cống thoát nước không đảm bảo an toàn.
Ngay trong TP.Biên Hòa, nhiều năm nay, cây cầu dân sinh bắc qua suối Bà Lúa thuộc khu vực KP.1, P.Long Bình Tân cứ sau mỗi trận mưa lớn lại ngập sâu, chìm trong “biển” nước. Cây cầu này có chiều dài khoảng 10m được xây dựng bằng bê tông cách đây nhiều năm hiện đã xuống cấp, hư hỏng. Cầu bắc qua suối không quá rộng nhưng nằm ở vị trí thấp nên chỉ cần một trận mưa to là nước từ thượng nguồn lại đổ về ào ạt, dâng đến thành cầu này khiến người dân không thể qua lại.
Đồ họa thể hiện thông tin các tuyến đường thường hay xảy ra ngập nước vào mùa mưa và các giải pháp khắc phục, xử lý Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC |
Lo lắng về độ an toàn của cây cầu này đối với người và phương tiện, bà Lại Thúy Hoa (sống gần cầu Bà Lúa) cho hay, học sinh thường qua khu vực này để đến trường, những lần cầu ngập phải đi đường vòng xa hơn mấy cây số. Tình trạng này diễn ra gần chục năm nay nên cả học sinh, phụ huynh và người dân ai nấy đều phập phồng, lo sợ.
Vào chiều 8-5-2019, sau cơn mưa lớn nước từ suối tràn lên khiến các con đường dân sinh dẫn ra cầu Bà Lúa bị ngập sâu. Lúc này, 2 học sinh cùng một người đàn ông đi trên 2 xe máy qua đoạn đường ven suối thì không may bị nước cuốn trôi cả người lẫn xe xuống suối. Người đàn ông bị trôi chừng 100m bám vào cành cây bên đường được người dân cứu lên, còn 2 nam sinh tử vong.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, không chỉ cầu Bà Lúa mà trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện còn nhiều cây cầu dân sinh bắc qua các con suối Săn Máu, suối Quan… Điều đáng nói, những cây cầu này là mạch nối quan trọng trong vấn đề lưu thông của người dân nên khi xuống cấp gặp dòng nước chảy xiết thì nguy cơ mất an toàn rất cao, nhất là trong mùa mưa.
Nhiều năm nay, người dân ở 2 phường Trảng Dài và Hố Nai (TP.Biên Hòa) khi đi qua các cây cầu dân sinh bắc ngang qua suối Săn Máu đều bất an. Mỗi khi mưa lớn, nước chảy xiết, các cây cầu tạm cũng bị ngập rất sâu phải mất nhiều giờ đồng hồ thì nước mới rút hẳn. Do đó, hầu như năm nào tại những khu vực này cũng có tai nạn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong đó, phải kể đến là hàng loạt cầu Kim Bích, cầu Lộc Lâm, cầu Sắt, cầu Đại Lộ… thường xuyên bị ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Dù các cây cầu này đều có biển cảnh báo, thậm chí người dân địa phương còn trực tiếp nhắc nhở, cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người bất chấp nguy hiểm đi qua cầu khi mưa lớn. Đến nay, sau nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều cây cầu dân sinh trên địa bàn vẫn chưa được xây dựng kiên cố. Nguy hiểm vẫn còn đó nên người dân khi qua đây vào trời mưa lớn đều rất lo sợ.
Chủ tịch UBND P.Trảng Dài Trần Mạnh Hùng cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân thì việc xây cầu là rất cần thiết. Địa phương đã kiến nghị TP.Biên Hòa sớm triển khai nạo vét, thông luồng suối Săn Máu để không còn tình trạng ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn; đồng thời hỗ trợ địa phương nâng cấp, sửa chữa các cây cầu bắc qua suối.
Trước mùa mưa năm 2020, để chủ động phòng tránh tai nạn cho người dân khi đi qua các cây cầu dân sinh này, mỗi khi trời mưa lớn, kéo dài, có khả năng gây ngập nặng, TP.Biên Hòa đã có yêu cầu các địa phương phải cử lực lượng để kịp thời cảnh báo, hỗ trợ người dân đi đường, kịp thời cứu hộ khi có tai nạn xảy ra.
Đề phòng mưa lớn vào chiều tối Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, Đồng Nai đã chính thức bước vào mùa mưa. Những ngày vừa qua trên địa bàn đã xuất hiện các đợt mưa lớn, kéo dài và tập trung vào chiều tối và tối nên tại những khu vực xung yếu, nước chảy mạnh các phương tiện cần hết sức đề phòng và nếu lưu thông phải cẩn thận. Người dân hạn chế qua lại để tránh tình trạng bị nước cuốn trôi gây nguy hiểm đến tính mạng. |
Thanh Hải