Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp sức vì Đồng Nai thân yêu

10:09, 15/09/2021

Gần 3 tháng qua, Đồng Nai liên tục nhận được sự hỗ trợ tích cực về nhân lực lẫn vật lực từ phía Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương, các địa phương… trong cả nước.

Gần 3 tháng qua, Đồng Nai liên tục nhận được sự hỗ trợ tích cực về nhân lực lẫn vật lực từ phía Bộ Y tế, các bệnh viện trung ương, các địa phương… trong cả nước.

Các sinh viên tình nguyện Trường đại học Y dược Huế tham gia lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: An Yên
Các sinh viên tình nguyện Trường đại học Y dược Huế tham gia lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: An Yên

Sự giúp đỡ kịp thời trong lúc dầu sôi lửa bỏng góp phần giúp Đồng Nai có thêm sức mạnh, từng bước kiểm soát dịch bệnh.

* Gác lại niềm riêng

Đầu tháng 7-2021, khi số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai bắt đầu tăng nhanh, đặc biệt là tại H.Thống Nhất, Bộ Y tế đã cử tổ công tác gồm 7 thành viên do TS-BS Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh triển khai các hoạt động lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, hỗ trợ công tác điều trị, hướng dẫn đảm bảo an toàn sinh học, phòng, chống dịch, xử lý dịch bệnh trong khu cách ly y tế, khu công nghiệp, công sở, trường học và khu vực công cộng.

Theo TS-BS Nguyễn Đức Sơn, thời gian đầu, tổ công tác tăng cường đi thực tế tại các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu cách ly, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại H.Thống Nhất, sau đó đến ổ dịch tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) và trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Đến khoảng đầu tháng 8, sau khi nắm vững được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Tổ công tác đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch xét nghiệm Covid-19 diện rộng trong toàn tỉnh, tập trung ở những khu vực có nguy cơ cao, rất cao nhằm sớm bóc tách F0 trong cộng đồng. Kế hoạch này được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và tỉnh đã triển khai thực hiện đồng loạt tại 11 huyện, thành phố.

Kết quả qua chiến dịch xét nghiệm diện rộng đã phát hiện hơn 5,5 ngàn ca F0, đưa đi cách ly tập trung và điều trị. Nhờ thực hiện hiệu quả chiến dịch xét nghiệm diện rộng mà đến nay, tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh ở cộng đồng trên địa bàn tỉnh thấp hơn rất nhiều so với thời điểm chưa thực hiện chiến dịch.

“Thành viên trong đoàn có người ở Hà Nội, có người đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Một số người trong số đó có con nhỏ. Hơn 2 tháng ở Đồng Nai hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, chúng tôi rất nhớ gia đình. Tuy nhiên, ai cũng sẵn sàng gác lại niềm riêng để chung tay hỗ trợ, mong Đồng Nai sớm đẩy lùi được dịch bệnh” - TS-BS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Đang hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn TP.Biên Hòa, chị Lý Huyền Trang, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Điều dưỡng Nam Định cho hay, sau khi nhà trường phát động hỗ trợ các tỉnh miền Nam dập dịch Covid-19, chị là một trong những người đăng ký đầu tiên. Trước khi chị Trang lên đường vào Đồng Nai, cha mẹ chị rất ủng hộ và động viên chị cố gắng giữ sức khỏe, phải bảo đảm an toàn cho bản thân trong quá trình làm việc, tránh lây nhiễm chéo ảnh hưởng đến hoạt động của cả đoàn.

Nói về công việc hằng ngày của mình, anh Hoàng Văn Châu, sinh viên Trường đại học Y dược Huế (Đại học Huế) cho hay, đoàn hỗ trợ của trường gồm 105 người, vào Đồng Nai từ ngày 17-8. Hằng ngày, anh Châu cùng với các bạn tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa, có đôi khi tham gia công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Khi nào địa phương cần nhân lực và điều động đi đâu, các tình nguyện viên đều vui vẻ chấp hành.

“Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi tiếp xúc với khá nhiều F0. Ban đầu chúng tôi cũng có chút lo lắng, nhưng đã xác định tâm lý ngay từ đầu, mặc đồ bảo hộ đầy đủ, cứ 3-4 ngày/lần lại được xét nghiệm PCR nên tôi và các bạn khá yên tâm khi làm nhiệm vụ” - anh Châu tâm sự.

* Khi nào hết dịch mới về

Các sinh viên, điều dưỡng, bác sĩ ở các địa phương khác đến giúp Đồng Nai chống dịch chia sẻ, họ lên đường đến Đồng Nai hỗ trợ công tác phòng, chống dịch hoàn toàn tự nguyện. Đó là mệnh lệnh của trái tim những y, bác sĩ. Do vậy, họ xem những vất vả, khó khăn, hiểm nguy trong những ngày làm việc ở Đồng Nai là trải nghiệm khó quên trong đời, không kêu ca, phàn nàn.

Với tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, họ sẵn sàng đối mặt và vượt qua khó khăn chỉ với mong muốn duy nhất là Đồng Nai mau “khỏe” trở lại, người dân sớm được trở về cuộc sống bình thường.

BS Đào Tiến Trung, đến từ tỉnh Hà Nam cho hay, đoàn hỗ trợ của tỉnh Hà Nam vào Đồng Nai có 30 y, bác sĩ. Trước khi vào “điểm nóng” của dịch bệnh, các thành viên trong đoàn đều có tâm lý khá thoải mái, mong muốn được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

“Chúng tôi xác định sẽ ở đây hỗ trợ đến khi nào Đồng Nai hết dịch mới về. Trong đoàn có 1 bác sĩ có vợ chuẩn bị sinh con nhưng vẫn lên đường vào miền Nam, mọi việc ở nhà đều nhờ người thân hỗ trợ” - BS Đào Tiến Trung cho biết.

“Chúng tôi vừa tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19, vừa tham gia công tác khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng ở các khu cách ly tập trung; hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, truy vết F0, F1. Nhiều người lần đầu vào miền Nam chưa quen với đồ ăn, thời tiết ở đây nhưng lãnh đạo H.Vĩnh Cửu và Trung tâm Y tế huyện rất quan tâm nên ai cũng đã quen, ngủ ngon sau mỗi ngày làm việc vất vả” - BS Trung chia sẻ thêm.

Trân trọng sự giúp đỡ của các đoàn tình nguyện viên các tỉnh phía Bắc, BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu cho hay, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các tình nguyện viên mà H.Vĩnh Cửu có thêm nhân lực phòng, chống dịch; nhân viên y tế của huyện giảm bớt phần nào áp lực, quá tải. H.Vĩnh Cửu rất biết ơn các tình nguyện viên.

An Yên - Hoàn Lê

Tin xem nhiều