Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Bình Định ở Sông Nhạn

07:02, 03/02/2018

Tháng Chạp, khi rừng cao su ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) trút lá đón xuân thì lò rượu của ông Ngô Tùng Đạo (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) ngày nào cũng đỏ lửa phục vụ người dân ăn tết. Vốn là dân làng rượu Trung Thứ (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nổi tiếng đất Bình Định nên rượu do vợ chồng ông Đạo nấu ra chỉ đủ phục vụ cho người dân trong làng và các mối quen.

Tháng Chạp, khi rừng cao su ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) trút lá đón xuân thì lò rượu của ông Ngô Tùng Đạo (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) ngày nào cũng đỏ lửa phục vụ người dân ăn tết. Vốn là dân làng rượu Trung Thứ (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nổi tiếng đất Bình Định nên rượu do vợ chồng ông Đạo nấu ra chỉ đủ phục vụ cho người dân trong làng và các mối quen.

Ngoài nấu rượu nuôi heo, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bông - ông Ngô Tùng Đạo (ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) còn là hộ trồng bưởi giỏi.
Ngoài nấu rượu nuôi heo, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bông - ông Ngô Tùng Đạo (ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) còn là hộ trồng bưởi giỏi.

Xã Sông Nhạn có gần 400 hộ dân đất võ Bình Định sinh sống, tất cả đều chăm lo làm ăn, nuôi con ăn học. Ông Hồ Đăng Hiếu (ngụ ấp 4) nói vui, từ khi định cư ở vùng đất cao su Sông Nhạn, dân Bình Định đã bỏ võ theo văn. Cho nên, hộ Bình Định nào ở xã Sông Nhạn cũng có con học đại học, cao đẳng.

* Xóm Bình Định

Theo cha vào xã Sông Nhạn lập nghiệp từ năm 1976, ông Trương Quang Thanh, Phó chủ tịch HĐND xã Sông Nhạn, cho biết dân Bình Định ở xã Sông Nhạn sống tập trung ở ấp 4 và 5.

Câu chuyện lập nghiệp, nuôi dạy con cái học tập thành tài của các hộ dân Bình Định ở xã Sông Nhạn như câu chuyện cổ tích của từng gia đình. Phó chủ tịch HĐND xã Sông Nhạn Trương Quang Thanh bộc bạch: dân Bình Định nói riêng, người dân xã Sông Nhạn nói chung vốn chịu thương chịu khó lao động, nuôi dạy con cái. Cho nên, ngày tết con cháu đi học, đi làm ăn xa về đoàn tụ càng làm cho gia đình hãnh diện với xóm làng.

Tại ấp 5, xã Sông Nhạn hình thành nên xóm Bình Định cùng lúc với các xóm dân cư Quảng Trị và miền Bắc. Người gốc Bình Định tham gia và giữ chức vụ lãnh đạo xã cũng nhiều, như: Phó trưởng công an xã Trương Quang Khánh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Bùi Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Văn Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Võ Linh Vương Thảo...

Thuộc nhóm người Bình Định về xã Sông Nhạn lập nghiệp đầu tiên, nhưng vì tập trung lo cho các con ăn học và tham gia công tác xã hội nên gia đình ông Trương Quang A (cha ông Thanh) không có nhiều đất sản xuất.

Ông Trương Quang Thanh cho hay người Bình Định khi vào xã Sông Nhạn chủ yếu đi làm kinh tế tự do nên nhiều đất đai hơn dân các tỉnh khác (chủ yếu về xã Sông Nhạn làm công nhân cao su). Khi mới vào Sông Nhạn, dân Bình Định còn khó khăn. Bây giờ thì ngược lại, nhờ có nhiều đất và biết cách làm ăn, đất đai lại có giá nên cuộc sống của dân Bình Định ở Sông Nhạn không thua kém các hộ dân khác.

Bình Định vốn nổi tiếng với các loại đặc sản vùng quê, như: bánh tráng gạo, rượu (Bàu Đá, Trung Thứ), mắm cua... Khi vào xã Sông Nhạn, người Bình Định cũng làm những món làng quê dung dị ấy để bán cho dân đồng hương mà không cần phải mang từ quê vào.

Ông Ngô Tùng Đạo (ngụ ấp 4) cho biết quê ông có loại rượu Trung Thứ nổi tiếng, được nấu từ nếp và đậu xanh nên hương vị rất đặc biệt. Do rượu Trung Thứ nấu rất cầu kỳ, giá thành cao nên vợ chồng ông chỉ nấu loại rượu gạo theo kiểu truyền thống để cung cấp cho bà con trong xã.

Bà Bông (vợ ông Đạo) vốn là thợ tráng bánh nổi tiếng ở quê. Theo ông Đạo vào xã Sông Nhạn lập nghiệp, bà vẫn tiếp tục làm nghề được thêm 15 năm mới chịu nghỉ ngơi. Bà Bông tâm sự dù nghề tráng bánh lãi thấp hơn nấu rượu nuôi heo, nhưng bà vẫn chịu khó tráng ra những chiếc bánh gạo, bánh tráng mè nhúng, bánh tráng nướng mà dân Bình Định quen miệng trong các bữa cơm, tiệc tùng. Bánh tráng Bình Định làm từ hạt gạo, nguồn nước ở Sông Nhạn nhưng do bàn tay người Bình Định làm ra nên vẫn giữ được hương vị gốc.

Dân Bình Định ở Sông Nhạn mỗi khi đón đồng hương đến thăm nhà đều có những món quê đãi khách, như: canh chua, mắm cua, mắm cá, rượu... Tuy vậy, cái chất giọng đặc sệt Bình Định của lớp người Bình Định lớn tuổi ở xã Sông Nhạn thì đã lơ lớ; riêng thế hệ trẻ gần như mất chất giọng nên dễ lầm tưởng là dân Đồng Nai hoặc TP.Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Đăng Hiếu nói vui dù con cháu không nói được giọng Bình Định đặc sệt, nhưng dòng máu Bình Định vẫn chảy trong người, thể hiện qua sự hiếu học, cần cù, chịu thương chịu khó.

* Bỏ võ theo văn

Ông Hồ Đăng Hiếu quê ở thôn Hội Thuận (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ). Vì là dân Bình Định nên ông cũng biết chút võ phòng thân và dạy cho các con.

Bà Nguyễn Thị Bông vẫn duy trì nghề làm bánh tráng, nấu rượu nuôi heo khi về xã Sông Nhạn lập nghiệp
Bà Nguyễn Thị Bông vẫn duy trì nghề làm bánh tráng, nấu rượu nuôi heo khi về xã Sông Nhạn lập nghiệp

Thời trẻ, ông Hiếu cũng được người thân truyền dạy võ thuật. Thanh thiếu niên thời đó ngoài việc học văn hóa còn được cha mẹ gửi vào các lò võ rèn luyện thêm ý chí và sức khỏe. Vì lẽ đó, dù không phải là người giỏi võ và mê võ, nhưng ông Hiếu cũng được lớp người lớn tuổi trong làng, trong dòng họ truyền dạy chút ít đòn thế để tự vệ. Từ những gì đã học được, ông Hiếu dạy lại cho các con khi về xã Sông Nhạn sinh sống. Lý do ông Hiếu dạy võ cho con là vì đường từ nhà đến trường heo hút, các con ông phải đi học một mình nên học vài thế võ để phòng thân.

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Sông Nhạn Bùi Văn Thọ cho hay theo những gì ông biết, người Bình Định ở Sông Nhạn không phải ai cũng biết võ Bình Định. Hiện ông chỉ biết nhà ông Trần Tạc (ngụ ấp 2) có người giỏi võ Bình Định. Lý do người Bình Định bỏ võ theo văn vì ở Sông Nhạn không có võ sư Bình Định mở lò dạy võ, phần vì lớp trẻ Bình Định ở Sông Nhạn thi đua nhau vào giảng đường đại học.

Ông Hồ Đăng Hiếu có 4 cô con gái thì có 3 người học đại học. Ông Võ Văn Thành Khoa (ngụ ấp 5) dù kinh tế còn khó khăn, nhưng vợ chồng ông cũng gắng sức nuôi 5 con học đại học. Ông Ngô Tùng Đạo có 4 con học đại học...

Ông Bùi Văn Thọ cho hay gần như hộ gia đình Bình Định nào ở xã Sông Nhạn cũng có con học đại học. Lý do con em Bình Định ở đây thi đua nhau vào giảng đường đại học một phần do các em được gia đình quan tâm và động viên, phần vì không muốn thua kém bạn bè cùng trang lứa.

Mấy chục năm lập nghiệp ở vùng cao su Sông Nhạn, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con ăn học thành tài, người Bình Định còn chung tay cùng với chính quyền trong các phong trào: xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự... với hàng ngàn ngày công lao động, trên 2 tỷ đồng trong việc đóng góp với chính quyền địa phương làm đường giao thông, kéo điện sinh hoạt, sản xuất.

Ông Trương Quang Thanh bộc bạch ông tự hào là con em Bình Định khi cùng với người dân trong xã góp phần xây dựng xã Sông Nhạn ngày càng giàu đẹp, đoàn kết và phát triển.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều