Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ ngày giỗ chung (Bài cuối)

09:09, 25/09/2014

Trở lại Giồng Sắn sau 50 năm, dấu tích của chiến tranh đã không còn, thay vào đó là sự bình yên của vùng quê sông nước. Sau biến cố lớn, vùng đất Phú Đông đã vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Trở lại Giồng Sắn sau 50 năm, dấu tích của chiến tranh đã không còn, thay vào đó là sự bình yên của vùng quê sông nước. Sau biến cố lớn, vùng đất Phú Đông đã vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Bà Phạm Thị Em chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành.
Bà Phạm Thị Em chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành.

Trong ký ức người dân xã Phú Đông, vụ thảm sát ngã ba Giồng Sắn khiến 536 người chết là một sự kiện đau thương không thể nào quên. Nỗi đau và sự mất mát quá lớn khiến nhiều người không cầm được nước mắt khi nhớ lại dòng sông ngày ấy ngập máu và xác người. Đến nay sau 50 năm, cứ đến ngày 22-8 âm lịch, rất nhiều gia đình nơi đây đã làm ngày giỗ chung.

* Dựng bia căm thù

Bà Phạm Thị Em (54 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành) có người thân mất trong vụ thảm sát năm ấy, không giấu nỗi đau bàng hoàng cho hay: “Ba và chị gái của tôi bị chết trong vụ thảm sát, đến giờ vẫn chưa tìm được xác. Lúc đó, tôi được 4 tuổi, má tôi cũng vừa sinh đứa em gái được một tháng. Sau biến cố ấy, của cải, tiền bạc đều cháy rụi theo chiếc ghe của ba, mẹ con tôi phải sơ tán đến xã Long Tân… Vụ thảm sát Giồng Sắn năm xưa với tôi chẳng thể nào quên, vì nỗi đau và sự mất mát quá lớn”.

Con đường dẫn từ UBND xã Phú Đông vào nhà bia - công viên tưởng niệm vụ thảm sát Giồng Sắn được mở rộng thênh thang và bê tông hóa. Công trình được khởi công xây dựng ngày 25-10-2004 và hoàn thành ngày 30-4-2005. Nhiều người gọi đây là bia căm thù bởi những mất mát, đau thương mà quân đội Mỹ - ngụy gây ra cho người dân Giồng Sắn ngày ấy quá lớn.[links(right)]

Ngay tại ngã ba sông, tấm bia ghi chứng tích vụ thảm sát vẫn đứng vững với thời gian như để nhắc nhở thế hệ sau không được quên quá khứ, cả dân tộc phải đổ biết bao xương máu để giành lấy độc lập, thống nhất đất nước.

Xung quanh nhà bia được bao bọc bởi những ruộng lúa tươi tốt, phì nhiêu. Ở đây không còn dấu tích của chiến tranh, hình ảnh đau thương vụ thảm sát cách đây 50 năm giờ chỉ đọng lại qua ký ức. Những nhân chứng cũng chẳng còn nhiều, đa số đã mất vì bệnh tật, người còn sống do tuổi già nên trí nhớ không còn minh mẫn.

Bây giờ, bà Phạm Thị Em vẫn nhắc lại nỗi đau ấy, nhưng bà không còn rơi lệ. Bởi bà hiểu, hòa bình đã được kết nên từ máu đỏ và nước mắt. Cha mẹ bà ngày trước đều tham gia cách mạng, là đầu mối giữ vai trò liên lạc, tiếp tế lương thực cho cán bộ ở trong rừng. Sự hy sinh này để hòa chung vào niềm vui lớn cho ngày đất nước thống nhất khiến bà cảm thấy vững tin hơn.

“Tôi vẫn luôn hy vọng sẽ tìm được hài cốt của ba và chị gái, nên tôi đã xin vào làm việc ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành. 30 năm nay, dù không có tin tức gì của ba và chị gái, dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn trụ lại đây gắn bó với hơn 3 ngàn ngôi mộ liệt sĩ như chăm sóc cho người thân của chính mình. Hàng năm, cứ vào ngày giỗ chung của những gia đình có thân nhân đã mất trong vụ thảm sát Giồng Sắn, tôi đều đến ngã ba sông này để tìm lại ký ức” - bà Em tâm sự.

* Vùng quê yên bình

Giồng Sắn hôm nay với sự hiện diện của những cánh đồng mía xanh tốt đang vào mùa vươn lên mạnh mẽ, những con kênh chất chứa phù sa của mùa nước nổi trở nên hiền hòa, tất cả đều gợi lên khung cảnh yên bình của một vùng quê sông nước bao quanh. Chiều xuống, vài chiếc xuồng nhỏ của ngư dân đi đánh vó, thả lưới trở về, xé làn nước gợn sóng lăn tăn với những vệt dài hình chữ “V” trên khúc sông tạo thành bức tranh tuyệt đẹp. Tại ngã ba sông này, cây cầu treo bắc ngang con sông Ông Kèo được dựng lên chắc chắn và luôn tấp nập người qua lại.

Ngã ba sông Giồng Sắn yên bình ngày nay.
Ngã ba sông Giồng Sắn yên bình ngày nay.

Đi sâu vào phía trong cù lao, mọi người có thể bắt gặp nhiều tăng ni, phật tử của 3 ngồi chùa đang ngồi thiền, hành lễ. Tiếng chuông chùa vang lên vào những buổi sáng, hay chiều tối khiến không khí thanh vắng nơi đây trở nên nhẹ nhàng và yên bình như vốn có.

Ông Dương Văn Em, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhơn Trạch, cho biết: “Mỗi khi nhắc lại ngày thảm sát hãi hùng đó, nhiều người dân Phú Đông lại không cầm được nước mắt. Chúng ta không được phép lãng quên vụ thảm sát ngã ba Giồng Sắn, mà phải luôn nhắc nhở thế hệ trẻ và những người đang sống hiểu rõ nỗi đau ấy. Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ thành quả của cách mạng, phát huy tinh thần bất khuất của dân tộc”.

Bà Nguyễn Thị Thắm (45 tuổi, ngụ ấp Bến Ngự, xã Phú Đông), một phật tử thường đi lễ chùa qua đây, cho biết: “Mẹ tôi kể, trước kia dân mình bị địch giết chết nhiều lắm. Ai cũng hiểu cặn kẽ nỗi đau mất mát ấy nên mỗi khi lên chùa, trong lời cầu khấn tôi luôn mong cho linh hồn những người chết được siêu thoát để nơi đây trở thành một vùng đất mãi mãi yên bình”.

Sau 50 năm, những đau thương mất mát dường như lùi dần vào quá khứ. Vùng đất Phú Đông đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Nhiều công trình giao thông, trường học được xây mới; nhiều khu công nghiệp đã được hình thành ngay trên những mảnh đất bom đạn cày nát ngày xưa.

Theo ông Lương Hữu Châu, Phó chủ tịch UBND xã Phú Đông, năm 1994 xã Phú Đông được thành lập với 5 ấp, có diện tích 2.170 hécta. Công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch phát triển đã góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất thuần nông Phú Đông trước đây. Hiện tại, dân số toàn xã gần 11,5 ngàn nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm. Đời sống tinh thần, văn hóa của người dân địa phương đã được cải thiện; những cây cầu tạm bắc qua các con sông nhỏ trước đây đã được xây dựng mới bằng bê tông vững chắc, đảm bảo cho việc đi lại thuận lợi khi mùa mưa bão đến.

“Hiện tại, nông nghiệp chỉ chiếm 30% cơ cấu kinh tế của xã, còn lại là phát triển công nghiệp, dịch vụ. Điểm mạnh của Phú Đông là hệ thống cơ sở vật chất giáo dục phát triển toàn diện. Ngày trước, muốn đi học lên THCS-THPT con em trong xã phải vượt cả chục cây số để đến trường, còn bây giờ trường học được xây mới ngay tại địa phương tạo thuận lợi rất nhiều” - ông Châu cho hay.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều