Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa học - công nghệ phải là "bệ đỡ" cho xây dựng nông thôn mới

09:03, 29/03/2019

GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, là tác giả của rất nhiều đầu sách, bài báo về phát triển nguồn nhân lực trẻ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; biến đổi của làng xã Việt Nam trong thời kỳ đổi mới...  Với vai trò Chủ nhiệm chương trình Khoa học - công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ về câu chuyện xây dựng NTM nói riêng và trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung dưới góc nhìn của nhà khoa học.

GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh
GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh

GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, là tác giả của rất nhiều đầu sách, bài báo về phát triển nguồn nhân lực trẻ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; biến đổi của làng xã Việt Nam trong thời kỳ đổi mới...  Với vai trò Chủ nhiệm chương trình Khoa học - công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh đã chia sẻ về câu chuyện xây dựng NTM nói riêng và trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung dưới góc nhìn của nhà khoa học.

* Chọn khoa học là lực đẩy phát triển

* Thưa giáo sư, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM được triển khai từ khi nào?

- Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5-1-2012 từ yêu cầu thực tiễn cấp bách cần hoàn thiện cơ sở lý luận và cơ chế chính sách có tính toàn diện đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

KHCN đã có những đóng góp quan trọng tạo nên những thành tựu nổi bật trong 10 năm xây dựng NTM. Sự tham gia của các nhà khoa học và việc tăng cường ứng dụng KHCN đã góp phần định hình, định hướng cho xây dựng NTM cũng như tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ về phát triển sản xuất, nâng cao năng lực ứng dụng KHCN ở khu vực nông thôn.

* Và những kết quả cụ thể đã đạt được?

Theo đánh giá của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM đã góp phần thiết kế được hệ thống khung, khuôn khổ, thể chế, chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất đã thu hút đông đảo lực lượng KHCN cả nước và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia.

- 5 năm triển khai thực hiện Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM (2012-2017) đã thực hiện được 69 nhiệm vụ KHCN (gồm 47 đề tài và 22 dự án); 185 mô hình chuyển giao kết quả nghiên cứu và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực, ngành, nghề. Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng từ 30-35% đối với rau màu; thu nhập của người dân tham gia dự án tăng hơn 25%. Chương trình còn giúp hơn 5 ngàn hộ nông dân của gần 100 hợp tác xã của 40 tỉnh, thành trong cả nước được hưởng lợi. Nguồn kinh phí do thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết và nông dân tự đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

* Đóng góp của các nhà khoa học tham gia vào chương trình như thế nào?

 - Chương trình thu hút được đông đảo đội ngũ các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, đánh giá các vấn đề của NTM nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa, xã hội... Cụ thể, 568 cán bộ KHCN, gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... thuộc 114 cơ quan, tổ chức trên cả nước tham gia trực tiếp với tư cách là thành viên của các đề tài, dự án. Tiêu biểu như đề tài nghiên cứu tổng hợp, kết hợp với điều tra thực tế, trực tiếp đánh giá kết quả 10 năm xây dựng NTM dưới góc nhìn khoa học; đồng thời nhận diện bối cảnh, xu thế tác động, phân tích những vấn đề cơ bản của xây dựng NTM bền vững trong giai đoạn sau năm 2020.

* Doanh nghiệp có tham gia chương trình KHCN không, thưa giáo sư?

- Trong các đề tài, đề án KHCN phục vụ xây dựng NTM có 21 doanh nghiệp tham gia và đóng góp tới 43% tổng kinh phí thực hiện chương trình (165/386 tỷ đồng). Tuy nhiên, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng thấp cả về số lượng, vốn đầu tư và năng lực hoạt động.

* Đánh giá của giáo sư về quá trình phát triển nông thôn Việt Nam qua các thời kỳ?

- Thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đã tạo ra những chuyển biến bước ngoặt cho kinh tế hộ nhờ đó tốc độ tăng trưởng nông nghiệp liên tục duy trì ở mức cao; sản xuất, xuất khẩu lương thực đạt được những thành tựu lớn chưa từng có.

Đến giai đoạn 2010-2015, tốc độ phát triển nông nghiệp bắt đầu chững lại, chạm tới giới hạn phát triển theo chiều rộng, lạm dụng nguồn tài nguyên và các yếu tố đầu vào đòi hỏi phải tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới.

Giai đoạn 2016-2020 là quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kết quả của sự tích cực vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, doanh nghiệp và bà con nông dân là sự trở lại của tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ở mức cao hơn.

* Nhận diện rõ vị thế của cư dân nông thôn

* Đóng góp của KHCN trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp hiện nay?

- KHCN đã thực hiện vai trò là lực đẩy, tạo ra các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới...  góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, bền vững, tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hỗ trợ chuyển đổi hiệu quả các hợp tác xã đồng thời thúc đẩy xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM ở các vùng đặc thù...

Bên cạnh việc tạo ra các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, KHCN có thể được xem là nhóm yếu tố có tác động đặc thù đến sự phát triển toàn diện và bền vững của nông thôn. Do KHCN giúp hình thành nên cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng NTM mang bản sắc Việt Nam; có những đóng góp nền tảng về cơ chế, chính sách.

Theo GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh, cần xác định xây dựng NTM bền vững là yêu cầu và định hướng xuyên suốt của giai đoạn sau năm 2020. Để phát triển nông thôn bền vững phải tạo ra chất lượng mới; đồng thời cần nhận diện rõ vai trò, vị thế của cộng đồng nông thôn trong chuyển đổi của cấu trúc kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

* Mặt còn hạn chế của KHCN trong phát triển nông nghiệp là gì?

- Tuy trình độ ứng dụng KHCN của nông dân thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực nhưng sự đóng góp của KHCN trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa thực sự nổi bật. Nguyên nhân do đầu tư cho KHCN nông nghiệp chưa xứng tầm. Cụ thể, đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp của Việt Nam chỉ mới chiếm 0,2% GDP nông nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với mức 2-4% của nhiều nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến lao động nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chiếm 40% tổng số lao động xã hội; chủ yếu làm thủ công nên năng suất lao động thấp, chỉ bằng 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Để khắc phục những điểm yếu trên, vai trò của KHCN cần được nhận diện rõ để định hướng đầu tư đúng mức trong tương lai.

* Giáo sư đánh giá như thế nào về xây dựng NTM dưới góc nhìn khoa học?

- Từ góc nhìn khoa học phải làm rõ những chuyển biến mang tầm chiến lược, những thay đổi có tính bước nhảy, đột phá so với kết quả phát triển nông thôn của giai đoạn trước khi xây dựng NTM. Trong đó, cần nhận diện rõ những chuyển biến cả về lượng và chất, cả diện mạo và đời sống, cả đáp ứng các nhu cầu trước mắt và xây dựng các giá trị bền vững ở nông thôn.

Cụ thể, đối với phát triển nông nghiệp cần đánh giá kỹ về thể chế phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; mức độ phát triển trình độ sản xuất, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp; đổi mới mô hình tổ chức, liên kết sản xuất, phát triển thị trường...

Đối với phát triển nông thôn cần đánh giá kỹ về khoảng cách, sự chênh lệch vùng, miền, nông thôn - thành thị và giữa các nhóm đối tượng khác nhau trong khu vực nông thôn; chuyển biến và tính bền vững trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kiến trúc, cảnh quan, môi trường nông thôn; về xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển nông thôn...

Đặc biệt, vấn đề nông dân cần được đưa lên ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn tới. Ở đây vai trò chủ thể của cư dân nông thôn thể hiện qua tư duy, nhận thức, năng lực hành động của mỗi người dân và cả các tổ chức cộng đồng trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

* Thước đo để đánh giá sự tác động của KHCN trong sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng NTM?

- Thước đo là những kết quả khoa học góp phần thực hiện nâng cao các tiêu chí NTM. Chương trình góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp mà để có được điều đó thì rất cần thiết ứng dụng KHCN. Ngay cả về tiêu chí xử lý môi trường nông thôn như xử lý rác thải ở khu vực nông thôn thì cũng phải có sự hướng dẫn về công nghệ; ứng dụng thành tựu KHCN trong tổ chức quản lý tại địa phương...

 Xin cảm ơn giáo sư!

Lê Quyên (thực hiện)

Tin xem nhiều