Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp trong nông nghiệp dễ thất bại nếu không áp dụng công nghệ cao

10:02, 24/02/2017

Năm 1998, Việt Nam đã có dự án về đào tạo khởi nghiệp do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) của Thụy Điển tài trợ. Chương trình do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai với tên gọi "Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh"...

Giảng viên - luật gia Nguyễn Trường Sơn.
Giảng viên - luật gia Nguyễn Trường Sơn.

Năm 1998, Việt Nam đã có dự án về đào tạo khởi nghiệp do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) của Thụy Điển tài trợ. Chương trình do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai với tên gọi “Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ ở Việt Nam. Dự án này khi vào Việt Nam đã được biên soạn lại cho phù hợp với thực tế đất nước thời điểm đó và tồn tại đến bây giờ, kể cả khi SIDA đã hoàn tất việc tài trợ ban đầu. Chương trình để lại một lực lượng giảng viên cao cấp (Master Trainer) được đào tạo liên tục theo chuẩn quốc tế từ Bắc đến Nam và giảng viên Nguyễn Trường Sơn là một người kỳ cựu của chương trình. Đội ngũ giảng viên của dự án vẫn thường xuyên cộng tác với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều địa phương khác để đào tạo khởi nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Giảng viên - luật gia Nguyễn Trường Sơn đã có kinh nghiệm giảng dạy khởi nghiệp gần 20 năm và vài năm gần đây ông có sự chú ý đặc biệt đến khởi nghiệp trong nông nghiệp với vai trò tư vấn một số dự án cho Hội Nông dân Việt Nam trong chương trình xây dựng các chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường các sản phẩm nông nghiệp. Chứng kiến nhiều sự thành bại của những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này, ông Sơn nhận xét khởi nghiệp trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang dần trở thành một thị trường hàng hóa thực thụ như hiện nay, phải bắt đầu bằng câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao.

* Tỷ lệ “sống sót” của các dự án khởi nghiệp khá thấp

 Ông đánh giá ra sao về không khí khởi nghiệp cách đây gần 20 năm và hiện tại?

- Năm 2008, khi tôi bắt đầu đến với chương trình đào tạo khởi nghiệp do SIDA tài trợ thì một tổ chức quốc tế độc lập thời bấy giờ đã đánh giá đây là một dự án khá thành công với khoảng 25% lượng học viên đi học các lớp khởi nghiệp đã bắt đầu một dự án làm ăn thật sự sau khi học. Lúc đó, tôi thấy những người đi học khởi nghiệp là những người đã và đang nung nấu ý định học tập rất nghiêm túc để vận hành hoặc triển khai một ý tưởng lập nghiệp thực sự. Còn vài năm gần đây, cụm từ khởi nghiệp được nhắc đến rất nhiều tại Việt Nam, không khí khởi nghiệp có vẻ như rộn ràng và rộng lớn hơn về quy mô, song tôi cảm nhận “tính phong trào” cũng nhiều hơn. Và chính tính chất phong trào này đang làm tôi hơi lo lắng một chút, bởi phong trào rồi sẽ sớm lắng xuống.

Tình hình khởi nghiệp hiện tại đang khá rộng lớn với nhiều nhóm, tổ chức được hình thành với cùng mục đích chia sẻ hoặc hỗ trợ khởi nghiệp mà chưa có những tiêu chuẩn chung cho cả người hỗ trợ lẫn người được hỗ trợ. Đó cũng là một điều đáng suy nghĩ.

 Tình hình khởi nghiệp ở Đồng Nai có chậm hơn so với nhiều nơi khác không, thưa ông?

- Chương trình này có mặt tại Đồng Nai năm 2002 và Đồng Nai lại đi sớm một bước, hơn một số các địa phương khác, là đã có những động thái hỗ trợ khởi nghiệp dù với nhiều tên gọi khác. Chẳng hạn, Trung tâm Khuyến công Đồng Nai từ khi thành lập đã liên hệ với VCCI để đào tạo một số chương trình khởi nghiệp (SYB) ở nông thôn (các huyện) với 5-7 lớp/năm. Đến giờ tôi vẫn cộng tác với Đồng Nai trên nhiều chương trình đào tạo khởi nghiệp và chứng kiến khá nhiều dự án thành công. Hiện tại, Hội Doanh nhân trẻ cùng một số đơn vị khác cũng đang có những chương trình tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp chu đáo hơn, và đó cũng là những khởi đầu đáng mừng.

 Trong mắt ông, một giảng viên chuyên nghiệp đã từng tiếp xúc với hàng ngàn người muốn khởi sự làm ăn, thì khởi nghiệp khó hay dễ?

- Khó, rất khó. Trước hết, tôi thấy một điều là người ta đang nói quá nhiều về thanh niên khởi nghiệp, trong khi thực sự thanh niên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong những người có nhu cầu khởi nghiệp và mong muốn khởi nghiệp thực sự. Và thanh niên khởi nghiệp đang nói quá nhiều về ý tưởng. Thực tế, khởi nghiệp không phải chỉ dừng lại ở ý tưởng dù đó là yếu tố đầu tiên, ý tưởng đó phải có cả một hệ thống hỗ trợ rất vững mạnh mới thành công. Thanh niên khởi nghiệp có những mặt thuận lợi riêng, nhưng bất lợi cũng khá nhiều nếu chỉ xem khởi nghiệp như một phong trào mà thiếu sự quan sát, thiếu bản lĩnh và thiếu kinh nghiệm.

 Tỷ lệ thành công của khởi nghiệp cao hay thấp?

- Tỷ lệ khởi nghiệp thành công theo tôi chỉ khoảng 20%. Có thể thấy điều này dễ nhất nếu so sánh giữa tỷ lệ thành lập doanh nghiệp và tỷ lệ giải thể/phá sản doanh nghiệp mỗi năm của các địa phương.

* Lối đi không trải hoa hồng

 Gần đây, nông nghiệp được chú ý một cách đặc biệt trong chủ đề khởi nghiệp. Nhận xét của ông ra sao?

- TP.Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao từ khá lâu và bản thân tôi cho rằng đây là một mô hình hỗ trợ khởi nghiệp chuyên nghiệp rất thành công. Đồng Nai có Khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn chưa có bệ đỡ tương tự cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức 27 khóa học (từ năm 2010) dành riêng cho trung tâm ươm tạo này và tôi đã giảng dạy đủ 27 khóa Khởi sự doanh nghiệp với nhiều kỹ năng hỗ trợ, như: nhân sự, tài chính, bán hàng, công nghệ... Người học không phải đóng tiền nhưng phải hoàn thiện dự án khởi nghiệp nông nghiệp đó một cách thực thụ với sự đánh giá của một hội đồng chuyên nghiệp. Sau đó, dự án sẽ được hỗ trợ để triển khai thực tế về thủ tục, cấp đất, hoặc nhà màng, nhà lưới, văn phòng làm việc... đủ để vận hành trong một quy mô nhỏ, sau đó doanh nghiệp có thể mở rộng ra. Tôi hy vọng Đồng Nai cũng sẽ có mô hình hỗ trợ tương tự cho những doanh nghiệp muốn khởi nghiệp về nông nghiệp.

 Được Chính phủ tạo điều kiện và khuyến khích mạnh, liệu rằng khởi sự làm ăn trong nông nghiệp có phải là hướng đi thuận lợi trong thời gian tới?

- Khởi nghiệp trong nông nghiệp nhìn chung đang bắt đầu lan rộng, nhưng đây không phải là một “lối đi chỉ có hoa hồng”. Nhiều năm trước, khởi nghiệp nông nghiệp rất ít bởi tính rủi ro cao. Hiện tại đòi hỏi phải sử dụng công nghệ cao và theo tôi đó là yếu tố mang tính sống còn. Làm nông nghiệp theo lối cũ thì khó tồn tại được. Tôi lấy ví dụ, công nghệ cao mới kiểm soát tốt được chất lượng sản phẩm: kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, nóng, lạnh, ánh sáng, dinh dưỡng... bằng các phần mềm cảm ứng tự động nhằm kiểm soát chất lượng nông sản, không thể phó mặc cho thời tiết như xưa. Từ chuyện kiểm soát tốt và đồng đều về năng suất, chất lượng của nông sản mới có thể hoạch định được các vấn đề khác của một dự án: vốn liếng, nhân lực, bán hàng, xuất khẩu... Mặc dù vậy, thành công trong nông nghiệp công nghệ cao còn đỏi hỏi nhiều yếu tố khác.

 Nhiều doanh nghiệp đã có công nghệ cao, đã sản xuất hàng hóa đúng chuẩn nhưng vẫn... “chết” (không thành công). Theo ông vì sao?

- Về chuyên môn phải là công nghệ cao với tiêu chuẩn này tiêu chuẩn khác, về thị trường thì anh phải bán được sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải hiểu nhu cầu khách hàng trước khi bắt tay vào sản xuất, nghĩa là phải định hướng theo khách hàng chứ không phải theo năng lực sản xuất: phải biết hàng bán cho ai trước khi sản xuất chứ không phải sản xuất hàng loạt rồi mới đem hàng đi bán. Làm được điều này thì cơ hội thành công mới cao, nhưng rất tiếc nhiều doanh nghiệp trong nông nghiệp Việt Nam lại đang làm theo quy trình ngược: sản xuất trước, bán hàng sau.

 Như đã nói, có nhiều nơi muốn hỗ trợ khởi nghiệp và thực tế đã làm. Theo ông, làm sao để sử dụng nguồn lực khởi nghiệp một cách đúng đắn và hạn chế lãng phí?

- Hiện tại có rất nhiều nơi hỗ trợ những người muốn khởi sự làm ăn, từ các hội doanh nhân, nhóm, các doanh nghiệp lớn cho đến các trường đại học. Chính quyền một số nơi cũng có các nguồn quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp. Điều này là đáng mừng, song lại đặt ra một khía cạnh khác cần quan tâm: làm sao để sử dụng nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp một cách đúng đắn để tránh lãng phí nguồn lực và tạo động lực cho những người khởi nghiệp thực sự. Tôi nghĩ mỗi nơi khởi nghiệp cần có sự đánh giá nghiêm túc thông qua một hội đồng từng trải qua và am hiểu về khởi nghiệp. Kỹ quá thì vô tình bóp chết dự án, dễ quá thì lãng phí nguồn lực, nên cần cân nhắc kỹ.

Có thể mời một giám đốc một quỹ đầu tư mạo hiểm, giám đốc ngân hàng, giảng viên cao cấp SIYB - ILO về cùng tham gia hội đồng để đánh giá dự án đó chẳng hạn. Việc làm này sẽ tránh bớt sự lãng phí nguồn lực trong việc cấp vốn cho khởi nghiệp và tạo được niềm tin cho những người muốn bước chân vào lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều