Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "vị cứu tinh" tai nạn giao thông

09:12, 11/12/2014

Đội cấp cứu tai nạn giao thông xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) thành lập cách đây 2 năm từ ý tưởng của bác xe ôm Lưu Tiến Dũng (48 tuổi, ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân). Ở trong đội, mọi người thường đặt cho nhau những biệt danh gần gũi với công việc đang gắn bó, như: Sáu "ba gác", Tám "xe ôm", Vui "hớt tóc"…

Đội cấp cứu tai nạn giao thông xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) thành lập cách đây 2 năm từ ý tưởng của bác xe ôm Lưu Tiến Dũng (48 tuổi, ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân). Ở trong đội, mọi người thường đặt cho nhau những biệt danh gần gũi với công việc đang gắn bó, như: Sáu “ba gác”, Tám “xe ôm”, Vui “hớt tóc”…

* Cứu thương bằng xe ôm, ba gác

Các thành viên trong Đội cấp cứu tai nạn giao thông xã Phước Tân tìm đến nhau với hy vọng ngày càng có nhiều người được giúp đỡ, cứu lấy mạng sống mong manh khi không may bị tai nạn giao thông. 18 thành viên trong đội dù làm những công việc khác nhau, từ chạy xe ôm đến thợ cắt tóc, chở gạo thuê nhưng đều chung nhiệt huyết cứu người là trên hết.

Ông Lưu Tiến Dũng đưa học sinh sang đường mỗi khi tan học.
Ông Lưu Tiến Dũng đưa học sinh sang đường mỗi khi tan học.

“Điều thuận lợi là hầu hết thành viên trong đội đều chạy xe trên đường nên kịp thời ứng cứu người bị tai nạn. Mỗi người thủ sẵn trong người bông gạc, thuốc cầm máu để sơ cứu ban đầu, nếu nạn nhân bị thương nặng thì dùng phương tiện của mình chở đến bệnh viện ngay” - ông Lưu Tiến Dũng cho hay.

Khi mới thành lập đội, ông Dũng tự bỏ tiền túi mua chiếc xe ô tô cũ về “chế” thành “xe cứu thương”. Gần 2 năm “tác chiến”, chiếc xe đã hỗ trợ tích cực cho công việc thiện nguyện ấy. Tháng 6-2014, xe hết hạn lưu hành nên cả đội lại quay về dùng xe của mình. Dù có bất lợi nhưng không vì thế mà mọi người nề hà, vẫn nhanh nhẹn làm nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.

Chứng kiến nhiều cảnh đau thương tại hiện trường, anh Châu “ba gác” (ngụ ấp Đồng) cho rằng, những người cứu hộ phải có thần kinh “thép” mới có thể vững vàng tâm lý khi tác nghiệp. Bởi nhiều vụ tai nạn, nạn nhân bị thương nặng, máu me và các bộ phận trên người bị gãy hoặc bị nghiền nát, nếu không dũng cảm thì khó lại gần băng bó hoặc đưa họ đi bệnh viện.

Anh Châu tham gia Đội cấp cứu tai nạn giao thông xã Phước Tân từ những ngày đầu tiên. Không ít lần người bị tai nạn thấy anh chạy đến sơ cứu, giúp đỡ rồi hiểu lầm anh làm việc xấu, nhưng anh không trách hoàn cảnh bất đắc dĩ đó.

“Xe ba gác cũng chở người bị thương được; nếu mình chạy cẩn thận, tránh các ổ gà trên đường thì không thua xe ô tô cứu thương. So với xe chuyên dụng, xe ba gác chỉ kém ở chỗ chạy chậm, không có còi ưu tiên để người đi đường né tránh thôi” - anh Châu nói.

* Thầm lặng công việc giúp người

Cuộc sống của các thành viên trong Đội cấp cứu tai nạn giao thông xã Phước Tân còn nhiều khó khăn, nhưng ai cũng giàu lòng nghĩa hiệp. “Chúng tôi “tác chiến” trong bất kỳ địa hình nào, bất kể đêm ngày, bất kể mưa nắng, lúc đang ngon giấc bên vợ con. Hễ có cuộc điện thoại từ ai đó gọi tới, hay anh em nào trên đường đi chở thuê bắt gặp tai nạn, mọi người đều hỗ trợ kịp thời. Vì ai cũng biết, nếu để chậm vài phút thì tính mạng con người có khi khó cứu được” - ông Tám “xe ôm” (ngụ ở ấp Đồng) nói thêm.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Đội cấp cứu tai nạn giao thông trở thành địa chỉ tin cậy trong việc giúp đỡ những trường hợp bị tai nạn. Trước đó, các thành viên trong đội đã được học qua lớp sơ cấp cứu tai nạn giao thông và được trang bị miễn phí áo quần, dụng cụ y tế. Ngày 6-12, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng khen cho đội vì có thành tích đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước, làm nhiều việc tốt giúp ích cho cộng đồng”.

Đã lên chức ông nhưng ông Tám “xe ôm” chưa chịu nghỉ ngơi, vẫn cùng “con ngựa sắt” chinh chiến khắp nơi. Ông bảo đi làm vừa có tiền, vừa có cơ hội giúp được nhiều người. Dù làm việc âm thầm, không được hỗ trợ kinh phí, nhiều lúc ông còn tự bỏ tiền túi để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhưng ông không nề hà. Có khi đang chở khách, thấy có tai nạn ông lại thả khách xuống để đi cứu người, coi như lỗ chuyến xe ngày hôm đó.

Trong đội, anh Vui “cắt tóc” (19 tuổi, ngụ ấp Hương Phước) là thành viên nhỏ tuổi nhất, nhưng được giao nhiệm vụ quan trọng là đến hiện trường điều tiết giao thông khi xảy ra tai nạn. Hàng ngày, tranh thủ tiệm cắt tóc ít khách, anh Vui tới Trường tiểu học xã Phước Tân cắm bảng, phân luồng giao thông và đưa đón học sinh sang đường.

“Tôi còn trẻ, không vướng bận chuyện gia đình nên có thông tin tai nạn giao thông xảy ra luôn là người đến đầu tiên. Từ khi vào đội đến nay, tôi đã giúp đỡ hơn 20 trường hợp bị tai nạn, cứu sống kịp thời gần chục người bị thương nặng mà chưa hề nghĩ đến chuyện được ai đó đền đáp. Nhìn mọi người an toàn là tôi hạnh phúc rồi” - anh Vui hồ hởi nói.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích