Báo Đồng Nai điện tử
En

Lê Tân - nhà báo chuyên làm... tổng biên tập

10:06, 18/06/2017

Nghỉ hưu và rời Đồng Nai về Thanh Hóa sống đã 25 năm, ông Lê Tân (thường được gọi là Hai Tân) nay ở tuổi 95 với mái tóc bạc phơ, đi đứng phải dùng gậy nhưng đầu óc lại minh mẫn lạ thường.

Nghỉ hưu và rời Đồng Nai về Thanh Hóa sống đã 25 năm, ông Lê Tân (thường được gọi là Hai Tân) nay ở tuổi 95 với mái tóc bạc phơ, đi đứng phải dùng gậy nhưng đầu óc lại minh mẫn lạ thường. Gặp lại tôi, “lính cũ” của ông ở Đồng Nai, ông nắm chặt tay, mừng đến rơi nước mắt và bắt tôi phải ăn với gia đình ông một bữa cơm. Rồi ông gọi điện bảo các con trai, con dâu về gấp để làm cơm đãi “người bạn thân tình” ở Đồng Nai.

Vợ chồng ông Lê Tân - bà Lê Thị Xuyến.
Vợ chồng ông Lê Tân - bà Lê Thị Xuyến.

Biết tôi vừa từ Thanh Hóa đi liên tiếp 2 chuyến đến Mường Lát - Sài Khao và cửa khẩu Na Mèo để qua Sầm Nưa bên Lào, mắt ông Hai Tân lấp lánh niềm vui. “Làm báo thì phải đi như cháu mới thích. Chú có đọc một số bài báo cháu đi chỗ này chỗ nọ viết bài, chú rất phục một người làm báo đam mê, nhiệt tình như cháu...” - ông Hai Tân nói.

* Đi đầu trong tuyên truyền gương điển hình

Tôi quá bất ngờ và lúng túng trước lời khen ngợi của một nhà báo kỳ cựu có tuổi đời cao hơn tôi đến 2 con giáp và từng là tổng biên tập mà tôi cùng những đồng nghiệp cùng thời ở Báo Đồng Nai kính trọng thực sự về tài năng lẫn nhân cách, đạo đức.

Hơn 40 năm cầm bút, sống qua 5 đời tổng biên tập ở Báo Đồng Nai và cũng có nhiều dịp đi đó đi đây, quan hệ, giao du với một số tổng biên tập của các tờ báo lớn, nhỏ trong nước, tôi ngẫm ra trong số nhà báo làm tổng biên tập “chuyên nghiệp” như ông Hai Tân là trường hợp khá hiếm hoi. Bước vào nghề báo, ông Lê Tân làm ngay tổng biên tập: 15 năm làm Tổng biên tập Báo Thanh Hóa (1962-1977) và hơn 5 năm làm Tổng biên tập Báo Đồng Nai (1977-1983).

Hành trình vào nghề... tổng biên tập của ông Lê Tân khá lý thú. Do xuất thân từ thành phần tiểu tư sản trí thức (con trai cụ Đồ Nam, tỉnh Hưng Yên) nên ông tham gia cách mạng từ ngày 15-6-1945 nhưng mãi đến 4 năm sau, khi đã là Trưởng phòng Thông tin huyện, ông Lê Tân mới được xét kết nạp vào Đảng và trở thành đảng viên chính thức trước thời hạn 2 tháng. Sau đó, trong buổi mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 Cách mạng Tháng Mười Nga (ngày 7-11-1950) và mừng chiến thắng biên giới, đảng viên trẻ Lê Tân đã nhạy bén và sắc sảo đập tan luận điệu phản động của một phần tử cơ hội lợi dụng diễn đàn để vu khống chế độ. Cuộc đấu tranh chính trị trực diện này đã góp phần đưa ông Lê Tân trở thành Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Giữa năm 1961, khi Bộ Chính trị cho phép Tỉnh ủy Thanh Hóa thành lập tờ báo Đảng thì ông Lê Tân được chọn làm tổng biên tập. Chỉ qua một lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí 6 tháng ở Hà Nội, Tổng biên tập Lê Tân cùng với bộ sậu ban đầu mới toanh tổng cộng 14 người (chỉ hưởng lương, thời đó nhà báo chưa có chế độ nhuận bút) đã ra số Báo Thanh Hóa đầu tiên ngày 20-3-1962.

Trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ hết sức ác liệt, thiên tai uy hiếp thường xuyên, Tổng biên tập Lê Tân đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn và linh động, sáng tạo 3 chức năng của báo chí cách mạng (tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể) khi chỉ đạo cán bộ biên tập, phóng viên Báo Thanh Hóa bám sát địa bàn, cơ sở kịp thời phát hiện, cổ vũ thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới. Qua đó, từ Hợp tác xã Hạnh Phúc với phong trào làm bờ vùng, bờ thửa đã phát triển thêm Hợp tác xã Đông Phương Hồng thâm canh toàn diện được mở thành phong trào thi đua theo gương điển hình trong toàn tỉnh.

Cách làm của Báo Thanh Hóa gây được tiếng vang. Báo Nhân Dân nhập cuộc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, viết bài chỉ đạo đăng trên Báo Thanh Hóa… Tiếp đó, chiến thắng Hàm Rồng, chiến công bắn cháy máy bay Mỹ lần đầu tiên bằng súng bộ binh của dân quân xã Minh Khôi… được kịp thời cổ vũ, phát huy khí thế lập công. Nổi bật là phối hợp phát động các phong trào: “Thi đua 3 giỏi với Hải Lĩnh”, “Thi đua thâm canh lúa với Hợp tác xã Đông Phương Hồng phấn đấu đưa Thọ Xuân thành huyện 5 tấn”, “Thực hiện cánh đồng 7 tấn thắng Mỹ”, “Trời làm mất, bắt đất phải đền”…

* Nghiệp báo tròn ý Đảng, lòng dân

Được Trung ương điều về Đồng Nai, ông Lê Tân là tổng biên tập thứ 2 của Báo Đồng Nai, nhưng cũng có thể xem là tổng biên tập chuyên nghiệp đầu tiên của báo, vì người tiền nhiệm là đồng chí Lê Tư Huyền, lúc ấy là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chỉ làm tổng biên tập kiêm nhiệm trong năm đầu tiên báo mới thành lập.

Phát huy kinh nghiệm nhân điển hình tiên tiến ở Báo Thanh Hóa, Tổng biên tập Lê Tân đã hướng dẫn đội ngũ phóng viên Báo Đồng Nai còn rất non trẻ về tuổi nghề lẫn tuổi đời phối hợp cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương “làm nên” những phong trào thi đua khá rầm rộ, khởi đầu từ Hưng Lộc, mở rộng ra toàn huyện Trảng Bom rồi Xuân Lộc, Biên Hòa... Qua đó, nhiều cây bút mới chập chững vào nghề đã nhanh chóng trưởng thành, khẳng định được tên tuổi trong làng báo.

Nghe nói, vào khoảng năm 1990, một ông thầy thuốc Bắc ở Phúc Hải nhìn ông tổng biên tập già Hai Tân (lúc ấy ông mới 68 tuổi) một hồi rồi phán câu xanh dờn: “Ông có đôi tai đẹp lắm, ông sẽ sống đến năm 94 tuổi”.

Năm nay, ông Lê Tân đã 95 tuổi, vẫn duy trì việc tập thể dục, ăn uống điều độ và nắm khá rõ tình hình thời sự trong nước và quốc tế do người con trai là nhà giáo Lê Hải Châu đọc cho ông nghe mỗi ngày. Đặc biệt, đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng năm nào trên các tờ báo xuân ở Đồng Nai, Thanh Hóa cũng có đôi câu đối rất thời sự của ông Lê Tân.

Uống một ly rượu nhỏ để mừng một người “lính” hơn 20 năm mới gặp lại, cựu Tổng biên tập Lê Tân chia sẻ: “Chú rất mừng là đội ngũ làm báo bây giờ được đào tạo, học hành bài bản và được trang bị kiến thức, kỹ thuật hỗ trợ rất tiên tiến, hiện đại; nhưng thách thức của nghề báo trong thời đại đa phương tiện truyền thông này lớn lắm. Ngoài việc thủ đắc tất cả kỹ năng nghề nghiệp, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định. Đặc biệt là không bao giờ để mất niềm tin. Mất niềm tin là tự đánh mất mình!”.

Bộc bạch một chút riêng tư, với thái độ lạc quan, ông Hai Tân cho biết: “Ở tuổi này tôi không còn đam mê nào nữa, chỉ mong gặp lại bạn bè để chuyện trò, tâm sự với nhau. Hiện tôi sống rất thanh thản, không bắt con cái phải lo gì cho mình. Mọi chuyện nhà cửa, đất đai, công ăn việc làm của các con, tôi đều đã dàn xếp ổn thỏa”.

Nhìn mái tóc bạc phơ và giọng nói nhẹ nhàng, điềm đạm của ông Hai Tân, tôi bất giác nhìn lên bức tường, đọc đôi câu đối mà một người bạn tâm giao đã viết tặng cho ông cách nay đúng 10 năm: “Nghiệp báo tròn ý Đảng lòng dân, tóc bạc da mồi tâm vẫn đẹp. Đường đời thấu nhân tình đạo lý, chân chồn gối mỏi trí còn minh”.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều