Báo Đồng Nai điện tử
En

Trần Thượng Xuyên xây dựng thương cảng Cù lao Phố

07:03, 10/03/2018

Tiếp sau công nữ Ngọc Vạn mở lối cho người Việt tiến về phương Nam đến sinh sống ở Mỗi Suy (Bà Rịa), Nông Nại (Đồng Nai), Sài Gòn và một số khu vực miền Tây Nam bộ, Phụ quốc Đô đốc tướng quân, Thắng Tài hầu Trần Thượng Xuyên là người có công rất lớn biến Đồng Nai,...

Tiếp sau công nữ Ngọc Vạn mở lối cho người Việt tiến về phương Nam đến sinh sống ở Mỗi Suy (Bà Rịa), Nông Nại (Đồng Nai), Sài Gòn và một số khu vực miền Tây Nam bộ, Phụ quốc Đô đốc tướng quân, Thắng Tài hầu Trần Thượng Xuyên là người có công rất lớn biến Đồng Nai, đặc biệt là Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từ vùng đất hoang vu hẻo lánh trở thành trung tâm thương mại sầm uất và thịnh vượng.

Người dân dâng hương tưởng nhớ Đức ông Trần Thượng Xuyên tại đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) (ảnh chụp chiều 9-3-2018). Ảnh: V.CHÍNH
Người dân dâng hương tưởng nhớ Đức ông Trần Thượng Xuyên tại đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) (ảnh chụp chiều 9-3-2018). Ảnh: V.CHÍNH

Trần Thượng Xuyên quê tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), là quan của triều nhà Minh. Năm 1644, nhà Mãn Thanh đánh chiếm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, lập nên triều Thanh nhưng trong thực tế lực lượng ủng hộ nhà Minh vẫn còn chiến đấu rải rác các nơi. Trần Thượng Xuyên tham gia phong trào kháng Thanh của Trịnh Thành Công và được phong làm Tổng binh 3 châu Cao - Lôi - Liêm. Tuy nhiên, theo thời gian triều đình nhà Thanh ngày càng ổn định vững chắc, lực lượng kháng Thanh thất bại và bị tiêu diệt dần, kể cả Trịnh Thành Công ở Đài Loan. Năm Kỷ Mùi 1679, sau khi quân Thanh dẹp loạn Tam Phiên, Trần Thượng Xuyên cùng quân của mình và gia đình rời Trung Quốc tị nạn. Cùng đi với ông trong đợt này còn có Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến.

* Xây dựng quê mới

Theo Đại Nam thực lục, chỉ riêng đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên đã lên đến 50 chiếc cùng với khoảng 3 ngàn người đến cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin thần phục nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần thu nhận, ban cho chức cũ và sai đến ở đất Đông Phố (Đồng Nai ngày nay). Đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ tiến vào định cư ở Bàn Lân (hoặc Bàn Lăn, nay thuộc TP.Biên Hòa).

Tấm lòng hoài hương

5 năm sau khi đến định cư ở Đồng Nai, nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đã xây dựng miếu Quan Đế (năm 1684), sau này đổi tên thành Thất phủ cổ miếu, dân gian thường gọi là chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Miếu thờ chính là Quan Vũ (một trong 3 anh em “Đào viên kết nghĩa” thời Tam Quốc, gồm: Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi), có phối thờ hệ thống thần linh theo tín ngưỡng người Hoa. Về mặt chức năng, chùa Ông không chỉ là cơ sở thờ tự tâm linh mà còn là hội quán - nơi để cộng đồng người Hoa lui tới sinh hoạt, tương trợ lẫn nhau.

Về mặt kiến trúc, chùa Ông là một công trình mỹ thuật với nghệ thuật điêu khắc rất đặc sắc. Đặc biệt, trên nóc chùa có tượng “ông Nhật” và “bà Nguyệt” tượng trưng cho yếu tố âm và dương. Theo triết lý phương Đông, âm - dương hòa hợp sẽ sinh ra muôn loài, biểu hiện sự thịnh vượng của vạn vật. Tuy nhiên, trong chiết tự chữ Hán, 2 chữ Nhật và Nguyệt hợp lại thành chữ Minh, đây là cách để cộng đồng người Hoa nhớ về cố quốc. Trên nóc đình Tân Lân thờ Thượng đẳng thần Trần Thượng Xuyên cũng có biểu tượng này.

Buổi đầu định cư khai phá, nhóm Hoa kiều này nỗ lực khắc phục thiên nhiên để định cư, khai thông nguồn nước để trồng trọt, mở mang đường ngõ để ổn định lâu dài... Tuy nhiên, tập quán của người Hoa không mạnh ở phát triển nông nghiệp, mà với tư duy thương nghiệp nhóm Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra ưu thế của Cù lao Phố có vị trí quan trọng trong kinh doanh cả đường thủy lẫn đường bộ. Cù lao Phố nằm nơi sông sâu, nước chảy, có thể tiếp tục ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuống tận phía Nam, ra cửa Cần Giờ và sang tận Cao Miên (Campuchia). Vì thế phần lớn người trong nhóm Trần Thượng Xuyên đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù lao Phố lập bến, mở đường, xây dựng phố chợ.

Đồng Nai là xứ sản vật dồi dào. Nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên với kinh nghiệm làm ăn buôn bán trước đó đã liên lạc và xây dựng các luồng giao thương từ Cù lao Phố đi khắp trong và ngoài nước. Nguồn xuất khẩu chính ở Cù lao Phố là lúa gạo và gỗ, ngoài ra còn có lâm thổ sản địa phương như: trầm hương, ngà voi, sừng tê, da thú, nhựa sơn, dược liệu, tôm khô, cá khô cùng những sản phẩm nông nghiệp khác...

Đến đầu thế kỷ 18, những di dân người Hoa đã biến Cù lao Phố thành một thương cảng xuất nhập khẩu lớn thu hút thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và cả các nước phương Tây đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Công cuộc giao thương ở Cù lao Phố đã hình thành nên lớp người làm “dịch vụ” như: thu gom và phân phối hàng hóa, các dịch vụ về ăn ở, vận chuyển… Đến cuối thế kỷ 17, số lượng dân đến khai phá, định cư tại đây đã lên đến 40 ngàn hộ, cho thấy sự sầm uất của thương cảng bậc nhất Cù lao Phố thời bấy giờ.

Không chỉ có tài kinh thương, Trần Thượng Xuyên còn là một võ tướng tài ba, nhiều lần lập những chiến công lớn giúp chúa Nguyễn ổn định tình hình ở Đàng Trong và mở mang bờ cõi phía Nam. Vào các năm 1689, 1699, 1700, 1714 ông đã xuất quân hỗ trợ các thế lực thân với nhà Nguyễn ở triều đình Chân Lạp giữ vững ngôi vua, chống lại ảnh hưởng của Thái Lan. Từ đó, các vùng Định Tường (các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp ngày nay), Long Hồ (Vĩnh Long), An Giang đã được sáp nhập vào nước ta.

* Sinh vi tướng, tử vi thần

Ngày 23-10 âm lịch năm 1720, Trần Thượng Xuyên mất và được an táng ở phía Bắc trấn thành Biên Hòa, thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định (nay là làng Mỹ Lộc, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Với công lao to lớn, ông được chúa Nguyễn truy phong là Phụ quốc Đô đốc tướng quân, ban tước Thắng Tài hầu và Ban dụ “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt” (họ Nguyễn làm vương, họ Trần làm tướng, công hầu đời đời không dứt). Trần Thượng Xuyên được lịch sử xác định là người có công lớn trong công cuộc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Công đức của ông được nhân dân ghi tạc, cung kính gọi là Đức ông và tôn ông làm Thần hoàng bổn cảnh, thờ tại đình Tân Lân (nay thuộc phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Ông được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong là Thượng đẳng thần.

Do thời gian và chiến tranh, mộ của ông bị thất lạc không rõ địa điểm. Sau khi hòa bình lập lại, Ban quý tế đình Tân Lân nỗ lực tìm kiếm mộ ông và bằng sự kiên trì cùng nhiều cơ duyên, ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban quý tế đình, đã tìm được mộ vào năm 1994.

Ông Lâm Văn Lang kể, khoảng năm 1993 trong dịp ông đến cúng chùa Thanh Lương (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, nơi có đặt bài vị thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên) thì được vị hòa thượng trụ trì hướng dẫn gặp ông Bùi Văn Một (đã mất) ở đình thần Nguyễn Tri Phương, bởi ông Một từng kể qua ở làng Mỹ Lộc có một khu mộ đá cổ, người dân thường gọi là “mã Chệt” (Chệt là một cách gọi người Hoa ngày xưa) và rất sùng kính. Suy đoán có thể đây là mộ của Đức ông, ông Lang cùng người của Ban quý tế đình, trong đó có ông Lương Muối (nay đã mất) là người thông thạo về Hán văn cổ tìm đến làng Mỹ Lộc.

Khu mộ nằm cạnh tỉnh lộ 746, gồm 4 ngôi mộ bằng đá ong đã bị hư hại, các tấm bia mộ nằm rải rác bị bào mòn gần hết chữ. May mắn thay, ngôi mộ đá lớn nhất nằm chính giữa có bình phong đá án ngữ còn sót vài chữ Hán. Từ văn tự khắc trên tiền án, cho biết chủ nhân là người họ Trần, quê quán tỉnh Quảng Đông. Qua thư tịch cổ ghi chép về nơi chôn, cộng thêm vị trí ngôi mộ vừa phát hiện nằm ở địa thế cực đẹp theo phong thủy (trước có sông làm tiền án, sau có núi làm hậu chẩm) nên mọi người xác định đây chính là mộ Đức ông Trần Thượng Xuyên. 3 ngôi mộ còn lại nhỏ hơn, đã thất lạc bia mộ, có thể là của các bộ tướng hay người thân.

Sau khi được Ban quý tế đình Tân Lân trùng tu gia cố theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng kiến trúc, đồng thời xây thêm cổng chính, tường rào bảo vệ, nhà tưởng niệm, đặc biệt là dựng một tấm bia đá hoa cương ghi lại tiểu sử và công trạng của Đức ông bằng chữ Hán và chữ Việt, năm 2004 khu mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên được tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hàng năm, Ban quý tế đình Tân Lân đều tổ chức tảo mộ và cúng tế vào các dịp thanh minh, trùng cửu, ngày giỗ và lễ cầu an.

Hà Lam

Tin xem nhiều