Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người dựng lên tượng đài bất diệt (bài 1)

11:07, 10/07/2017

Trải qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, cũng như nhiều địa phương trên dải đất hình chữ S Việt Nam này, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, các chiến trường ác liệt…ở Đồng Nai đều có những tượng đài vinh danh quân và dân; bia ghi công các anh hùng, liệt sĩ.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, cũng như nhiều địa phương trên dải đất hình chữ S Việt Nam này, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, các chiến trường ác liệt… ở Đồng Nai đều có những tượng đài vinh danh quân và dân; bia ghi công các anh hùng, liệt sĩ. Gắn với những tượng đài đó là sự mất mát, hy sinh của bao thế hệ người đi trước để giành lại và giữ gìn nền độc lập, hòa bình cho Tổ quốc.

Cựu chiến binh Lý Chơn Từ (Chín Từ) nay ở tuổi 80.
Cựu chiến binh Lý Chơn Từ (Chín Từ) nay ở tuổi 80.

 Bài 1: Dấu ấn Sân bay Biên Hòa

Sân bay Biên Hòa được thực dân Pháp xây dựng trước năm 1945 và sau đó chính quyền Sài Gòn xây dựng, mở rộng thành sân bay quân sự. Sân bay quân sự Biên Hòa một thời ghi dấu chiến công hiển hách và cả sự hy sinh mất mát của quân và dân Biên Hòa trong kháng chiến chống Mỹ.

Sân Bay Biên Hòa - 1960s'
Sân Bay Biên Hòa - 1960s'

Những ngày tháng 7 này, trong không khí cả nước sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, cựu chiến binh Phùng Duy Tường (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 1 Đặc công Biên Hòa), cựu chiến binh Lý Chơn Từ (thuộc Ban quân lực Trung đoàn 4, Sư đoàn 5) lại dậy lên niềm tự hào về những chiến công và lòng da diết nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968.

* Chiến thắng và mất mát

Sân bay quân sự Biên Hòa được chính quyền Sài Gòn mở rộng với diện tích khoảng 49km2 với 2 đường băng dài 3.600m và 1.000m. Hệ thống phòng thủ sân bay nhiều tầng lớp rào, canh gác cẩn mật và có hệ thống ra đa, chỉ huy liên lạc hiện đại. Bên trong sân bay có 6 khu vực rộng, chứa 170-190 máy bay và khu làm việc của 500 sĩ quan, phi công, nhân viên kỹ thuật, binh lính Mỹ. Nơi đây, chính quyền Sài Gòn tập trung nhiều loại máy bay quân sự.

Vào ngày 31-10-1964, sau nhiều tháng chuẩn bị, Đoàn pháo binh Miền phối hợp với lực lượng cách mạng Biên Hòa tập kích Sân bay Biên Hòa. Bộ chỉ huy Miền chỉ định các đồng chí Lương Văn Nho (Hai Nhã), Nguyễn Văn Bứa (Hai Hồng Lâm) chỉ huy trận tấn công.

23 giờ 30, pháo cối của quân cách mạng bắt đầu cấp tập nã vào sân bay. Sân bay Biên Hòa bùng lên những đám cháy lớn, tiếng nổ mạnh làm rung chuyển khu vực lân cận. Sau hơn 15 phút tấn công, các lực lượng tham gia trận đánh nhanh chóng rút về cứ an toàn. Địch bị thiệt hại nặng với 59 máy bay bị phá hủy (trong đó có 21 máy bay B57, 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2), 2 kho đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát, 18 căn trại lính bị phá hủy, tổng cộng có 253 tên địch bị thương và chết.

Hơn 3 năm sau, vào đêm 30 Tết Mậu Thân (ngày 31-1-1968), ĐKB của Trung đoàn 724, pháo binh Miền bắt đầu nổ, báo hiệu cho cuộc tổng công kích vào Sân bay Biên Hòa. Lực lượng ta dội pháo vào Sân bay Biên Hòa rất ác liệt khiến máy bay địch không thể cất cánh, địch vô cùng hoảng loạn.

Căn cứ không quân Biên Hòa, 1966-1972. ( Sân bay Biên Hòa, Trung Dũng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam)
Căn cứ không quân Biên Hòa, 1966-1972. ( Sân bay Biên Hòa, Trung Dũng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam)

Cuộc chiến giữa ta và địch tại Sân bay Biên Hòa diễn ra ác liệt và giằng co trong 2 ngày mùng 1 và 2 Tết Mậu Thân 1968. Lực lượng quân đội Mỹ  và chính quyền Sài Gòn đông gấp nhiều lần so với ta, liên tiếp được chi viện nhiều vũ khí hiện đại, như: xe tăng, thiết giáp, máy bay, pháo binh…

Do cuộc chiến không cân sức, bộ đội ta hy sinh rất nhiều và phải rút về căn cứ. Tuy nhiên, trong trận Tết Mậu Thân 1968, lực lượng ta đã tiêu diệt 49 xe tăng và xe thiết giáp, phá hủy 5 máy bay, 2 kho chứa đạn, đồng thời làm thương vong hàng trăm tên địch.

* Ký ức khó quên

Trong kháng chiến chống Mỹ, Sân bay Biên Hòa luôn là mục tiêu của quân và dân Biên Hòa đánh phá để làm suy yếu tinh thần địch.

Năm 1994, cụm tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa được xây dựng ở gần sân bay (thuộc địa bàn phường Trung Dũng). Cụm tượng đài có 4 hình tượng nhân vật hiên ngang trên một phần xác máy bay địch với người chiến sĩ pháo binh ôm quả đạn cối reo mừng chiến thắng; chiến sĩ bộ binh giữ chặt súng trường trong tư thế tiến công; bộ đội đặc công ôm khối thuốc nổ hướng thẳng mục tiêu và cô dân quân nhẹ nhàng với tay chèo hài hòa thể hiện sự đoàn kết, kề vai sát cánh, phối hợp chiến đấu để làm nên chiến thắng vẻ vang.

Cựu chiến binh Lý Chơn Từ (Chín Từ ngụ KP.5, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) kể lại, để chuẩn bị cho trận đánh Sân bay Biên Hòa vào Tết Mậu Thân 1968, ông được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp nhận con người và vũ khí cho trận đánh. Đêm 30 tết, ông cùng đơn vị rời căn cứ (vùng rừng Cây Gáo - Bàu Hàm - Mã Đà...) hành quân bí mật về đánh Sân bay Biên Hòa trong tư thế sẵn sàng hy sinh để chiến thắng.

Hành quân đến hóc Bà Thức (nay thuộc phường Tân Phong), ông ở lại sở chỉ huy dã chiến tại đồi Mô Tô làm nhiệm vụ. Trận đánh được mở màn bởi những tiếng pháo DKB hướng vào Sân bay Biên Hòa và bộ đội giải phóng từ các mũi tiến công thẳng vào Sân bay Biên Hòa. Vì lực lượng không cân sức, bộ đội ta phải rút về căn cứ sau nhiều ngày đêm chiến đấu.

Còn cựu chiến binh Phùng Duy Tường (ngụ KP.2, phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) thì kể, được lệnh xung phong, ông và đơn vị phá hàng rào xông lên. Bọn lính ở công sự phía trước bắn xối xả ngăn sự xâm nhập của lực lượng đặc công ta. Sau khi bắn 1 quả B41 tiêu diệt được lô cốt địch, ông và đơn vị tấn công sâu hơn vào vòng trong. Lúc đầu, địch còn bị động nên bộ đội ta chiếm được nhiều vị trí hiểm yếu. Sau đó, địch dùng hỏa lực pháo, trực thăng, xe tăng, xe bọc thép phản công mạnh, dẫn đến bộ đội ta hy sinh nhiều và mất dần các vị trí hiểm yếu vừa chiếm được.

Sau 1 ngày, 1 đêm chiến đấu, ông Tường và 2 đồng đội bị thương, bị kẹt lại giữa vòng vây của địch nhưng vẫn mưu trí rút về hướng đồi Mô Tô, nơi sở chỉ huy đóng chân an toàn.

Đến sáng mùng 3 Tết Mậu Thân, địch dội bom, bắn pháo, cho xe tăng càn quét đồi Mô Tô nên sở chỉ huy và bộ đội được lệnh rút về căn cứ. Trên đường rút về căn cứ, bộ đội ta liên tục gặp phải những trận phục kích của địch nên thương vong nhiều.

Nhìn đồng đội ngã xuống, bị xe tăng địch vùi xác dưới bánh xích cựu chiến binh Tường vẫn cùng đồng đội đánh trả quyết liệt. Dù bom, pháo hất văng khỏi vị trí ẩn nấp, ông và đồng đội vẫn vừa đánh vừa tải thương binh về căn cứ. Để chặn đường rút của bộ đội ta, địch tiếp tục triển khai quân mật phục, truy quét nên cuộc chiến ác liệt đến tận rừng sâu.

Khi chiến trường im tiếng súng, 70 chiến sĩ đặc công thuộc đơn vị của ông Tường (Tiểu đoàn 1 Đặc công Biên Hòa) chỉ còn 10 người sống sót, trong đó có 5 người bị địch bắt tù đày.

Cựu chiến binh Tường cho hay trận đánh Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968, dù bộ đội ta không đạt được chiến thuật, chiến lược như kế hoạch đã định, nhưng đã gây tổn thất rất lớn đối với quân địch.

Sau Mậu Thân 1968, các ông Từ và Tường tiếp tục cùng đồng đội kiên trung bám căn cứ, bám dân chiến đấu với sự ruồng bố khắc nghiệt của kẻ thù. Để rồi, vào ngày 30-4-1975, các ông và đồng đội hiên ngang trên khắp đường phố Biên Hòa mừng đất nước thống nhất và nay ngồi kể lại một thời vào sinh ra tử mà lòng da diết nhớ về đồng đội ngã xuống.

Đoàn Phú

Bài 2: Phía sau tuyến lửa Long Khánh

 

Tin xem nhiều