Báo Đồng Nai điện tử
En

Trân trọng chuyện khen người

10:11, 13/11/2016

Từng là người lính, ông Nguyễn Hòa (Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh) thấu hiểu sự hy sinh, mất mát của bao anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Từng là người lính, ông Nguyễn Hòa (Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh) thấu hiểu sự hy sinh, mất mát của bao anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Vì vậy, việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho họ đòi hỏi người làm công tác thi đua - khen thưởng như ông phải thận trọng, tỉ mỉ và đầy trách nhiệm.

Ông Nguyễn Hòa, “cây sáng kiến” của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh.
Ông Nguyễn Hòa, “cây sáng kiến” của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh.

Mấy chục năm làm công tác thi đua - khen thưởng, ông Nguyễn Hòa nhận thấy nhiều người tuy có sáng kiến hay, nhưng lại chật vật trong việc viết báo cáo tóm tắt sáng kiến để trình cấp có thẩm quyền công nhận, để làm căn cứ xét khen thưởng.

Cây sáng kiến

Vì vậy, vào năm 2011, sáng kiến “Viết báo cáo tóm tắt sáng kiến” của ông Hòa đã được Hội đồng Thẩm định sáng kiến của tỉnh công nhận. Với sáng kiến này, ông Hòa đã được lãnh đạo các cấp xét công nhận và tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Ông Hòa cho biết thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và không ngừng phát triển trên toàn tỉnh. Từ phong trào này, nhiều cá nhân lập được thành tích xuất sắc, có những biện pháp, giải pháp, sáng kiến, cải tiến... trong công việc, mang lại năng suất và hiệu quả cao trong công tác. Tuy nhiên, khi được đề nghị viết báo cáo sáng kiến, nhiều người rất e ngại vì không biết viết báo cáo như thế nào cho hợp lý. Qua sáng kiến của ông Hòa, thể hiện qua Văn bản số 453/BTĐKT ngày 18-7-2007 hướng dẫn viết báo cáo sáng kiến ra đời, nhiều cá nhân trong tỉnh đã sử dụng mẫu báo cáo sáng kiến này để viết báo cáo sáng kiến.

Ông Nguyễn Hòa (thứ 4 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp.
Ông Nguyễn Hòa (thứ 4 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp.

Năm 2013, ông Hòa lại cho ra sáng kiến “Biện pháp xác định cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật giao thông”. Sáng kiến được trình và được Hội đồng Thẩm định sáng kiến tỉnh công nhận.

Ông Hòa chia sẻ từ sáng kiến đó, lực lượng cảnh sát giao thông khi lập biên bản các đối tượng vi phạm pháp luật giao thông chỉ cần ghi thêm số giấy chứng minh nhân dân của người vi phạm, rồi đối chiếu danh sách lưu trữ sẽ biết được đối tượng vi phạm công tác ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào. Điều này thuận tiện cho việc thông báo cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương người vi phạm biết và làm căn cứ để xét thi đua cuối năm (nếu là cán bộ, công chức, viên chức).

Ngày 22-5-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhưng thời điểm đó các bộ, ngành Trung ương lại chưa ban hành thông tư hướng dẫn nên việc thực hiện ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, hồ sơ đề nghị còn sai sót rất nhiều. Lúc bấy giờ, ông Hòa lại có sáng kiến “Hướng dẫn liên tịch việc tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhằm tháo gỡ cái vướng khi có luật, nghị định nhưng lại thiếu thông tư hướng dẫn chi tiết, dẫn đến việc lập hồ sơ còn lúng túng.

Ông Hòa kể, ngày 16-10-2013, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh đã có Tờ trình số 1734/LĐTBXH-NCC và ngày 12-11-2013, UBND tỉnh có 2 tờ trình số 9697/TTr-UBND và 9698/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 202 bà mẹ ở tỉnh Đồng Nai. Tất cả 202 hồ sơ đó đều bị trả lại với lý do chưa đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn, chưa hoàn chỉnh.

Từ sáng kiến của ông Hòa, 3 cơ quan: Sở Nội vụ, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã có Công văn liên tịch số 514/HĐLT-SNV-SLĐTBXH-BCHQS tháo gỡ vấn đề này. Nhờ vậy, ngoài 202 trường hợp trước đó, cộng thêm hơn 400 hồ sơ mới đã nhanh chóng được hoàn tất hồ sơ để trình và được Chủ tịch nước ký 8 quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 660 bà mẹ thuộc tỉnh Đồng Nai mà không có trường hợp nào bị trả lại.

Trân trọng quá khứ

Trên 30 năm làm công tác thi đua - khen thưởng, ông Nguyễn Hòa liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; bằng khen của UBND tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vào năm 2010. Ông Hòa bày tỏ, ông rất vui khi đề nghị khen thưởng người khác và càng vui hơn khi được cơ quan, đồng nghiệp đề nghị khen mình. Cho nên, mỗi lần bản thân được vinh danh, khen thưởng, ông đều trân trọng từng tấm giấy khen, bằng khen và xem đó là kỷ vật ghi nhớ điều ông đóng góp cho cơ quan, đơn vị khi về hưu.

Trên 30 năm làm công tác thi đua - khen thưởng và trực tiếp phụ trách mảng tổng kết thành tích các giai đoạn cách mạng, như: phong tặng, truy tặng các huân chương, huy chương cho người tham gia, giúp đỡ kháng chiến; danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ…, ông Hòa cho rằng đó là việc làm rất khó khăn vì những người được đề nghị khen thưởng phần lớn không còn, hoặc già yếu, hồ sơ không hoàn chỉnh... Tuy vậy, với trách nhiệm của người làm công tác giải quyết chính sách, ông Hòa tâm niệm phải cùng với người nhà, chính quyền, tổ chức, đơn vị của họ hoàn tất hồ sơ để đề nghị Trung ương xem xét phong tặng, truy tặng các danh hiệu và thực hiện chính sách cho họ.

Việc hoàn tất hồ sơ để đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho những người có công, có thành tích trong quá khứ tuy khó nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc đối với ông Hòa.

Ông Hòa tâm sự, mỗi trường hợp được ông tham mưu tháo gỡ, hướng dẫn người nhà hoàn tất hồ sơ trình Đảng, Nhà nước, Chính phủ xem xét phong tặng, truy tặng thành công là cả một niềm vui lớn, bởi đó là chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tri ân những người có công, anh hùng, liệt sĩ. Nếu họ không được nhận thì đó là lỗi của người làm công tác này; hoặc đề nghị phong tặng, truy tặng không đúng đối tượng thì trách nhiệm và lỗi của người làm công tác như ông càng lớn hơn.

Vì vậy, để làm tốt lĩnh vực được phân công, ông Hòa không chỉ nghiên cứu kỹ lưỡng văn bản hướng dẫn, mà còn mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, tỉnh và các ban, ngành có liên quan để cho chính sách khen thưởng được thuận lợi, chuẩn xác, kịp thời.

Ông Hòa đúc kết kinh nghiệm qua 30 năm cống hiến của bản thân như sau: “Kỹ lưỡng, chặt chẽ trong từng trường hợp; tận tâm, trách nhiệm cao với công việc; giải quyết công việc dứt điểm, không để dây dưa kéo dài”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều