Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận hiến cho Tổ quốc

10:12, 07/12/2014

"Sự hy sinh của anh Hai Cà cho đất nước rất lớn. Anh chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì, dù khó khăn, nguy hiểm mấy anh cũng hoàn thành tốt..." - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Văn Trang đã từng nhận xét về ông Trần Công An (Hai Cà) như vậy.

“Sự hy sinh của anh Hai Cà cho đất nước rất lớn. Anh chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì, dù khó khăn, nguy hiểm mấy anh cũng hoàn thành tốt. Đau đớn nhất là anh chỉ huy chiến đấu giữa lúc gia đình bị mấy cái tang: tang mẹ, tang con và đứa con bị thương mà anh vẫn chịu đựng, vượt qua và chiến thắng” - đồng chí Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, từng nhận xét như thế về ông Trần Công An (Hai Cà).

Cố Đại tá Trần Công An (trái) cùng đồng đội đặc công U1 kể lại trận đánh Tổng kho Long Bình.
Cố Đại tá Trần Công An (giữa) cùng đồng đội đặc công U1 kể lại trận đánh Tổng kho Long Bình.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông Hai Cà tập kết ra Bắc làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 656, Sư đoàn 338 với nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện quân sự và chính trị, đảm bảo cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

* Làm hậu cần tốt

Đầu tháng 2-1961, ông Hai Cà được Bộ Tổng tham mưu trao quyết định làm trưởng đoàn phụ trách 250 đồng chí cán bộ đi B. Trên đường đi, ông được đồng chí Trần Nam Trung cử sang giúp nước bạn Lào đánh giải phóng các đồn Mường Phồn và Sê Bôn thắng lợi, bạn rất phấn khởi.

Về đến Ban Quân sự Trung ương Cục miền Nam, ông nhận quyết định làm Đoàn phó U50, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất, đảm bảo hậu cần và bảo vệ Chiến khu A (Chiến khu Đ mở rộng). Ban chỉ huy U50 lúc ấy gồm có ông Hai Cà và các đồng chí: Đào Sơn Tây, Nam Ninh, Mười Bộ.

Sau đó, đồng chí Đào Sơn Tây về Cục Hậu cần Miền, giao lại U50 cho ông Hai Cà lãnh đạo. Trong thời gian lãnh đạo U50, ông đã đưa đơn vị phát triển vượt bậc từ quân số 500 người lên đến 5 ngàn người chỉ sau một năm. Diện tích U50 tổ chức quản lý, sản xuất lên đến 1,5 ngàn hécta, gồm các khu vực: Mã Đà, Suối Dạt, Bà Téc, Bàu Đá... Các đơn vị thuộc U50 còn vươn dài đến các chốt: Đồng Xoài, Bù Đăng, Tà Lài, bờ Sông Bé, Bù Khiêu, Bù Na, Bù Cháp và nối liền với Tây Nguyên, mở rộng xuống Long An, Tây Ninh và miền Tây Nam bộ.[links(right)]

Dưới sự chỉ huy của ông Hai Cà, U50 tổ chức được một guồng máy hậu cần đồ sộ giữa rừng với đầy đủ các bộ phận, như: quân nhu, quân y, quân khí, vận tải... Đơn vị đã biết dựa vào sức dân để thường xuyên tổ chức mua lúa, gạo từ đồng bằng phục vụ cho chiến trường. Thường xuyên ở đoàn có đội vận tải mạnh và số người vận chuyển bằng xe thồ, mang vác đông đúc, liên tục nên không chỉ đảm bảo hậu cần phục vụ cho các trung đoàn chủ lực Miền, đơn vị còn đảm bảo cung cấp lương thực cho hơn 20 ngàn lượt người qua lại trên 7 tuyến, trạm giao liên trong 3 năm.

Tại hội nghị sơ kết công tác hậu cần Miền tháng 12-1964, các đồng chí Trần Văn Trà và Lê Đức Anh đã biểu dương thành tích của U50 trong công tác hậu cần phục vụ chiến trường, đồng thời phát động phong trào hậu cần toàn Miền học tập và làm theo đồng chí Hai Cà. Cái tên thân mật “Hai Cà” đồng đội đặt cho ông cũng xuất hiện từ đó, và hơn 5 ngàn cán bộ, chiến sĩ Đoàn U50 đi đến đâu cũng hãnh diện vì được mang tên “bộ đội Hai Cà”.

* Đánh Mỹ giỏi

Tháng 2-1965, nhận định Mỹ sẽ trực tiếp đưa quân xâm lược miền Nam Việt Nam, chiến trường miền Đông, đặc biệt là Biên Hòa có vị trí hết sức quan trọng đối với lực lượng của ta và quân viễn chinh Mỹ, Bộ Tư lệnh Miền quyết định điều động ông Hai Cà về Biên Hòa giữ chức Thị đội trưởng Biên Hòa cùng 50 chiến sĩ đặc công dày dạn kinh nghiệm chuẩn bị chiến trường đánh Mỹ. Vốn có kinh nghiệm về lối đánh đặc công, ông Hai Cà đã nhanh chóng tổ chức nắm tình hình, xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở và hình thành vành đai diệt Mỹ khi chúng đặt chân lên đất Biên Hòa.

Sau khi chính thức đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, Mỹ cho mở rộng, nâng cấp sân bay Biên Hòa và đưa nhiều đơn vị đến đóng quân. Từ đây, Mỹ - ngụy đã tổ chức nhiều cuộc càn quét, tìm diệt lực lượng cách mạng, gây nhiều tổn thất, khó khăn cho ta.

Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam đã ra nghị quyết: “Sẵn sàng đánh địch trong trường hợp địch gây chiến tranh cục bộ”. Từ tinh thần của nghị quyết này, ông Hai Cà đã tập trung nghiên cứu, nắm tình hình và tổ chức đánh một trận phủ đầu vào sân bay Biên Hòa.

Vốn là người khai sinh lối đánh đặc công từ những năm chống Pháp nên ông cho trinh sát bí mật xâm nhập sâu vào sân bay Biên Hòa vẽ sơ đồ, đo cự ly của từng ụ máy bay, kho hàng, trại lính… Sau khi hoàn thành phương án tác chiến, đêm 31-10-1964, dưới sự chỉ huy của ông Hai Cà và đồng chí Trần Mân, lực lượng vũ trang Biên Hòa phối hợp với Đoàn pháo binh Biên Hòa đánh một đòn phủ đầu vào sân Bay Biên Hòa, phá hủy 59 máy bay các loại, trong đó có 21 máy bay B57 (loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ), 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2; diệt và làm bị thương 293 giặc lái, nhân viên kỹ thuật; tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 trại lính.

Sau trận đánh, tướng Mỹ Taylor khi đi thị sát ở sân bay Biên Hòa phải đứng như “trời trồng” trước thiệt hại quá lớn của quân viễn chinh Mỹ. Bác Hồ cũng đã có thư khen ngợi, Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho toàn trận đánh. Riêng ông Hai Cà được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Giai đoạn Tổng tiến công nổi dậy năm 1968, người con trai trưởng của ông Hai Cà là Đại đội trưởng Trần Văn Cao nhận lệnh do ông ký phải đột nhập vào sân bay Biên Hòa điều nghiên, tổ chức trận đánh. Thực hiện xong mệnh lệnh, anh Cao trở về báo cáo nhưng ông thấy chưa đầy đủ và lệnh cho anh trở vào sân bay điều nghiên lần nữa. Lần này, anh Cao bị vướng mìn mất hết một chân. Tiếp sau đó, ông lại nhận tin anh Trần Văn Mum, người con trai thứ mới 16 tuổi của ông hy sinh mất xác khi lọt vào ổ phục kích của địch. Trong thời gian này, người mẹ già của ông ở quê nhà đã qua đời. Vượt qua những nỗi đau mất mát ấy, ông vẫn hoàn thành xuất sắc công tác của người chỉ huy nơi chiến trận.

Tháng 9-1965, Trung ương Cục quyết định sáp nhập Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thành một đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh gọi là U1 và chỉ định ông Hai Cà làm Tỉnh đội trưởng U1.

Ở huyện Vĩnh Cửu lúc này, Lữ đoàn dù 173 Mỹ và quân chư hầu Úc liên tục tổ chức các cuộc càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang địa phương, đẩy bộ đội ta dạt về phía Bắc sông Đồng Nai để bảo vệ an toàn cho sân bay Biên Hòa và các căn cứ của chúng.

Dù gặp nhiều khó khăn, hy sinh nhưng lục lượng cách mạng địa phương, du kích và bộ đội đặc công U1 vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu và tạo được bàn đạp chuẩn bị cho các trận đánh lớn vào các căn cứ, kho tàng của địch. Một trong những mục tiêu mà đặc công U1 “ Hai Cà”  lựa chọn tổ chức trận đánh trong thời điểm này là Tổng kho Long Bình, kho hậu cần chiến lược lớn nhất của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy U1 và sự chỉ huy của ông Hai Cà, 2 giờ ngày 22-6-1966, lực lượng đặc công đã mưu trí vượt qua các chướng ngại phòng thủ của địch, dùng mìn hẹn giờ đánh vào 2 kho trọng điểm, phá hủy 40 ngàn quả đạn pháo 155 ly của Mỹ.

Từ tháng 10 đến tháng 12-1966, Đặc công U1 còn tổ chức thêm 3 trận đánh vào Tổng kho Long Bình, phá hủy hàng trăm tấn bom đạn. Với những chiến công xuất sắc đó, đơn vị U1 đã được cấp trên tặng thưởng nhiều huân chương quân công và chiến công các hạng.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều