Báo Đồng Nai điện tử
En

Quảng Trị mùa… gió Lào

12:05, 31/05/2014

Mất khoảng 22 giờ để tôi đi xe lửa từ ga Biên Hòa đến ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Những ngày bình thường nếu đi vé giường nằm hay ghế ngồi mềm thì cũng khá thoải mái, nhưng vào những dịp lễ lớn, kỳ nghỉ hè hay mùa thi đại học thì sẽ rất khó để có được một chỗ ưng ý trên tàu.

Mất khoảng 22 giờ để tôi đi xe lửa từ ga Biên Hòa đến ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Những ngày bình thường nếu đi vé giường nằm hay ghế ngồi mềm thì cũng khá thoải mái, nhưng vào những dịp lễ lớn, kỳ nghỉ hè hay mùa thi đại học thì sẽ rất khó để có được một chỗ ưng ý trên tàu. Thay vào đó, chúng tôi phải chấp nhận ngồi ghế phụ (ghế nhựa do nhân viên kê dọc lối đi hoặc chen giữa những dãy ghế chính) và vất vả lắm chúng tôi mới tìm được cho mình vị trí tương đối ổn ở cuối toa tàu.

Đài tưởng niệm trong khuôn viên di tích Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đ.Tùng
Đài tưởng niệm trong khuôn viên di tích Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Đ.Tùng

Mảnh đất hiếu khách

Đặt chân tới ga Đông Hà vào một ngày tháng 5 trời âm u, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về nơi này là… nóng, mới 8 giờ sáng thôi mà oi bức như giữa trưa hè vậy! “Quảng Trị nóng quá!” - tôi đã phải thốt lên như thế ngay khi vừa gặp mặt người bạn đã đứng đợi sẵn ngoài cửa ga.

Dạo một vòng TP.Đông Hà, tôi chợt thấy dường như nơi đây mỗi cung đường đều có một tượng đài, một di tích gợi lại trong tâm trí người dân nơi đây một quá khứ đau thương và không kém phần hào hùng. Những khẩu pháo gỉ sét, những chiếc xe tăng bung xích, những lô cốt găm đầy vết đạn… tất cả đều góp phần tạo nên nét đặc trưng của thành phố miền Trung này.

Sau một giờ đồng hồ dạo quanh TP.Đông Hà, chúng tôi bắt đầu hành trình về thăm Thành cổ Quảng Trị thuộc TX.Quảng Trị, nơi đã diễn ra cuộc chiến bảo vệ thành cổ nổi tiếng vào mùa hè năm 1972. Trên đường đi, tôi dừng chân ở huyện Triệu Phong và được Nguyễn Thái Lũy - người bạn dẫn đường mời thử đặc sản nơi đây: rượu Xika và cháo bột. Nghe người dân nơi đây kể lại, rượu Xika là loại rượu nấu bằng gạo nếp, rượu có màu trắng đục, thơm, có xuất xứ từ vùng đất Hải Lăng (nay là huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Rượu nấu chín được đóng chai, ủ trong nước lạnh rồi chở trên thuyền đem bán ở khắp nơi. Ly rượu Xika rót ra tỏa đầy mùi hương rất thơm, nhưng khi uống vào thì làm cho tôi bị “dội” ngay lập tức. “Cay quá!” - tôi đã buột miệng kêu lên trong khi người bạn ngồi kế bên cười lớn và giải thích, đây chính là hương vị được ưa thích ở đây, không cay nồng thì không gọi là rượu Xika.

Cùng với di tích cầu Hiền Lương, di tích Thành cổ Quảng Trị đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 30-4 vừa qua. Đây là việc làm nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Hiền Lương-Bến Hải, di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ và TX.Quảng Trị năm 1972.

Sau khi uống xong một ngụm nước lạnh để quên đi cái cay nồng của rượu và oi bức của thời tiết, tôi lại bị bất ngờ tiếp về món cháo bột cá lóc, đặc sản nơi đây. Anh Lũy giải thích, món này được làm từ bột gạo hay bột lọc và cá lóc. Gạo ngâm kỹ rồi đem xay thành bột, bột xay xong đem nhào thật kỹ, càng nhào lâu thì món cháo đem ra càng ngon, dai hơn. Sau khi nhào xong, bột được cán mỏng rồi cắt thành từng sợi với kích thước gần bằng chiếc đũa bình thường, sau cùng đem những sợi bột ấy luộc chín, không để bị nhão. Còn cá lóc hấp chín tới, sau đó bóc hết thịt ra khỏi xương chia thành từng miếng nhỏ, xương cá xay ra lọc lấy nước nấu cháo. Người bạn đi chung với tôi tâm sự: “Thời tiết miền Trung mùa này nắng nóng, gió Lào khô nhưng không làm cho con người nơi đây trở nên cáu gắt, vị cháo bột đậm đà cùng rượu Xika nức tiếng như níu chân du khách mỗi khi có dịp về thăm vùng đất đầy nắng và gió này. Đặc sản này chỉ có ở vùng Hải Lăng này thôi, đi nơi khác hương vị không được như thế này đâu. Nhiều người không ăn được món ăn ở Quảng Trị là vì cay, nhưng nếu món đó được nêm theo đúng khẩu vị của khách du lịch thì lại mất đi hương vị vốn có của nó. Con người cũng vậy, người nơi đây hiếu khách, không câu nệ chuyện khách du lịch từ vùng miền nào tới, nhưng hễ tới đây thì cũng đều được đối xử như dân bản địa…”.

Di tích trường Bồ Đề bị bom đạn tàn phá. Ảnh: Đ.Tùng
Di tích trường Bồ Đề bị bom đạn tàn phá. Ảnh: Đ.Tùng

Thành cổ níu kẻ phương xa

Cách TP.Đông Hà khoảng 20km về phía Nam, TX.Quảng Trị là nơi còn lưu lại khá nhiều chiến tích về cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa. Để tới thành cổ, chúng tôi phải đi ngang qua cầu Thạch Hãn bắc qua sông Thạch Hãn, nơi hàng năm vẫn diễn ra lễ thả hoa cầu siêu cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ mùa hè 1972. Dạo một vòng quanh trung tâm thị xã, tôi cảm thấy nơi đây có một nét gì đó trầm lắng, vắng vẻ, những góc phố, những ngôi nhà đều toát lên một vẻ cũ kỹ, đặc biệt là di tích trường Bồ Đề với những vết bom đạn lỗ chỗ như tổ ong ở ngay trung tâm thị xã. Dường như cuộc sống tại đây không gì là tất bật, có vẻ chậm chạp, con người và xe cộ, tất cả đều di chuyển một cách từ tốn, không lấy gì làm vội vàng.

Di tích Thành cổ Quảng Trị là nơi từng diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt mà đỉnh điểm là cuộc chiến bảo vệ thành cổ suốt 81 ngày đêm vào mùa hè năm 1972. Thành được xây dựng từ thời vua Gia Long, ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000m, cao 9,4m, dưới chân dày 12m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn, kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính Đông - Tây - Nam - Bắc. Nhưng đó là những gì ghi chép trong sử liệu, còn thành cổ hiện nay sau trận chiến năm 1972 toàn bộ thành cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Đứng trên tường thành đã được tôn tạo nhìn xuống bờ tường cũ ngày xưa, tôi đã có thể hình dung được phần nào sự hùng vĩ của một công trình kiến trúc quân sự thời phong kiến với các ụ pháo, hào nước…

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tỉnh Quảng Trị cho phục chế và tôn tạo di tích thành cổ để làm điểm thu hút khách du lịch, với người dân địa phương đây là vùng đất tâm linh với những câu chuyện kể về cuộc chiến bi hùng năm xưa. Anh Lũy cho biết, đến tận ngày hôm nay công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn được tiếp tục thực hiện, trên bất kỳ mảnh đất nào nếu đào bới kỹ có thể phát hiện bom mìn hoặc hài cốt còn sót lại trong cuộc chiến.

Đọc những bức thư được lưu lại trong bảo tàng cuộc chiến thành cổ, nhiều người đã không kềm được nước mắt khi thấy những tấm hình, những dòng nhật ký viết vội, những trang thư lấm lem vết máu… Biết bao người từ phương xa tới đây đã rơi lệ khi nhận ra được trong vô vàn bức thư ấy có nét chữ của chồng, của con, của anh, em mình.

“Đường Trường Sơn, Khe Sanh, sông Bến Hải… dường như đâu đâu ở Quảng Trị cũng đều từng là chiến trường ác liệt. Gió Lào khô nóng bao nhiêu, càng thể hiện sự kiên cường của người Quảng Trị bấy nhiêu, trong gian khó thì người ta mới làm nên kỳ tích mà” , vỗ vai tôi rồi chậm rãi bước từng bước xuống chân thành cổ, anh Lũy trút hết bầu tâm sự của mình trong cái nóng “nung” người của miền đất này.

Đăng Tùng

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều