Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

10:05, 17/05/2017

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, như: hạn hán, lốc xoáy, lũ quét, ngập lụt trong thời gian qua tại TP.Biên Hòa và một số địa phương, Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Đồng Nai được thành lập và chính thức đi vào hoạt động.

ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Đồng Nai,
ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Đồng Nai

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, như: hạn hán, lốc xoáy, lũ quét, ngập lụt trong thời gian qua tại TP.Biên Hòa và một số địa phương, Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Đồng Nai được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh Đồng Nai, cho biết:

- Quỹ Phòng, chống thiên tai được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập ngày 4-9-2015 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2016. Quỹ được thành lập nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và công dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng với ngân sách tỉnh thực hiện các hoạt động cứu trợ, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

 Người dân, tổ chức kinh tế trong nưc và nưc ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có bắt buộc phải đóng Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh không, thưa ông?

- Căn cứ Điều 10, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và Điều 5, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định: các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật phải đóng góp bắt buộc. Cụ thể, đối tượng và mức đóng góp như sau:

Đối với các tổ chức kinh tế, mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn (2/10.000) trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hàng năm hoặc trên tổng số vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng tối thiểu 500 ngàn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh.

Đối với công dân Việt Nam trên địa bàn (nam từ đủ 18 tuổi đến hết 60 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi), mức đóng góp 1 lần/năm như sau: cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp.

Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Người lao động khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại Điểm a, Điểm b khoản này, đóng 15 ngàn đồng/người/năm. Ngoài ra, quỹ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho quỹ.

 Thời gian qua, quỹ đã triển khai thu nộp như thế nào và trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn vướng mắc gì không, thưa ông?

- Sau khi thành lập, Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh và UBND cấp huyện đã triển khai thực hiện kế hoạch thu - nộp quỹ năm 2016, với số thu dự kiến là 42 tỷ đồng. Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh đã phát hành thông báo thu quỹ đến các đối tượng theo quy định. Trong năm 2016, quỹ đã huy động được sự đóng góp của các đối tượng trên địa bàn tỉnh là 25,2 tỷ đồng, đạt 60% so kế hoạch.

Mặc dù thành lập và hoạt động sau so với các tỉnh, thành trong khu vực, nhưng kết quả thu nộp quỹ của tỉnh đạt được tương đối khích lệ, đứng thứ 3 trong cả nước (chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương).

Tuy nhiên, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện thu quỹ đến các đối tượng nên không tránh khỏi những phản ứng trái chiều, nhất là một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Một số doanh nghiệp và người lao động chưa hiểu rõ việc thực hiện đóng góp quỹ bắt buộc theo quy định Luật Phòng, chống thiên tai. Nhiều người vẫn cho rằng đây là việc quyên góp tự nguyện, tùy lòng hảo tâm, vì vậy chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp quỹ năm 2016.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa lâu dài của việc đóng góp quỹ đến người dân, các doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả. Hơn nữa, hiện chưa biện pháp chế tài đối với những trường hợp cố tình không đóng góp quỹ.

 Thưa ông, điều nhiều người dân quan tâm nhất là số tiền đóng góp quỹ sẽ được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao?

- Hiện nay, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) đang trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chi hỗ trợ tu sửa khẩn cấp các công trình phòng, chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình, với tổng kinh phí là hơn 18 tỷ đồng cho các địa phương triển khai thực hiện trong năm 2017. Trong đó, TP.Biên Hòa thực hiện tu sửa các công trình, như: sửa chữa, nạo vét kênh mương, thoát nước chống ngập úng tại các phường Trảng Dài, Tam Hiệp; tu sửa, nạo vét kênh tuyến Cầu Quang, suối Chùa, suối Bà Lúa…

Đối với các huyện và TX.Long Khánh, trong năm 2017 cũng được Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chi hỗ trợ tu sửa khẩn cấp các công trình phòng, chống thiên tai theo đề nghị của các địa phương.

 Xin cảm ơn ông!

Văn Chính (thực hiện)

Tin xem nhiều