Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể quản trị doanh nghiệp dựa trên cảm tính hay sự ôm đồm

09:03, 03/03/2017

Hơn 10 năm làm chuyên gia tư vấn về quản lý doanh nghiệp (DN), ThS. Phan Khắc Thành được hàng trăm DN trong nước và nước ngoài nhờ cậy để tìm ra những hạn chế trong quản lý, sản xuất và giải pháp khắc phục.

ThS. Phan Khắc Thành, chuyên gia tư vấn quản lý doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn quản lý Bắc Á
ThS. Phan Khắc Thành, chuyên gia tư vấn quản lý doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn quản lý Bắc Á

Hơn 10 năm làm chuyên gia tư vấn về quản lý doanh nghiệp (DN), ThS. Phan Khắc Thành được hàng trăm DN trong nước và nước ngoài nhờ cậy để tìm ra những hạn chế trong quản lý, sản xuất và giải pháp khắc phục. Những lần “bắt bệnh” và “trị bệnh” của ông đã giúp các DN tăng sản xuất thêm 20-30%.

Từ nhỏ ThS. Thành đã gắn bó với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, cái nôi phát triển công nghiệp của cả nước và ông mong muốn sẽ làm được điều gì đó cho Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông chọn thi vào Trường đại học ngoại ngữ với mong muốn củng cố thêm vốn ngoại ngữ thật tốt, có thể làm việc tại những DN nước ngoài, học cách quản lý, điều hành DN để giúp DN vừa và nhỏ trong nước tăng được khả năng cạnh tranh.

* Yếu ở khâu quản lý

 Theo ông, DN vừa và nhỏ Việt Nam yếu nhất ở những khâu nào?

- Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có 15 năm làm việc trong các DN nước ngoài, gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản... với nhiều cương vị khác nhau. Bên cạnh việc tìm hiểu cách quản lý điều hành để có dây chuyền hoạt động liên kết tạo ra hiệu suất làm việc cao, tôi còn tự nghiên cứu, học hỏi qua các giáo trình giảng dạy của những trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực này. Tôi có sẵn vốn ngoại ngữ kha khá nên việc tìm đọc và hiểu các tài liệu về kinh tế của nước ngoài không mấy khó khăn.

Qua kinh nghiệm thực tế cộng với những kiến thức chắt lọc trong sách vở, tôi dễ dàng tìm ra bệnh của DN vừa và nhỏ trong nước cũng như các DN nước ngoài tại Việt Nam. Hiện DN vừa và nhỏ Việt Nam yếu nhất ở khâu quản lý, điều hành, chưa xác định được giá trị cốt lõi dẫn đến khó lớn mạnh. Các chủ DN vừa và nhỏ phần lớn đi lên từ những cơ sở sản xuất nhỏ nên người đứng đầu hay mắc vào lỗi làm chủ nhiều hơn là lãnh đạo. Ông chủ làm điều hành thường hay quản lý theo cảm xúc dẫn đến lao động mất niềm tin, không gắn bó lâu dài. DN vừa và nhỏ trong nước còn ít quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. Sản xuất, kinh doanh thiếu định hướng dài hơi.

 DN phải làm gì để “xử lý” điểm yếu nói trên?

- Nhiều DN trong nước đi lên từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên chủ DN thường có suy nghĩ rằng không ai hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh của DN bằng mình nên ít tin tưởng vào chuyên gia tư vấn có thể giúp quản trị DN tốt hơn. Điểm yếu này khiến các DN khó tiếp cận các phương pháp quản trị mới đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.

Các tập đoàn lớn của FDI khi đầu tư vào Việt Nam rất coi trọng khâu quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. Dù đã có đội ngũ nhân lực mạnh và giỏi, nhưng cứ 2-3 năm DN lại thuê chuyên gia tư vấn đến điều tra, góp ý để tiếp tục cải thiện bộ máy điều hành tinh gọn hơn. DN trong nước ít quan tâm đến việc này nên trong điều hành “lệch pha” sang làm chủ nhiều hơn là lãnh đạo. Trong khi điều hành một DN cần người lãnh đạo vì có thể dẫn dắt lao động cùng song hành, hiệu suất công việc sẽ ổn định, công nhân gắn bó với DN lâu dài. Một yếu tố nữa, tôi nghĩ DN trong nước cần chú ý là đào tạo nguồn nhân lực đa năng, tay nghề vững. Đa năng ở đây là mỗi lao động có thể làm việc ở những vị trí khác nhau, như vậy khi có một người nghỉ việc thì dây chuyền sản xuất, kinh doanh vẫn vận hành trơn tru, không bị “hổng”.

 Ông mất khoảng bao lâu để “bắt bệnh” và đưa ra “phương thuốc trị bệnh” cho DN?

- Tôi mất khoảng 1 giờ đồng hồ khảo sát DN là có thể tìm ra được những nhược điểm, và mất khoảng 1 ngày để đưa ra những giải pháp giúp khắc phục và có thể đưa sản xuất tăng từ 20-30% cũng với bộ máy, lao động sẵn có. Khi nhận tư vấn cho một DN nào, tôi đều cam kết giúp tăng năng suất mới nhận thù lao. DN mất khoảng 2-3 năm duy trì nghiêm ngặt các giải pháp tôi đưa ra để tạo thành thói quen, sau đó DN hoạt động theo guồng mới này thì mới giữ được mức tăng trưởng ổn định trong  sản xuất. Cũng có những DN sau khi tôi thôi tư vấn, năng suất lại giảm và lại phải mời tôi quay lại tìm bệnh và tôi phát hiện ra việc duy trì kỷ cương còn yếu, từ quản lý đến người lao động tính chuyên nghiệp chưa cao và không tập trung vào công việc đã khiến năng suất giảm trở lại.

* Doanh nghiệp còn quá "ôm đồm"

 Rất nhiều DN trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản phẩm cho DN nước ngoài. Để làm được điều này phải hội tụ những gì?

- Qua nghiên cứu, làm việc với những DN nước ngoài, tôi thấy DN trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ những quy định về chất lượng, số lượng lớn, môi trường, lao động, nhà xưởng... Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nên nhiều DN nước ngoài muốn tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để hưởng các ưu đãi về thuế sẽ là cơ hội cho DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

Khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi, DN trong nước chú ý là quá trình thực hiện các đơn hàng đối tác giám sát rất nghiêm ngặt; thường thuê đơn vị giám sát độc lập uy tín, nếu phát hiện một sai sót sẽ hủy đơn hàng và cắt hết hợp đồng. Không ít DN Việt đã cay đắng chịu thiệt hại lớn khi rơi vào tình cảnh trên. Vì thế, DN đáp ứng đủ những yêu cầu để ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho DN nước ngoài luôn phải đảm bảo các quy định.

 Một số chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế đánh giá, DN trong nước hiện đang quá ôm đồm trong sản xuất, kinh doanh. Ông nhận định về vấn đề này thế nào?

- Như tôi đã nói ở trên, DN trong nước chưa xác định được giá trị cốt lõi của mình, do đó chẳng khác nào đi trên sa mạc, khó tìm đường ra. Nếu DN xác định được giá trị cốt lõi của mình sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng, hàng hóa làm ra đối thủ khó bắt chước như vậy sẽ dễ dàng mở rộng thị trường. Đơn cử, Tập đoàn Nike dù có mặt khắp thế giới nhưng chỉ nắm một số giá trị cốt lõi, còn những việc liên quan liên kết để các DN khác làm, vì thế tập đoàn không ngừng lớn mạnh qua nhiều năm và khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Tôi nghĩ DN Việt hiện đang ôm đồm quá nhiều khâu trong cả sản xuất lẫn kinh doanh nên khó lớn mạnh.

 Là chuyên gia tư vấn lâu năm cho cả DN trong nước và nước ngoài, ông thấy DN trong nước và nước ngoài có những khác biệt gì lớn trong quản lý sản xuất, kinh doanh?

- DN nước ngoài rất chịu khó học hỏi, liên tục nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, sẵn sàng bỏ tiền thuê tư vấn để hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả hơn, còn DN trong nước ít chú ý đến vấn đề này. Đồng thời, DN nước ngoài luôn xác định rõ giá trị cốt lõi để tập trung vào phát huy, không làm dàn trải, DN Việt vì hay ôm quá nhiều việc cùng lúc khó đủ tiềm lực để phát triển mạnh.

 Đồng Nai có hơn 10 ngàn DN vừa và nhỏ đang hoạt động, họ  đã quan tâm nhiều đến việc tìm và trị bệnh để DN dần lớn mạnh?

- Tôi là người Đồng Nai nên cũng muốn góp sức hỗ trợ các DN trong tỉnh quản lý sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Song thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm nhiều đến việc tư vấn quản lý DN. Hơn 10 năm làm chuyên gia tư vấn, tôi đã hợp tác hỗ trợ hàng trăm DN trong nước, nước ngoài ở các tỉnh, thành khác nhau, trong đó có nhiều tập đoàn DN lớn, nhưng tại Đồng Nai chỉ được trên 10 DN quan tâm. Làm chủ đôi khi vất vả hơn cả đi làm thuê. Nếu không có kiến thức, sự kiên định để theo đuổi, rất khó mà tồn tại.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều