Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây cầu của ước mơ

07:03, 12/03/2018

Sau hàng chục năm chờ đợi, người dân 2 xã: Phú Lý (huyện Định Quán) và Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã thỏa niềm mơ ước khi cây cầu bê tông bắc qua suối Sa Mách nối liền 2 xã đã hoàn thành.

Sau hàng chục năm vượt suối Sa Mách (suối chảy ra hồ Trị An, thuộc ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) bằng cây cầu treo tạm bợ, người dân 2 xã Phú Lý và Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã thỏa niềm mơ ước khi cây cầu bê tông bắc qua suối Sa Mách nối liền 2 xã đã hoàn thành.

Cầu Sa Mách được xây dựng kiên cố thuận lợi cho những xe tải trọng lớn lưu thông, giúp người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Cầu Sa Mách được xây dựng kiên cố thuận lợi cho những xe tải trọng lớn lưu thông, giúp người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Cầu mới vững chãi đưa vào sử dụng đã giúp người dân đi lại thuận tiện, việc vận chuyển nông sản dễ dàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa giữa 2 địa phương.

* Gian nan chuyện xây cầu

Hơn 15 năm qua, cầu treo Sa Mách bắc qua suối Sa Mách được làm tạm bợ nên việc đi lại của người dân, nhất là học sinh đi học, vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm. Việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của dân địa phương.

“Trước đây, khi chưa có cầu, chúng tôi phải đi cầu treo vừa mất tiền mà lại không an toàn. Những ngày mưa gió nước dâng cao, muốn vào rẫy trông coi hoa màu cũng khó khăn và sợ gặp nguy hiểm” - bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ.

Cây cầu treo do một vài hộ dân ở xã Phú Lý tự bỏ kinh phí ra làm. Vậy nên, mỗi lần qua cầu, người dân ở 2 xã Thanh Sơn và Phú Lý phải “mua vé” với giá 2 ngàn đồng. Tuy nhiên, có những lần “giá vé” tăng cao, lên đến cả 7-10 ngàn đồng, mọi người cũng phải chấp nhận. Bởi nếu không qua cầu treo thì chẳng có lối đi nào gần nhất để qua bên kia bờ (hoặc ngược lại).

 Nhưng với người dân địa phương, có cây cầu tạm để lưu thông cũng là điều may mắn, bởi ở đây cuộc sống của ai cũng khó khăn. Việc có cây cầu treo bắc qua dòng suối dữ khi mùa mưa bão đến đã hỗ trợ người dân rất nhiều trong chuyện đi lại, bà con không còn chịu cảnh “ngăn sông cách chợ” như trước.

Sau nhiều năm sử dụng, cầu treo bắt đầu xuống cấp, những thanh gỗ lót mặt cầu cứ gãy dần. Mùa mưa đến, mỗi lần qua cầu ai nấy đều cảm thấy lo sợ tính mạng như đánh cược với chiếc cầu tạm. Khó khăn và nguy hiểm nhất vẫn là học sinh buộc phải đi cầu treo tạm để đến trường.

Em Trần Thị Yến Nhi (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, học sinh lớp 12) qua học ở Trường THCS - THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý) chia sẻ nhiều hôm trời mưa kéo dài, nước suối dâng cao ngập bờ, chạm cả cây cầu treo khiến ván gỗ trôi theo dòng nước.

Để việc đến lớp không bị gián đoạn, Yến Nhi và bạn bè phải đu dây cáp qua cầu. Ngày đầu đi còn sợ, nhưng lâu dần thành quen, cả học sinh và người dân sinh sống 2 bên cầu đều di chuyển theo cách này.

“Qua cầu treo rất nguy hiểm, chỉ cần gió mạnh là cây cầu rung lắc đung đưa. Việc đến trường ở đây rất vất vả nên nhiều bạn trong xóm phải dang dở chuyện học hành. Chúng em mong có cây cầu mới để không phải đi lại hàng ngày trên chiếc cầu cũ kỹ và xuống cấp này nữa” - Yến Nhi tâm sự.

Khi nghe thông tin cầu treo sẽ được thay bằng một chiếc cầu mới, bà con 2 xã Phú Lý và Thanh Sơn rất vui mừng. Tuy nhiên, một số hộ dân đứng ra “thu phí” qua cầu cũ không mấy bằng lòng. Vì thế, việc xây cầu mới gặp khó khăn, địa phương phải “đàm phán” nhiều lần để những người này hiểu được lợi ích khi bà con được đi trên cây cầu kiên cố.

Ông Phạm Minh Thành (ngụ ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý), người đứng ra vận động người dân địa phương hiến đất làm cầu, làm đường dẫn từ trục đường chính vào cầu Sa Mách, cho hay sống ở đây đã hàng chục năm nên ông hiểu được sự nguy hiểm khi hàng ngày phải qua lại bằng cầu treo tạm. Bởi, trước kia có người đi trên cầu cũ mà bị tai nạn dẫn đến thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng của gia đình.

Ông Thành bộc bạch khi bà con ở xã vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ kinh phí xây cầu thì mong ước ấy đã thành hiện thực. Ngày khởi công xây cầu, ông và các hộ dân trong xã vỡ òa niềm vui đến nỗi mất ngủ. Với những ai đã từng đi trên những chiếc cầu xiêu vẹo sẽ hiểu rõ cảm giác sợ hãi bất an đến nhường nào.

* Cầu mới, cuộc sống mới

Sau nhiều tháng thi công, cây cầu mới khang trang hiện ra, người dân địa phương từ già đến trẻ đều chung một niềm vui. Cầu mới dài gần 20m, bề rộng mặt cầu 3,5m, chiều dài đoạn đường dẫn 2 bên cầu 100m, chi phí xây dựng gần 2,2 tỷ đồng, do Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) tài trợ.

Có cầu mới, người dân xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thuận lợi trong phát triển kinh tế. Trong ảnh: Người dân ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý thu hoạch xoài để chuẩn bị bán cho thương lái.
Có cầu mới, người dân xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thuận lợi trong phát triển kinh tế. Trong ảnh: Người dân ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý thu hoạch xoài để chuẩn bị bán cho thương lái.

Bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý) bộc bạch cầu xây bằng bê tông cốt thép, chịu được xe trọng tải 10 tấn là điều thuận lợi để người dân vận chuyển nông sản. Người dân xã Phú Lý đến làm rẫy trồng xoài, điều, mì... ở xã Thanh Sơn rất nhiều. Trước đây, khi chưa có cây cầu bê tông, việc vận chuyển phân bón, nông sản vô cùng khó khăn. Chi phí vận chuyển chiếm hơn nữa giá trị nên sau khi trừ các khoản, lời lãi chẳng được bao nhiêu.

Theo bà Điệp, có cầu và có đường đi kiên cố, người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Khoảng 1 tháng sau khi thông cầu, xe chở nông sản qua lại 2 xã ngày càng nhiều, nhờ đó việc tiêu thụ nông sản của địa phương được thuận tiện. Đường thông, thương lái vào tận vườn lấy hàng, nông dân mới có dư dả.

Những ngày đầu xuân, cầu Sa Mách luôn tấp nập người và xe cộ qua lại; học sinh đến trường không còn lo sợ mỗi khi đi học trên chiếc cầu treo cũ nữa. Người dân xã Thanh Sơn có cơ hội thuận lợi hơn trước tiếp cận các điều kiện về y tế, giáo dục, buôn bán...

Chủ tịch UBND xã Phú Lý Nguyễn Thị Nga chia sẻ thêm, Phú Lý là một trong những xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh nên việc đi lại khó khăn, cách trở. Cây cầu mới được đưa vào sử dụng thay thế cây cầu treo cũ, xuống cấp bao năm qua sẽ giúp cho người dân trong xã đi lại dễ dàng và đảm bảo an toàn giao thông.

“Cùng với hệ thống đường sá, điện đường được nâng cấp và xây mới, cây cầu này đã giúp việc vận chuyển các loại nông sản, phân bón… trở nên dễ dàng, tiết kiệm được chi phí. Ngoài ra, còn gắn kết mối quan hệ giữa 2 xã Thanh Sơn và Phú Lý” - bà Nga nói.

Thanh Hải

Tin xem nhiều