Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân Suối Trầu chờ sân bay

11:09, 28/09/2014

Sau năm 1975, vùng đất Suối Trầu (huyện Long Thành) bắt đầu đón nhận những đợt di dân từ nơi khác đến để hình thành nên vùng kinh tế mới. Sau bao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng đất Suối Trầu từng bước thay đổi diện mạo và khát vọng cất cánh vươn lên.

Sau năm 1975, vùng đất Suối Trầu (huyện Long Thành) bắt đầu đón nhận những đợt di dân từ nơi khác đến để hình thành nên vùng kinh tế mới. Sau bao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng đất Suối Trầu từng bước thay đổi diện mạo và khát vọng cất cánh vươn lên.

Chiếc cầu bắc qua suối Trầu trị giá 200 triệu đồng do dân đóng góp xây dựng năm 2013.
Chiếc cầu bắc qua suối Trầu trị giá 200 triệu đồng do dân đóng góp xây dựng năm 2013.

Vùng đất Suối Trầu hiện nằm trọn trong dự án quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành. Chính vì điều này mà chính quyền, nhân dân xã Suối Trầu tạm gác lại các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mong muốn dự án sớm triển khai vì sự phát triển của tỉnh và đất nước.

* Đổi thay

Đang loay hoay lặt mớ bắp khô làm thức ăn cho gà, Trưởng ấp kiêm Bí thư chi bộ ấp 1, xã Sông Trầu Đỗ Quang Tú thấy chúng tôi đến liền dừng tay tiếp chuyện. Ông Tú cho biết, năm 1977 gia đình ông và 18 hộ dân phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) về Suối Trầu những năm đó dân cư thưa thớt, đất đai màu mỡ nên người dân cứ vậy mà khai khẩn đất hoang trồng màu, trồng điều... Những năm tiếp theo, vùng đất Suối Trầu tiếp tục đón nhận nhiều đoàn người từ các tỉnh khác vào. “Chẳng bao lâu sau, đất đai được khẩn hoang gần hết, chính quyền xã Suối Trầu được thành lập và củng cố để lo cho dân. Điều đó càng khích lệ chúng tôi bám vùng đất Suối Trầu phát triển kinh tế, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau” - ông Tú nói.

Điều trăn trở của người dân và chính quyền xã Suối Trầu hiện nay là dự án sân bay quốc tế Long Thành sớm triển khai, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBMTTQVN xã Suối Trầu, cho rằng dự án sân bay quốc tế lâu triển khai đã làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, đời sống nhân dân, nhưng người dân vẫn giữ được tình đoàn kết, chung sức cùng địa phương trong mọi phong trào.

Còn ông Nguyễn Trí Vĩnh (nguyên Trưởng ấp 2) thì bộc bạch, vùng đất Suối Trầu đã giúp ông từ một nông dân không một đồng vốn lận lưng sớm có cuộc sống khá giả, nuôi 4 con học đại học. Ông Vĩnh tỏ bày, nhờ nỗ lực vươn lên, những nông dân cần cù từ miền Trung, miền Bắc đến đây đã từng bước cải tạo vùng đất Suối Trầu thành những rẫy, vườn xanh tốt cây trồng. “Đất thấp thì bà con vỡ ruộng, cải tạo ao nuôi cá; còn đất cao thì trồng hoa màu, trồng cây công nghiệp năng suất cao… Vượt qua những khó khăn ban đầu, chúng tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới này bằng mô hình vườn - ao - chuồng với thu nhập trên 100 triệu đồng/hécta/năm những năm 1990-2000. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm cùng chính quyền xây dựng đời sống văn hóa mới với điện - đường - trường - trạm không thua kém các xã bạn” - ông Vĩnh thổ lộ.

Dừng tay chăm sóc đám bắp được hơn tháng tuổi nằm cạnh rẫy điều già, nông dân Phạm Hải (ngụ ấp 3) chia sẻ, những cây bắp, cây điều đã từng bước giúp gia đình ông có được của ăn của để. Ông Hải nuối tiếc tỏ bày, giá như vùng đất Suối Trầu không nằm trong khu vực dự án sân bay quốc tế Long Thành thì vườn bắp, điều của ông sẽ được thay thế bằng cây ăn trái, cây lấy hạt giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần, như: sầu riêng, cà phê, tiêu. “Chúng tôi chỉ tiếc là dự án kéo dài quá lâu, làm nông dân chúng tôi không dám chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị sử dụng đất nhiều hơn nữa. Nói vậy thôi chứ đó là dự án lớn, nông dân chúng tôi luôn biết hy sinh cái lợi nhỏ để tỉnh, đất nước được cái lợi lớn hơn. Nhưng chúng tôi mong dự án sớm triển khai” - ông Hải nói.

* Chia sẻ với chính quyền

Trao đổi với chúng tôi về tình hình đời sống, tâm tư tình cảm của người dân về dự án sân bay quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Đức Sơn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Suối Trầu, cho biết khi chưa có dự án sân bay quốc tế Long Thành, kinh tế địa phương không thua kém các xã trong huyện. “Năm 1997, xã Suối Trầu đã có điện lưới quốc gia. Năm 2001, ấp 2 là một trong 14 ấp của tỉnh đạt danh hiệu ấp văn hóa. Cơ cấu lao động trong xã phân bố đều trên các lĩnh vực: nông nghiệp - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ nên đời sống nhân dân rất khởi sắc” - ông Sơn nhấn mạnh.

Kinh tế - đời sống phát triển, nhân dân xã Suối Trầu hăm hở cùng chính quyền triển khai các mục tiêu xã hội - văn hóa mới để thi đua cùng các xã bạn. Năm 2007, dự án sân bay quốc tế Long Thành được đặt ra, nhân dân và chính quyền xã phải tạm thời dừng lại mọi quyết sách chờ dự án triển khai. Ông Sơn bày tỏ, từ đó đến nay các công trình hạ tầng không được đầu tư kiên cố nên xuống cấp nhiều, nhất là các tuyến giao thông trên địa bàn còn nhiều đường đất đỏ nên đi lại rất khó khăn.

Học sinh xã Suối Trầu đến trường trên con đường đất đỏ.
Học sinh xã Suối Trầu đến trường trên con đường đất đỏ.

Đúng như lời ông Sơn nói, trong khi khắp nơi đang hừng hực khí thế xây dựng nông thôn mới thì xã Suối Trầu vẫn lặng lẽ vận động sức dân duy tu những con đường đất đỏ cho bớt lầy lội, duy trì ổn định những vườn cây hiện già cỗi mấy chục năm qua, đất đai không chuyển nhượng được nên giá trị không cao… “Người dân lo lắng thể hiện qua việc không dám đầu tư vốn lớn để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Các dự án tạo nên bộ mặt địa phương, như: đường, trường, nhà văn hóa… phải dừng lại. Cha mẹ muốn tách quyền sử dụng đất để cho con cái không được nên phải chấp nhận cảnh nhiều thế hệ chung sống trong một nhà” - ông Sơn cho biết thêm.

Trên đường đưa chúng tôi đi thực tế, chiếc xe máy của ông Sơn vô tình bị một thanh niên va quẹt vì đường xấu, làm chúng tôi bị trầy nhẹ ở tay chân và quần áo lấm lem bùn đất. Vào nhà một hộ dân ven đường xin nước rửa vết bẩn trên người, ông Sơn từ tốn trao đổi, tuy mọi đầu tư của cấp trên phải dừng lại nhưng nhân dân xã Suối Trầu vẫn không ngại cùng địa phương bỏ công sức, tiền của duy tu các tuyến đường. “Mỗi năm nhân dân đóng góp cả trăm triệu đồng tu sửa đường giao thông. Dù dự án lâu thực hiện, nhưng người dân vẫn bình tĩnh chờ quyết định của cấp trên và kiên định quan điểm sẻ chia với chính quyền trước những khó khăn chung” - ông Sơn nói.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu Nguyễn Văn Hiệp giãi bày, kinh tế - đời sống người dân bị tác động từ dự sân bay quốc tế Long Thành trong nhiều năm qua, nhưng chính quyền xã vẫn kiên trì vận động người dân tìm mọi cách khai thác có hiệu quả vườn cây hiện có; tăng cường công tác đào tạo và giới thiệu việc làm cho những người trong và ngoài độ tuổi lao động vẫn còn sức khỏe và có nhu cầu. “Người dân tiếc nuối vì phải di dời, nhưng lòng dân vẫn yên và đồng thuận cùng chúng tôi, đồng thời không để cho bộ mặt xã hội kém hơn những gì hiện có” - ông Hiệp nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều