Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Dễ cháy, nổ tại các điểm kinh doanh

10:09, 28/09/2016

Chợ, trung tâm thương mại, nhà vừa ở vừa kinh doanh là những điểm dễ xảy ra cháy, nổ vì lượng hàng hóa nhiều, nhiều nơi tận dụng không gian chứa đồ khiến việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) gặp nhiều cản trở.

[links()] Chợ, trung tâm thương mại, nhà vừa ở vừa kinh doanh là những điểm dễ xảy ra cháy, nổ vì lượng hàng hóa nhiều, nhiều nơi tận dụng không gian chứa đồ khiến việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) gặp nhiều cản trở. Theo Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh), kết quả đợt kiểm tra an toàn cháy, nổ vào tháng 6-2016 cho thấy nhiều chợ còn lơ là việc bảo dưỡng định kỳ các phương tiện chữa cháy, bố trí hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn PCCC.

Hiện trường vụ cháy nhà may nệm yên xe máy khiến 5 người chết năm 2013 ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa.
Hiện trường vụ cháy nhà may nệm yên xe máy khiến 5 người chết năm 2013 ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 200 chợ, trung tâm thương mại, trong đó TP.Biên Hòa có 42 chợ, trung tâm thương mại.

“Bà hỏa” không tha ai

Kinh doanh tiệm tạp hóa tại nhà nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thừa nhận dù biết được sự nguy hiểm do hỏa hoạn gây ra, nhưng chưa khi nào bà thấy cần phải mua thiết bị chữa cháy để trong nhà. Bà Hoa cho biết: “Trước khi đi ngủ hay đi xa, gia đình tôi đều cúp cầu dao điện, chỉ để tủ lạnh hoạt động nên không mấy lo lắng về sự cố cháy, nổ. Vả lại, ban ngày trong nhà tôi luôn có người, nếu có sự cố cháy xảy ra có thể dùng vòi nước dập tắt ngay”.

Không chỉ bà Hoa, nhiều hộ kinh doanh tại TP.Biên Hòa cũng khá lơ là trong việc chủ động phòng cháy, nếu có bình chữa cháy thì cũng ít để ý đến thời hạn bảo dưỡng định kỳ.

Theo Thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, trong những vụ cháy chợ, siêu thị, nhà vừa ở vừa kinh doanh vài năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện và bén lửa từ việc thắp nhang. Để hạn chế các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, ngay từ khi xây dựng, các thiết kế phải được thẩm định đảm bảo an toàn cháy, nổ, có lối thoát hiểm. Hệ thống điện phải được kiểm tra thường xuyên, thiết bị điện phải được thay mới định kỳ, không để lửa cháy âm ỉ (đốt nhang) qua đêm và quan trọng nhất là không tự câu kéo điện từ bên ngoài vào nhà.

Quan sát của phóng viên cho thấy, nhiều gia đình dùng nhà ở để kinh doanh thường chất nhiều hàng hóa và dồn thành đống, treo trên tường, lấn lên cầu thang, chỉ chừa lại đường đi lại rất nhỏ; các thiết bị điện cũ, hỏng hóc không được thay mới thường xuyên…, khi xảy ra việc cháy, nổ sẽ không kịp phản ứng. Một số hộ có trang bị bình chữa cháy đầy đủ, nhưng lối thoát nạn khi cần thiết lại không có, dễ xảy ra thiệt hại về người khi bị cháy.

Vài năm trở lại đây, một số vụ cháy chợ còn ghi dấu trong tiềm thức người dân Đồng Nai, như vụ cháy chợ Phú Lợi (huyện Định Quán) gây thiệt hại cả chục tỷ đồng vào ngày 10-1-2013…

Không chỉ chợ, những hộ gia đình vừa ở vừa kinh doanh tại nhà cũng là điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ và thực tế đã có nhiều vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng về người và tài sản, như vụ cháy nhà kinh doanh nệm yên xe máy tại phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) làm 5 người chết vào năm 2013, hay 2 vụ cháy vào ngày 27-6 và 14-7 tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) làm tổng cộng 5 người chết, nhiều người bị thương… Hầu hết các vụ cháy này đều xuất phát từ sự chủ quan của chủ hộ kinh doanh khi vô ý để chập điện hoặc bắt lửa vào vật dễ cháy, khi phát hiện lại lúng túng trong xử lý bước đầu khiến đám cháy lan nhanh.

Trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ, khi các chuyến xe chở hàng tấp nập đổ về cũng là lúc các chợ ở TP.Biên Hòa đông người tụ tập nhất, ồn ào nhất, dễ phát sinh cháy, nổ từ việc bất cẩn. Đặc biệt, các khu vực bán cá, quần áo là nơi chứa nhiều vật dễ bắt lửa, hoặc luôn sũng nước dễ gây chập điện.

Một số tiểu thương tại chợ Sặt (phường Tân Biên), chợ Tam Hiệp (phường Tam Hiệp) chia sẻ lo ngại, dù đã được tập huấn kỹ, được dặn dò phải cúp điện khi ra về nhưng khi xảy ra các cơn mưa lớn, nước thấm qua mái tôn, nước tạt vào lồng chợ khiến mọi người không biết có thể bị chập điện hay không. Bên cạnh đó, nhiều chợ đã xuống cấp do xây dựng lâu năm, sửa chữa chắp vá nên khi xảy ra hỏa hoạn sẽ dễ cháy lan vì không có hệ thống chữa cháy tự động dập kịp thời.

Trong khi đó, một số siêu thị, trung tâm thương mại do được can thiệp từ khâu thiết kế nên được bố trí đầy đủ lối thoát hiểm; hệ thống chữa cháy tự động, bình chữa cháy, vòi xịt được bố trí tại các vị trí dễ thấy, thuận tiện tiếp cận. Các quầy hàng, kệ hàng được bố trí rộng rãi, khi xảy ra sự cố, bảo vệ và quản lý sẽ hướng dẫn khách thoát hiểm qua hệ thống loa. Một số vụ cháy siêu thị, trung tâm thương mại trước đây đều xuất phát từ các ki-ốt thuê bên ngoài siêu thị bị chập điện hoặc bất cẩn để lửa bén vào vật dễ cháy.

Đảm bảo an toàn, phòng cháy là trên hết

Theo Phòng Cảnh sát PCCC số 1, tất cả các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa đã thành lập đội PCCC cơ sở, tập luyện định kỳ hàng tháng. Tuy nhiên, một số chợ còn chưa làm tốt việc bố trí nguồn điện, hệ thống chống sét, lối thoát hiểm an toàn; đa phần các chợ ở TP.Biên Hòa chưa lắp đặt, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động tại nhà lồng chợ. Bên cạnh đó, các khu dân cư khi xây dựng nhà cửa, người dân thường không quan tâm đến việc xây dựng lối thoát hiểm hoặc cửa sổ nên khi xảy ra cháy thường không có đường thoát và phần lớn đều bị chết do ngạt.

Ông Đặng Viết Liêm, Phó trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa, cho hay chợ có tổng diện tích 7 ngàn m2 với trên 300 gian hàng. Ngoài hệ thống chữa cháy tự động trong nhà lồng, mỗi tiểu thương đều tự trang bị bình chữa cháy tại gian hàng. Bên cạnh đó, nhà điều hành PCCC của chợ luôn được kiểm tra định kỳ; các hệ thống bơm, hệ thống điện được sửa chữa ngay khi phát hiện sự cố. Đội chữa cháy cơ sở của chợ bao gồm thành viên ban quản lý và những tiểu thương nam trẻ tuổi luôn chia nhau túc trực, kịp thời xử lý sự cố.

Còn tại chợ Hóa An, sau khi xảy ra cháy tại khu vực bán cá vào tháng 3-2016, ban quản lý chợ đã có sự khắc phục kịp thời về hệ thống điện trong toàn chợ. “Chợ Hóa An có diện tích trên 6 ngàn m2 với 200 gian hàng, lượng khách mua đông nhất vào buổi chiều, sau giờ công nhân tan ca. Sau sự cố đáng tiếc cuối tháng 3-2016, chúng tôi đã cho dời toàn bộ dây điện ra khỏi khu vực vựa cá, làm lại hệ thống điện ngoài trời, cúp hết điện trong nhà lồng vào buổi tối. Đồng thời, 12 đội viên chữa cháy cơ sở cũng thường xuyên đi kiểm tra các khu vực trong chợ, nhắc nhở tiểu thương đề phòng sự cố chập điện” - ông Nguyễn Thanh Tú, Phó trưởng ban Quản lý chợ Hóa An, cho biết.

Trong đợt kiểm tra gần 1,4 ngàn gia đình kinh doanh gần khu chợ và các gia đình có nhà vừa ở vừa kinh doanh tại TP.Biên Hòa vào tháng 7-2016, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đánh giá phần lớn hộ gia đình chỉ có 1 lối thoát hiểm, không đảm bảo an toàn theo quy định. Cụ thể hơn, các hộ kinh doanh gas còn sắp xếp hàng hóa bừa bãi, chưa có thiết bị phát hiện rò rỉ khí gas; các gia đình vừa ở vừa kinh doanh tại nhà chưa có thiết bị chữa cháy, còn thắp nhang gần khu vực chứa hàng dễ cháy, hệ thống điện mắc chưa an toàn…

Đăng Tùng

Bài 3: Để tránh xa “bà hỏa”

 

 

Tin xem nhiều