Dịch vụ y tế ở bệnh viện: được và chưa được
Hàng ăn trong bệnh viện, có nên khoán trắng cho thầu?

10:10, 19/10/2006

Trong quá trình điều trị bệnh, cùng với điều trị bằng thuốc, điều trị bằng dinh dưỡng là một trong những khâu quan trọng. Song, hiện nay, hàng ăn, căn tin ở nhiều bệnh viện gần như khoán trắng cho thầu. Và "thượng đế" đã phải gánh chịu hệ lụy từ cơ chế thầu này...

Không chịu nổi tiền cơm căn tin đắt đỏ và cái chật chội trong phòng bệnh thường, một số bà mẹ đưa con ra hành lang ăn cơm xin được ở chùa.

Trong quá trình điều trị bệnh, cùng với điều trị bằng thuốc, điều trị bằng dinh dưỡng là một trong những khâu quan trọng. Song, hiện nay, hàng ăn, căn tin ở nhiều bệnh viện gần như khoán trắng cho thầu. Và "thượng đế" đã phải gánh chịu hệ lụy từ cơ chế thầu này...

 

* Ai ra giá cho dịch vụ ăn uống?

 

Một thực tế cho thấy, hầu hết các bếp ăn và hàng bán trong bệnh viện (BV) trên địa bàn Đồng Nai đều được khoán thầu. Việc khoán thầu một phần tạo điều kiện tự chủ trong kinh doanh của nhà thầu, nhưng đồng hành với nó là nguy cơ bỏ ngỏ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi thực hiện khoán thầu, tất nhiên Công đoàn BV phải có vai trò giám sát, song qua tìm hiểu thực tế thấy phía BV rất ít hoặc gần như không có biện pháp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các nhà thầu. Vì thế, ở một số BV lớn, tình trạng nhà thầu "tư tung, tự tác" bán hàng với giá cao, chất lượng kém, thực phẩm không vệ sinh và an toàn, nhân viên nấu ăn không được khám phát hiện các bệnh nhiễm... vẫn đang tồn tại.

Trước đây, khu căn tin ở BV đa khoa Đồng Nai vốn chật hẹp, tối tăm và rất mất vệ sinh, giờ được một nhà thầu mới đến xây dựng, sửa sang lại có phần khang trang và sạch sẽ hơn, việc cải thiện này là một đổi thay đáng mừng. Bởi nơi đây, mỗi ngày có đến hàng trăm suất ăn được cung cấp cho người bệnh, thân nhân người bệnh và cả cho cán bộ nhân viên y tế của BV. Tuy nhiên, hiện giá các suất ăn và một số mặt hàng nhu yếu phẩm khác ở đây vẫn bán cao hơn khá nhiều so với bên ngoài. Khi được "chất vất" về việc này, người của nhà thầu "giải thích": "Mỗi tháng chúng tôi phải đóng cho Công đoàn BV ĐK Đồng Nai 60 triệu đồng, ngoài ra còn phải đóng thuế kinh doanh cho nhà nước. Vào được đây còn phải bỏ ra hơn ba mươi triệu đồng để xây sửa lại khu căn tin. Nếu bán giá "bình dân" như ở ngoài làm sao đủ "sở hụi"!?. Còn ở căn tin của BV nhi Đồng Nai hiện cũng do một nhà thầu đảm trách kinh doanh. Phải nói rằng, khó có thể bảo đảm an toàn - vệ sinh thực phẩm trong điều kiện chế biến và lưu trữ thực phẩm ở một môi trường nhà bếp vệ sinh rất kém. Song, điều đáng nói hơn khi đây là một nhà thầu không chuyên nghiệp, mà chỉ là những người nấu ăn theo tính chất gia đình, nên những người phục vụ ở căn tin đều không được qua tập huấn về vệ sinh - an toàn thực phẩm trong chế biến, bếp ăn không theo quy trình chế biến một chiều, nhân viên phục vụ không biết cách phân loại và bảo quản thực phẩm sống, không trang bị các phương tiện chế biến thức ăn theo tiêu chuẩn của một bếp ăn tập thể... Vậy mà nơi đây, mỗi ngày có hàng vài trăm suất ăn được cung cấp cho trẻ em và phụ huynh các em. Về giá cả, hàng ăn và những mặt hàng khác cũng được bán giá cao hơn khá nhiều so với bên ngoài. Mặt hàng sữa, nhất là sữa ngoại, thường được bán giá cao hơn bên ngoài từ 5 - 10 ngàn đồng/hộp, đặc biệt đồ chơi trẻ em là mặt hàng mà nhà thầu thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Có thể thấy ngay nguyên nhân của tình trạng căn tin "chém, chặt" "thượng đế" ở các BV là do xuất phát từ việc phải đóng "thầu" cao. Cũng có người cho rằng: "Căn tin bán, ai có nhu cầu thì ăn, thì mua, không ai ép!". Thế nhưng, căn tin của các BV gần như ở thế độc quyền, trong khi người bệnh và thân nhân người bệnh khó có điều kiện đi xa ra ngoài ăn uống, họ có thể làm khác được không ngoài việc đành chấp nhận mức giá này.

Hàng bán trong BV, dù là kinh doanh đi nữa, nhưng môi trường BV vẫn là nơi hoạt động mang tính chất phục vụ, Ban giám đốc BV cần quản lý các DV  thuộc phạm vi BV mình, không nên khoán trắng cho thầu, công đoàn có thể thực hiện theo phương thức cũng thu tiền hàng tháng của nhà thầu nhưng với một khoản tiền vừa phải, để người bệnh và thân nhân của họ không phải "gánh" lấy cái đắt đỏ thay cho nhà thầu khi nhà thầu phải "gánh" cái đắt đỏ từ BV.

 

* Cần nhân rộng mô hình bếp ăn chất lượng cao

 

           Trước đây cũng như nhiều BV khác, bếp ăn tập thể (BĂTT) ở BV ĐKKV Thống Nhất cũng được khoán trắng cho thầu. Ở căntin thầu ấy thường xuyên xảy ra tình trạng cãi cọ, kẻ mua, người bán không hài lòng nhau, BV không kiểm soát được giá cả và vệ sinh-an toàn thực phẩm... Nhưng từ năm 2003 đến nay, khi khoa dinh dưỡng được hình thành, BV đã xóa bỏ hình thức thầu thay vào đó là tổ chức một BĂTT chất lượng cao với tính chất phục vụ nuôi ăn bệnh lý cho bệnh nhân, cung cấp suất ăn cho thân nhân người bệnh, cho đội ngũ nhân viên y tế BV, đồng thời bán một số hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết cho những người nằm viện.

           Hiện nay, khu nhà ăn đã được xây mới sạch sẽ, thoáng mát và chia làm hai phòng: nơi ăn uống cho nhân viên y tế của BV và nơi ăn uống của thân nhân người bệnh. Ở bếp ăn này, các nhân viên được khám bệnh định kỳ phòng ngừa các bệnh nhiễm, mặc đồng phục và thái độ phục vụ tương đối  chu đáo. Bếp ăn còn được giám sát bởi một bác sĩ và một cử nhân dinh dưỡng, hàng ngày kiểm tra các hoạt động liên quan đến thực phẩm, chế biến, lưu mẫu thực phẩm. Quy trình chế biến được tiến hành một chiều.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huỳnh, Trưởng khoa dinh dưỡng BVĐKKV Thống Nhất cho biết: "Với giá 6 ngàn đồng/suất ăn trong điều kiện giá cả tăng cao như hiện nay với chúng tôi có phần chật vật. Nhưng bù lại, chúng tôi được đa phần người bệnh và thân nhân của họ ủng hộ. Hiện nay ở BV gần như  rất ít người đi ăn hàng quán ở ngoài. Hiện mỗi ngày chúng tôi cung cấp đến 2.600 suất ăn, trong đó có khoảng 900 suất ăn cho người bệnh nội trú (nhân viên đưa xuống tận phòng bệnh). Đặc biệt ở đây, chúng tôi tổ chức nuôi ăn theo bệnh lý cho người bệnh. Những bệnh khác nhau được ăn thực phẩm khác nhau có lợi cho sức khoẻ người bệnh. Còn ở quầy bán hàng nhu yếu phẩm cũng do BV quản lý nên hầu như không xảy ra tình trạng bán quá giá".

Hàng ăn trong BV - nơi cung cấp bữa ăn cho người bệnh và nhân thân của họ - đây cũng là một khâu trong điều trị bệnh và tái tạo sức khỏe cho những người phải ở BV. Việc quản lý về chất, lượng và giá cả cần được chính Ban giám đốc mỗi BV quan tâm. Không  nên để người bệnh và thân nhân của họ vừa phải chịu áp lực của bệnh tật, vừa phải gánh chịu sự "chém chặt" của những nhà thầu trong BV.    

 

 Phương Liễu

(Còn tiếp)

 

 

Tin xem nhiều