Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Khát vọng đổi đời

10:05, 30/05/2014

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những Việt kiều Campuchia vẫn cố gắng bám trụ, xem Mã Đà là quê hương ruột thịt gắn bó suốt đời.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những Việt kiều Campuchia vẫn cố gắng bám trụ, xem Mã Đà là quê hương ruột thịt gắn bó suốt đời. Mấy năm trở lại đây, việc nhập quốc tịch, hộ khẩu cho Việt kiều Campuchia được địa phương giải quyết kịp thời, hợp lý. Khi vấn đề này không còn trở ngại, nhiều người đã cố gắng lao động, kiếm thêm thu nhập từ các nghề phụ. Vào làng Việt kiều Campuchia vào những ngày thu hoạch xoài, cá bè mới thấy cuộc sống của bà con giờ đang đổi thay từng ngày.

>>>Trở về quê mẹ (Bài 1)

Trẻ em chơi với nhau khi người lớn đi làm xa.
Trẻ em chơi với nhau khi người lớn đi làm xa.

Tuy vẫn còn nằm trong diện hộ nghèo nhưng đối với nhiều người, kể từ ngày chấm dứt cảnh vô gia cư, cuộc sống gia đình họ đang dần ổn định.

Niềm tin tương lai

Thấy chúng tôi vào thăm, đám trẻ con khoảng 10-15 em tò mò chạy theo. Ở xóm bè này, gia đình ít cũng có 4 con, nhiều hơn thì đến 8-9 con, đứa lớn chỉ cao hơn đứa kế nửa cái đầu. Trong số đó, có không ít trẻ sinh ra ở Biển Hồ, giờ về đây không có giấy khai sinh dù đang ở độ tuổi 10-12 và phải chịu cảnh mù chữ.

Tính đến tháng 8-2013, tổng số Việt kiều Campuchia sinh sống trên địa bàn xã Mã Đà có gần 500 hộ, khoảng 2,5 ngàn nhân khẩu; trong đó có gần 2 ngàn người trên 14 tuổi và khoảng 300 khẩu chưa đăng ký thường trú.

Gia đình chị Võ Thị Phượng (ngụ ấp 4, xã Mã Đà) có 4 người con, 2 đứa đầu đã có giấy khai sinh và được đến trường. Đông con, thiếu việc nên chuyện sinh tiếp em bé với người mẹ trẻ vẫn chưa có ý định dừng lại. “Tôi ít hiểu biết nên mới đẻ nhiều con, đứa trước chưa kịp lớn, đứa sau đã ra đời. Cứ thế, nó thành cái vòng luẩn quẩn, nghèo hoàn nghèo. Không riêng vợ chồng tôi, ở đây gia đình nào cũng đông con, nên cuộc sống chật vật lắm. Tuy là làng sống tạm cư, nhưng dẫu sao còn khá hơn khi ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Ở đây có rẫy, lại gần hồ Trị An nên không đi đánh cá thì làm mướn cũng sống được” - chị Phượng chia sẻ.

Cách “nhà” chị Phượng không xa là túp lều mái lợp bằng những tấm nhựa đã bạc màu theo nắng gió của gia đình anh Nguyễn Văn Thân. Ngồi vá lưới trong căn lều bốn bề vi vút gió, anh Thân buồn rầu cho biết: “Nhà tôi ở cách mép nước có 10m đất, nhiều đêm nằm cứ chập chờn lo sợ gió thổi sập lều, lo nước lớn cuốn mấy đứa con xuống lòng hồ”.

Tám anh em nhà anh Thân ai cũng nhiều con nên cha anh, ông Nguyễn Văn Triệu (70 tuổi), cất cho mỗi người con một căn lều rộng chừng 30m2, sống xung quanh nhau. Ban ngày người lớn đi làm xa, lũ trẻ bày trò chơi đùa, chạy ríu rít trên bãi đất trống. Chơi chán, chúng cầm mấy trái xoài chín rụng ăn vội rồi lăn ngủ ngay ở đó.

Theo ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 4, việc chăm lo học hành cho trẻ em ở đây đã dần được chú trọng. Số lượng trẻ lên lớp cao tuy không nhiều, nhưng hàng năm cán bộ ấp vẫn dành nhiều suất quà để động viên tinh thần các em khi lễ, tết đến.

“Năm nay, tôi vừa vận động xây dựng quỹ học bổng, hỗ trợ cho 4 em trong ấp có kinh phí đi thi đại học. Chưa có năm nào mà ấp 4 có học sinh thi đại học nhiều như bây giờ. Đây là niềm khích lệ, động lực lớn để lớp trẻ sau này nuôi ước mơ tìm con chữ, thoát khỏi đói nghèo để cha mẹ chúng mừng” - ông Thu tâm sự.

Thay đổi cuộc sống

Ông Trần Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà, cho biết qua khảo sát thực tế, đa số các hộ dân Việt kiều Campuchia ở đây đều có nguyện vọng được đăng ký nhập khẩu tại địa phương để ổn định cuộc sống lâu dài và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật. “Những gia đình chưa nhập khẩu là do họ mới hồi hương vài năm trở lại đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập hồ sơ và dần cấp giấy tờ để bà con lo an cư, lập nghiệp. Riêng những hộ dân có thời gian định cư từ 10 năm trở lên, đã được địa phương lo các thủ tục nhập quốc tịch, hộ khẩu” - ông Sơn nói.

Những bè cá lồng đang dựng lên trên hồ Trị An, hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc sống của bà con Việt kiều Campuchia nơi đây.
Những bè cá lồng đang dựng lên trên hồ Trị An, hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc sống của bà con Việt kiều Campuchia nơi đây.

Khi vấn đề nhập quốc tịch, hộ khẩu… không còn là điều trở ngại, nhiều người đã cố gắng lao động, tăng gia sản xuất và đã xuất hiện một số hộ có đời sống kinh tế khá giả.

Lồng bè nuôi cá bống tượng và ba ba của ông Huỳnh Văn Chót (ngụ ấp 4, xã Mã Đà) những năm qua trở thành nguồn thu lớn của gia đình. Từ 2 bàn tay trắng, sống vất vưởng đây đó, ông Chót đã vươn lên thoát cảnh nghèo. 3 người con của ông Chót cũng được cha truyền lại bí quyết nuôi cá bống tượng, giống cá đặc sản vùng nước nổi để làm ăn.

Cất lên mẻ cá bống tượng sắp xuất bán, ông Chót tâm sự: “Lúc cao điểm, tôi thả 1 ngàn con cá giống và đến cuối năm xuất bán hơn 250 triệu đồng. Mai đây, tôi còn có ý định nuôi cá sấu, tận dụng nguồn nước sạch và thủy sản trên hồ làm thức ăn cho chúng, hy vọng sẽ thuận lợi”.

Còn ông Tô Văn Sẻn (44 tuổi) rất phấn khởi khi được địa phương cho nhập lại hộ khẩu sau nhiều năm rời bỏ quê hương sang Campuchia tạm cư. Năm 1995, gia đình ông quyết định về Việt Nam ở hẳn. 6 người trong nhà ông được nhập hộ khẩu, làm khai sinh cho con và cất nhà định cư.  2 đứa con lớn của ông cũng xin được việc làm trong một công ty. “Chúng tôi không lo đói nữa, mà giờ tìm cách ổn định cuộc sống. Với hơn 2 hécta xoài đang ra trái, mỗi năm gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập khá. So với những làng Việt kiều ở các tỉnh: Long An, Bình Dương và Tây Ninh, bà con ở đây dễ thở hơn. Chỉ tiếc là điện chưa có (do đường dây chưa kéo tới), đường đi còn khó khăn nên nông sản làm ra hay mất giá, bị thương lái bắt chẹt” - ông Sển nói.

Sau hàng chục năm tha phương mưu sinh, bà con Việt kiều Campuchia đã trở về quê hương, ai cũng khao khát một mái nhà để an cư, con cháu có cơ hội cắp sách đến trường. Giấc mơ ấy dần được hiện thực hóa bởi chính sự vươn lên, muốn yên ổn lập nghiệp của những người dân cần cù.

Thanh Hải

[links()]

 

 

 

 

Tin xem nhiều