Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 4: Chuyên nghiệp lấy được!

09:12, 18/12/2020

Khác biệt lớn nhất với bóng đá nghiệp dư, phong trào là bóng đá chuyên nghiệp phải làm ra tiền, có thể lấy bóng đá chí ít nuôi một phần bóng đá.

Khác biệt lớn nhất với bóng đá nghiệp dư, phong trào là bóng đá chuyên nghiệp phải làm ra tiền, có thể lấy bóng đá chí ít nuôi một phần bóng đá.

Nếu không “vướng” cơ chế, quần thể sân vận động Đồng Nai đã có thể trở thành một trung tâm bóng đá, thể dục thể thao tầm cỡ  quốc gia để “nuôi” đội bóng tỉnh nhà
Nếu không “vướng” cơ chế, quần thể sân vận động Đồng Nai đã có thể trở thành một trung tâm bóng đá, thể dục thể thao tầm cỡ quốc gia để “nuôi” đội bóng tỉnh nhà

Trong một cuộc họp hội đồng quản trị của Công ty CP Bóng đá Đồng Nai, trước yêu cầu tiếp tục “góp vốn” cho mùa giải V.League mới (Công ty Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai 10 tỷ đồng/năm; Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp, mỗi doanh nghiệp 5 tỷ đồng), lãnh đạo một cổ đông phát biểu: Công ty cổ phần không thấy chia cổ tức mà mỗi năm lại phải rót thêm vào(?!). Có lẽ vị lãnh đạo doanh nghiệp này không phải không biết “công ty bóng đá” là… cái thùng không đáy, đào đâu ra mà “chia”, chẳng qua là mỉa mai trước sự khiên cưỡng đến hài hước của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được VFF ban hành vào tháng 4-2012, sau nhiều lần bổ sung, sửa đổi nhưng tinh thần, quan điểm xuyên suốt vẫn là: “Bóng đá chuyên nghiệp lấy bóng đá làm hoạt động chính vì mục đích tạo nguồn thu nhập, sinh lợi…”; đồng thời quy định: “CLB chuyên nghiệp là một doanh nghiệp hoặc một đơn vị của doanh nghiệp, đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bóng đá (có hội đồng quản trị, giám đốc điều hành)”. Đặc biệt đáng chú ý, quy chế nêu rõ: “Nếu CLB nào lỗ 2 năm liên tiếp (và không chứng minh được khả năng tài chính duy trì hoạt động) sẽ bị đánh tụt hạng”. Xin hỏi, VFF hãy chỉ ra 18 năm qua có CLB nào không lỗ triền miên, chứ đừng nói chỉ “2 năm liên tiếp”?!?

Trên nguyên tắc, đã là doanh nghiệp thì vốn đầu tư phải mang lại lợi nhuận, chí ít hòa vốn, nếu thua lỗ thì phá sản. Nhưng với bóng đá Việt Nam, ngay cả các CLB của những “ông bầu” là doanh nhân sừng sỏ trên thương trường cũng “bó tay” trong việc kiếm tiền. Ai cũng rõ công ty cổ phần bóng đá hay công ty TNHH MTV như CLB Thanh Hóa, dù là mô hình lý tưởng nhưng chỉ là lý thuyết, bình phong, “đội mũ” làm vì cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp của VFF. Biết bất khả thi nhưng vẫn quy định chẳng khác nào cắm biển báo cấm dù biết người ta không còn đường đi nào khác, buộc phải phạm luật.

Đã sắp bước sang mùa giải chuyên nghiệp thứ 21 nhưng lời của HLV, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh “bóng đá Việt Nam là nghiệp dư mà hưởng lương chuyên nghiệp” vẫn thời sự.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không thể chỉ do những người làm bóng đá soạn thảo bằng cách “copy” từ nước ngoài hoặc áp đặt suy nghĩ, mong muốn chủ quan, duy ý chí của mình. VFF cần mời các nhà làm luật, các doanh nghiệp, những “ông bầu” đang - và kể cả đã rút lui, đầu tư vào bóng đá, cùng các lãnh đạo UBND tỉnh, sở tài chính các địa phương, để xem thực tế khó thế nào, họ phải “xé rào” ra sao…; qua đó có một quy chế, mô hình hoạt động mới, phù hợp với thực tiễn đời sống bóng đá Việt Nam. Có thế mới mong giải quyết tận gốc nguyên nhân khủng hoảng về cơ chế và tài chính của các CLB cứ “xuân thu nhị kỳ” lại xảy ra.

Minh Chung

Bài 5: Làm sao để con gà... đẻ trứng (?!)

Tin xem nhiều