Báo Đồng Nai điện tử
En

Đội Quân nhạc Trường sĩ quan lục quân 2

10:06, 21/06/2017

Trong các buổi lễ trang trọng của quân đội, tiếng kèn, trống của đội quân nhạc là một phần nghi lễ không thể thiếu, bảo đảm đúng nghi lễ quân đội, góp phần tăng thêm sự nghiêm trang và gây cảm xúc cho người tham dự.

Trong các buổi lễ trang trọng của quân đội, tiếng kèn, trống của đội quân nhạc là một phần nghi lễ không thể thiếu, bảo đảm đúng nghi lễ quân đội, góp phần tăng thêm sự nghiêm trang và gây cảm xúc cho người tham dự.

Các nhạc công dõi mắt theo sự chỉ huy của nhạc trưởng. Ảnh: Đ. Tùng
Các nhạc công dõi mắt theo sự chỉ huy của nhạc trưởng. Ảnh: Đ. Tùng

Ít ai biết để có được những buổi biểu diễn, phục vụ như thế, đội quân nhạc phải trải qua những giờ dài luyện tập, có khi hàng tháng liền, có những buổi phải đứng dưới nắng hè gay gắt.

* Đội quân đặc biệt

Đại úy Phạm Văn Hải cho biết: “Ngoài các tiêu chuẩn chung dành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tiêu chuẩn để đưa người đi đào tạo quân nhạc còn có yêu cầu về năng khiếu, không mắc các bệnh hô hấp. Trước mỗi buổi lễ, công việc đầu tiên của nhạc công là phải kiểm tra tất cả nhạc cụ, trang phục, dợt lại lần cuối một số bài sẽ biểu diễn hôm đó, nếu có sự cố xảy ra sẽ kịp thời khắc phục. Nhạc cụ biểu diễn làm bằng kim loại (chủ yếu bằng đồng) nên khá nặng, như cây kèn Baritone nặng khoảng 5kg, cá biệt có cây Basse nặng đến 15kg nên cần dây đeo vai để hỗ trợ khi đứng biểu diễn”.

Trong quân phục trang nghiêm, Đội Quân nhạc của Trường sĩ quan lục quân 2 (Trường đại học Nguyễn Huệ) kiểm tra lại các nhạc cụ lần cuối rồi đứng thành đội hình như quy định. Trung úy Nguyễn Thành Công (Đội trưởng kiêm Nhạc trưởng) bước lên phía trước, bắt đầu buổi luyện tập hàng ngày. 20 nhạc công nhìn về phía nhạc trưởng rồi bắt đầu cho buổi luyện tập bài Tiến bước dưới quân kỳ, nền nhạc thường dùng trong những buổi diễu binh, diễu hành. Tiếng kèn, tiếng trống vang lên theo sự chỉ huy của nhạc trưởng. Từng bước chân tập điều lệnh của các học viên gần đó trở nên mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn trên nền nhạc.

Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, Trung úy Công cho hay tất cả các nhạc công của đội đều được đào tạo cơ bản từ Trường đại học văn hóa nghệ thuật quân đội nên tốt nghiệp về đơn vị là có thể nhanh chóng bắt nhịp với toàn đội luyện tập và biểu diễn. Hơn nữa, nhờ những thành viên gắn bó lâu năm với đội từ những ngày đầu mới thành lập (năm 1995) hỗ trợ, các nhạc công trẻ nhanh chóng hòa nhập cùng đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên, cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng phục vụ, biểu diễn của đội quân nhạc.

Đội Quân nhạc Trường sĩ quan lục quân 2 luyện tập vào mỗi buổi sáng trong tuần.
Đội Quân nhạc Trường sĩ quan lục quân 2 luyện tập vào mỗi buổi sáng trong tuần.

Trung úy Công cho biết thêm: “Mỗi năm, đơn vị chúng tôi đi biểu diễn, phục vụ khoảng 15-20 lần. Đó là chưa kể các buổi chào cờ đầu tháng và các ngày lễ của trường, như: khai giảng năm học mới, kỷ niệm ngày thành lập trường, lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên ra trường… Nhiều lúc yêu cầu phục vụ của các cơ quan, đơn vị bên ngoài trùng với các dịp lễ lớn mà nhà trường tổ chức nên lãnh đạo, chỉ huy nhà trường yêu cầu đội quân nhạc phải sắp xếp thật hợp lý, nhưng vẫn tập trung làm nhiệm vụ chính. Chúng tôi đã đi biểu diễn phục vụ tại các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên, và phục vụ nhiều nhất vẫn là lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, các nghi lễ ở tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị bạn trên địa bàn đóng quân”.

Là một trong những thành viên gắn bó với Đội Quân nhạc Trường sĩ quan lục quân 2 từ những ngày đầu thành lập, Đại úy Phạm Văn Hải (Phó đội trưởng) cho biết năm 1995, theo yêu cầu nhiệm vụ của trường, anh và một số đồng đội là chiến sĩ nghĩa vụ quân sự ở trường lúc đó được chọn đi đào tạo nhạc công để về thành lập đội. Lâu dần, mọi người quen với môi trường mới, nhiệm vụ mới rồi niềm đam mê âm nhạc từ đó lớn dần trong anh.

“Cùng với các bộ phận phục vụ lễ khác, chúng tôi luôn phải có mặt từ sớm trong các buổi lễ. Như buổi chào cờ đầu tháng, đúng 7 giờ bắt đầu thì từ 6 giờ 30 đội quân nhạc phải lễ phục chỉnh tề, có mặt đầy đủ, kiểm tra lại lần cuối. Trước hàng ngàn con người đứng nghiêm dưới quốc kỳ, không thể để xảy ra một sai sót nào, nhất là khi tiếng kèn, trống của chúng tôi nổi lên đầu tiên, to nhất, rõ nhất, ai cũng chú ý lắng nghe và hơn hết là một phần không thể thiếu giúp tăng sự nghiêm trang. Vì vậy, quá trình luyện tập đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả dàn nhạc” - Đại úy Hải bộc bạch.

* Phía sau màu áo nghi lễ

Một lần biểu diễn trong buổi chào cờ đầu tháng của Trường sĩ quan Lục quân 2 chỉ diễn ra vài phút, một buổi lễ trung bình chỉ kéo dài 1-2 giờ, nhưng quá trình luyện tập của các buổi đó có khi kéo dài cả tháng.

Như dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đội quân nhạc Trường sĩ quan Lục quân 2 đã phối hợp cùng Đội Quân nhạc Quân khu 7 và Quân đoàn 4 để cùng biểu diễn tại buổi lễ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, các nhạc công của trường đã có 3 tháng ăn ngủ, luyện tập tại TP.Hồ Chí Minh bất kể cái oi nồng đầu hè nơi thành phố đông đúc.

“Khu vực Đông Nam bộ có 3 đội quân nhạc lớn của Trường sĩ quan Lục quân 2, Quân khu 7 và Quân đoàn 4. Anh em đi biểu diễn, phục vụ chung với nhau nhiều lần, có lúc hỗ trợ nhau về nhân lực… nên chỉ vài buổi luyện tập chung là mọi người phối hợp nhuần nhuyễn trong từng tác phẩm. Tuy vậy, suốt 3 tháng ròng rã, cả 3 đội phấn đấu luyện tập cho “nhuyễn” hơn nữa để chuẩn bị phục vụ và biểu diễn tốt trong ngày lễ trọng đại kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng đồng hành với khối quân nhạc, các khối: diễu binh, diễu hành, khối nền cũng rất vất vả, có người bị té vì nắng nóng. Khối quân nhạc tuy đỡ hơn, nhưng phải đứng liên tục vài giờ. Dù chưa có người bị ngã, nhưng có vài trường hợp bị chóng mặt do đứng lâu và tập trung cao độ” - Đại úy Trần Trung Thực (Phó đội trưởng Đội Quân nhạc Trường sĩ quan Lục quân 2) chia sẻ.

Với họ, biểu diễn vừa là nhiệm vụ vừa là đam mê. Trong những lần đi biểu diễn dù xa hay gần, lễ nhỏ hay lớn, các nhạc công vẫn luôn tập trung hết mình, vì dù nhiệm vụ biểu diễn ở các buổi lễ lớn hay nhỏ vẫn có những “tai nạn nghề nghiệp” bất ngờ.

Đại úy Phạm Văn Hải kể về lần biểu diễn cách đây hơn 10 năm. Khi đó, đội quân nhạc ngồi một bên khán đài, bỗng dưng những bình khí nén ở khán đài bên kia phát nổ, thổi bay một góc khán đài và làm một người bị thương, may mắn là đội quân nhạc không  xảy ra chuyện gì.

“Nhìn chung, kỷ niệm bao nhiêu năm làm nhạc công chỉ toàn là những chuyến đi diễn xa ở các tỉnh. Niềm vui nhất của người nhạc công quân nhạc là khi chúng tôi trỗi nhạc lên, tất cả mọi người đều lặng im chú ý. Cảm giác được biểu diễn trước cả trăm, cả ngàn người nghe và nhờ công sức của mình mà buổi lễ mới thêm phần trang trọng thì không phải ai cũng có thể trải qua được”  - Đại úy Phạm Văn Hải tâm sự.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều