Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để tránh xa "bà hỏa"

10:09, 30/09/2016

Theo Thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, hơn 70% các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân từ các sự cố về điện.

[links()] Theo Thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, hơn 70% các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân từ các sự cố về điện. Do vậy, trong quá trình sản xuất - kinh doanh, các chủ cơ sở, doanh nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn PCCC và phải thường xuyên phối hợp với Cảnh sát PCCC xây dựng các phương án đảm bảo an toàn PCCC tại doanh nghiệp, cơ sở của mình.

Diễn tập chữa cháy tại Metro (TP.Biên Hòa).
Diễn tập chữa cháy tại Metro (TP.Biên Hòa).

* Để các khu công nghiệp không bị cháy, nổ

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích gần 10 ngàn hécta. Trong đó, có hơn 1,3 ngàn dự án có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước, giải quyết việc làm cho gần 500 ngàn lao động.

Do tính chất đặc thù, ở các khu công nghiệp chứa một khối lượng lớn vật tư, thiết bị sản xuất và phục vụ sản xuất, trong đó có nhiều đơn vị sản xuất các mặt hàng dễ cháy, như: giày da, may mặc, chế biến gỗ, chế biến thức ăn gia súc, dệt nhuộm... Do chỉ tập trung cho sản xuất - kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp ít quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC cho người lao động, chưa tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ PCCC, không xây dựng lực lượng chữa cháy cũng như phương án chữa cháy tại chỗ nên để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và tài sản.

Điển hình như vụ cháy tại Công ty TNHH bao bì V.L (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) ngày 25-6-2015 đã thiêu rụi máy móc, nhà xưởng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Vụ cháy tại Công ty G.V. (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) ngày 17-8-2015 đã làm chết 1 người. Vụ cháy Công ty TNHH Y. (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) vào tối 21-9-2015 đã thiêu rụi một nhà xưởng cùng toàn bộ hàng hóa (ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng), khiến gần 2 ngàn công nhân mất việc làm. Đầu năm nay, vụ cháy Công ty H.C.F. (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch) ngày 1-3 đã làm hàng ngàn m2 kho xưởng bị thiêu rụi…

Để đảm bảo an toàn PCCC phục vụ sản xuất - kinh doanh, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện công tác PCCC tại các địa phương, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai thường xuyên tổ chức họp giao ban với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để thông báo tình hình cháy, nổ và các giải pháp phòng ngừa, góp phần nâng cao ý thức pháp luật về PCCC cho các chủ doanh nghiệp. Mặt khác, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phải phối hợp tích cực với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ giữa các khu công nghiệp và giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trước hết, các đơn vị phải quan tâm đến việc đầu tư lực lượng và trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại doanh nghiệp; tự trang bị phương tiện chữa cháy cơ bản, như: máy bơm chữa cháy, dây nước chữa cháy, bình chữa cháy, lắp đặt hệ thống báo cháy…

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phải thường xuyên phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh thực hiện nghiêm quy chế thẩm duyệt về PCCC, tham gia ý kiến đối với các dự án, công trình, cấp giấy phép xây dựng và quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu về PCCC. Mọi công trình xây dựng mới hoặc mở rộng trong các khu công nghiệp đều phải được thẩm duyệt về PCCC của Cảnh sát PCCC tỉnh mới được triển khai thực hiện.

* Làm gì để phòng ngừa cháy, nổ?

Thượng tá Lê Quang Nhân cho biết thêm, qua kiểm tra an toàn PCCC, khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân các vụ cháy xảy ra, Cảnh sát PCCC tỉnh xác định nguyên nhân các vụ cháy, nổ chủ yếu là do sự cố về  điện. Do đó, để đảm an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ đối với các công ty, cơ sở sản xuất - kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…, Cảnh sát PCCC tỉnh khuyến cáo các cơ sở sản xuất - kinh doanh, trước hết là người đứng đầu phải xác định trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC của cơ sở, phải ban hành nội quy an toàn PCCC và niêm yết nội quy, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ bố trí phương tiện PCCC, bảng cấm, bảng báo tại cơ sở theo quy định.

Hàng năm, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở phải có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội PCCC cơ sở để nắm được các thao tác, kỹ thuật chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, đồng thời phải phân công người trực gác để kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trong quá trình sản xuất phải tách riêng nguồn điện sản xuất, nguồn điện bảo vệ, chiếu sáng chỉ dẫn lối thoát nạn và nguồn điện phục vụ hệ thống PCCC. Dây điện, cáp điện phải được luồn trong máng, trong ống bảo vệ.  Các thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong khu vực xưởng sản xuất, nhà kho phải là loại thiết bị phòng nổ, các mối nối phải được đấu nối trong hộp nối kỹ thuật kín phòng nổ và phải có các thiết bị bảo vệ đi kèm như cầu dao, aptomat. Tuyệt đối không được tự ý câu móc các thiết bị tiêu thụ điện sai với thiết kế ban đầu; không được câu nối điện hoặc lắp đặt thêm các thiết bị sử dụng điện vượt quá công suất cho phép của hệ thống đường dây điện. Phải thường xuyên bảo quản định kỳ các quạt hút trong hệ thống thông gió, hút bụi và khí thải. Đối với các bạc đạn phải được bơm dầu, mỡ định kỳ để đề phòng bạc đạn bị bó, kẹt, tạo ra ma sát dẫn đến phát sinh nguồn nhiệt, tia lửa. Việc bố trí, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh công nghiệp phải tuân thủ theo các nguyên tắc đảm bảo về khoảng cách an toàn PCCC, chống cháy lan; không sử dụng vật liệu dễ cháy làm trần, vách ngăn cách nhiệt trong kho sản xuất. Bố trí, cách ly hàng hóa dễ cháy với nguồn gây cháy và các hàng hóa vật tư khác; nguyên liệu, thành phẩm không được để tồn đọng nơi sản xuất và phải cách xa tủ điện. Mặt khác, phải thường xuyên thực hiện vệ sinh công nghiệp toàn bộ dây chuyền sản xuất, máy móc, hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện và đường ống hút bụi, đảm bảo không tạo thêm sản phẩm cháy gây nguy hiểm đến công tác an toàn PCCC.

Đối với các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu và các chủ cơ sở có nhà vừa kinh doanh vừa để ở phải liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị cấp phép hoạt động để đảm bảo tính pháp lý theo quy định. Đầu tư trang bị phương tiện PCCC phù hợp với quy mô, tính chất của cơ sở; thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC, như: lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, hệ thống điện, khoảng cách an toàn về phòng cháy, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp nhang thờ cúng, niêm yết nội quy, quy định về PCCC tại chỗ, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp an toàn về PCCC với khách hàng và lực lượng tại cơ sở.

Đặc biệt, các chủ cơ sở phải liên hệ với Cảnh sát PCCC tỉnh để được hướng dẫn thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, góp phần phòng ngừa tốt các sự cố cháy, nổ xảy ra.

Đức Việt

Tin xem nhiều