Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lối đi" nào cho đô thị văn minh?

10:02, 19/02/2020

Với điều kiện về dân số, quỹ đất, việc hạn chế sự lựa chọn của người dân đối với loại hình nhà ống tại đô thị Biên Hòa là rất khó. Tuy nhiên, nhà ống lại không phải là thành tố giúp tạo nên một đô thị văn minh, sạch đẹp.

Với điều kiện về dân số, quỹ đất, việc hạn chế sự lựa chọn của người dân đối với loại hình nhà ống tại đô thị Biên Hòa là rất khó. Tuy nhiên, nhà ống lại không phải là thành tố giúp tạo nên một đô thị văn minh, sạch đẹp.

“Đô thị nén” với các tòa nhà ở cao tầng được xem là một trong những giải pháp giảm số lượng nhà ống tại đô thị, tạo thêm quỹ đất dành cho cây xanh và các công trình công cộng
“Đô thị nén” với các tòa nhà ở cao tầng được xem là một trong những giải pháp giảm số lượng nhà ống tại đô thị, tạo thêm quỹ đất dành cho cây xanh và các công trình công cộng

[links()]Do đó, cùng với việc thực hiện chỉnh trang đô thị, yêu cầu cần thiết đặt ra là phải tăng cường quản lý xây dựng tại các khu vực phát triển đô thị mới.

* Chỉ cho bán nhà cộng đất tại khu vực đô thị

Tình trạng phân lô, bán nền bừa bãi trong khu vực đô thị được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát triển lộn xộn và bùng nổ nhà ống tại TP.Biên Hòa.

Xuất phát từ thực tế đó, kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, căn cơ nhất để từng bước tạo lập bộ mặt đô thị văn minh và có mỹ quan chính là việc siết chặt quản lý việc phân lô bán nền tại khu vực đô thị.

Theo ông Lý Thành Phương, đối với các khu dân cư hiện hữu, bắt buộc chính quyền phải cấp phép để người dân được xây dựng nhà cửa trên đất. Tuy nhiên, đối với các khu vực phát triển đô thị mới nên thực hiện việc cấm chủ đầu tư các dự án phân lô, bán nền. “Luật đã có quy định và chúng ta nên thực hiện áp dụng tại tất cả các xã, phường của TP.Biên Hòa. Cấm chủ dự án phân lô, bán nền và chỉ cho phép bán nhà cộng với đất. Như thế chúng ta mới có thể quản lý được kiến trúc, hạn chế được việc xây dựng tràn lan nhà ống gây mất mỹ quan đô thị”- kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ.

Trong khi đó, theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, để đô thị Biên Hòa có được bộ mặt văn minh và đồng bộ, cái “gốc” phải thực hiện là quản lý từ quy hoạch. Trong bối cảnh nhiều khu vực nội thành hiện tràn ngập nhà ống, thì những khu vực đô thị phát triển mới cần nhanh chóng có được quy hoạch rõ ràng và thực hiện quản lý một cách chặt chẽ.

Theo đó, TP.Biên Hòa cần xác định được những trục đường trung tâm, tạo điểm nhấn cho đô thị. Từ đó có được quy hoạch hợp lý, rạch ròi để phát triển. “Dọc tuyến đường trung tâm cần phải được quy hoạch khu vực nào dành cho văn phòng, công sở, khu vực nào phát triển nhà ở cao tầng, thấp tầng, nhà ống, khu vực nào dành cho công trình công cộng, cây xanh… Nếu vẫn để lộn xộn như hiện nay thì khó có thể tạo ra bộ mặt đô thị khang trang và văn minh” - kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương nêu quan điểm.

* Phát triển “đô thị nén”

TP.Biên Hòa hiện có gần 1,1 triệu người và là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Dân số tăng nhanh kéo theo đó quỹ đất ở càng ngày càng bị thu hẹp. Do đó, theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, không thể nằm ngoài quy luật chung phát triển đô thị, Biên Hòa cũng phải tính đến phương án phát triển “đô thị nén”. “Đây là xu hướng mà bất kỳ đô thị nào muốn phát triển cũng phải tính toán để áp dụng”- kiến trúc sư Lý Thành Phương cho hay.

Cùng với tăng cường quản lý đô thị, quản lý xây dựng, để phát triển đô thị Biên Hòa theo hướng văn minh, bền vững, việc tính toán phương án giãn dân khỏi các khu vực nội thị cũng rất cần thiết. Điều đó sẽ góp phần làm giảm áp lực về nhà ở, giao thông, các dịch vụ an sinh xã hội ở khu vực nội thị.

“Đô thị nén” còn có tên gọi khác là mô hình đô thị tập trung, đô thị mật độ xây dựng cao… là một trong những hình thái đô thị sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm khoảng cách đi lại và phát huy các phương tiện giao thông công cộng… Hình mẫu lý tưởng của “đô thị nén” chính là các tòa nhà cao tầng đa chức năng.

Lâu nay, tại nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có đô thị Biên Hòa, việc phát triển “đô thị nén” mà tiêu biểu là phát triển nhà cao tầng thường không nhận được sự “thiện cảm” của người dân. Bởi, phần lớn đều cho rằng, phát triển nhà cao tầng chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề đô thị như: phá vỡ quy hoạch, bóp nghẹt giao thông, tăng áp lực lên hạ tầng đô thị…

Tuy nhiên, trong bối cảnh các đô thị, nhất là đô thị Biên Hòa đang phải đối mặt với tình trạng dân số gia tăng, quỹ đất thu hẹp thì mô hình “đô thị nén” với việc phát triển các khu nhà ở cao tầng mới chính là một phần “lời giải” cho bài toán phát triển đô thị thông minh.

Theo tính toán của các chuyên gia, trên cùng một diện tích đất, giải quyết nhu cầu nhà ở cho một số lượng người dân nếu phát triển nhà ống thì gần như khu vực đó sẽ bị bê tông hóa toàn bộ. Có rất ít diện tích có thể dành cho các công trình công cộng, giao thông và cây xanh.

Thế nhưng, cùng với diện tích đó chỉ thực hiện xây dựng một, hai tòa nhà cao tầng cũng có thể giải quyết nhu cầu nhà ở cho số lượng dân cư nói trên nhưng quỹ đất còn lại dành cho giao thông, công trình công cộng và cây xanh vẫn còn. “Vấn đề là để phát triển nhà ở cao tầng, hệ thống hạ tầng phải được phát triển tốt. Đối với đô thị Biên Hòa phải giải quyết được điện, thoát nước và giao thông. Xây dựng chung cư, nhà cao tầng cũng nên được quy hoạch ở các trục đường lớn chứ quy hoạch trong hẻm nhỏ, ùn tắc giao thông là đương nhiên”- kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ quan điểm.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều