Đại thắng mùa Xuân 47 năm trước đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến thần kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến phi nghĩa chia cắt dân tộc Việt Nam đằng đẵng 21 năm, vĩnh viễn kiến tạo non sông Bắc - Nam liền một dải. Đó là giá trị lịch sử vô giá, tuyệt đối không được phép tùy tiện suy diễn, bóp méo, bôi nhọ.
Đại thắng mùa Xuân 47 năm trước đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến thần kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến phi nghĩa chia cắt dân tộc Việt Nam đằng đẵng 21 năm, vĩnh viễn kiến tạo non sông Bắc - Nam liền một dải. Đó là giá trị lịch sử vô giá, tuyệt đối không được phép tùy tiện suy diễn, bóp méo, bôi nhọ.
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15-5-1975). Ảnh: TTXVN |
Những luận điệu lệch lạc, phủ nhận, bác bỏ từ những kẻ phản động lưu vong cố tình bơi ngược dòng lịch sử sẽ không thể làm lu mờ ý nghĩa sự kiện ngày 30-4-1975 đối với tiến trình phát triển đất nước ta và bị những người Việt Nam yêu nước kịch liệt tẩy chay, nhấn chìm giữa dòng chảy thời đại.
* Phủ nhận chiến thắng 30-4 là đắc tội phản bội
Một chương trình của Phố Bolsa TV trên YouTube xoay quanh cái gọi là 30-4: Giải phóng, Thống nhất, Quốc hận hay Mất nước? Các khách mời áp đặt suy nghĩ chủ quan qua khẩu khí tranh luận tên gọi nào thích hợp cho sự kiện, theo cách họ muốn. Một số bộc lộ thái độ cay cú, phản ứng nảy lửa khi đối phương đưa ra ý kiến trái chiều. Video clip có thời lượng gần 1 giờ thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem tính đến thời điểm này; nhưng đáng chú ý hơn cả là gần 13 ngàn phản hồi phía dưới. Khán giả đủ tinh tế, sáng suốt để phân biệt ai đúng, ai sai. Đa số những người xưng là công dân Việt Nam hoan nghênh anh Nguyễn Hồng Phúc, nhân vật trẻ tuổi nhất (sinh trước năm 1975) tham gia “bàn tròn”, vì đã có “tư duy tiến bộ, khách quan, ủng hộ chính nghĩa, chân lý, lẽ phải, yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, đặt dân tộc lên trên hết”… Anh này bày tỏ chính kiến: “Dân tộc tôi trên hết. Việt Nam vẫn là một nước, chỉ những người chống lại Việt Nam mới chia ra. Việt Nam muôn thuở vẫn là Việt Nam. Tôi không tin 30-4 là “mất nước”, nước Việt Nam còn nguyên ở đó, chỉ đổi chế độ. Hồi đó, gia đình tôi cũng có người đi bên này người đi bên kia, chiến tranh mà. Tại sao dân tộc giết nhau? Tôi vui vì đất nước không còn chiến tranh”. Người xem đánh giá “đó là những phát ngôn dũng cảm, bản lĩnh, đúng đắn, tuyệt vời, trong sáng, không đen tối, ích kỷ như mấy lão già quẫn trí ngồi cùng bàn”; “những phân tích đều cho thấy văn hóa và kiến thức hiện hữu trong anh Phúc rất có tầm”, “anh Phúc nhìn nhận khách quan và tôn trọng lịch sử”…
Ngược lại, một số kẻ ngông cuồng vỗ ngực “thoát cộng” đang hiện diện ở xứ sở không phải Việt Nam, cổ súy câu chuyện bằng lối suy nghĩ què quặt, giọng điệu xảo trá: “hận Cộng sản xâm lăng miền Nam Việt Nam”, “Cộng sản xâm chiếm nước Việt Nam Cộng hòa nên nói “mất nước” là đúng”, “cá nhân tôi và đảng phái, hội đoàn người Việt ở hải ngoại chỉ chấp nhận 30-4 là ngày quốc hận, tháng Tư đen”… đã lập tức vấp phải chỉ trích gay gắt từ phía khán giả. Mấy kẻ ấu trĩ loạn ngôn bất chấp, kiểu: “30-4 là ngày đại họa cho đất nước vì sau 30-4, người cộng sản chủ trương vô Tổ quốc, vô gia đình, vô dân tộc”, liền bị khán giả để lại bình luận đó là những lời lẽ vô lý, xằng bậy, vô cảm, chả hiểu gì về lịch sử: “ông Kỷ, ông Phong để hận thù cá nhân che mất lý trí, ăn nói vớ vẩn, xem đi xem lại vẫn thấy buồn cười”, “một đất nước thống nhất thì phải ăn mừng, còn kẻ đi theo giặc, theo con đường không chính nghĩa thì phải nhận ra đó là một sai lầm”; “dân trong nước gọi 30-4 là ngày giải phóng, họ cảm thấy hạnh phúc, còn mấy người bảo thủ, cố chấp “quốc hận” chỉ là thiểu số, không đại diện cho người Việt Nam”…
“Ma trận” xuyên tạc sự kiện 30-4 mà các phương tiện truyền thông nước ngoài như: Phố Bolsa TV, BBC, RFA, VOA và nhiều trang mạng xã hội có nội dung phản động tung ra những năm gần đây không dễ đánh lừa người dân Việt Nam. Công chúng luôn tỉnh táo, bình tĩnh, rạch ròi nhận ra rằng, phía sau tất cả luận điệu của kẻ xấu đều phục vụ ý đồ làm cho giới trẻ lung lạc, hoài nghi, nhận thức mơ hồ về lịch sử, qua đó gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, chà đạp, cản trở sự phát triển của đất nước. Mào đầu “Giới trẻ trong nước nghĩ gì về “biến cố” 30-4?”, “Tâm tư người trẻ về 30-4”, tác giả các bài viết (thực chất là bọn lưu vong phản quốc, phần tử cơ hội chính trị) đã dựng lên chân dung một số người Việt trẻ gọi 30-4 là một “biến cố buồn”, vẽ ra cái gọi là “sự phân cực” giữa giới trẻ Việt Nam, rồi lớn tiếng kêu gọi “nếu còn thiết tha, hãy giúp một tay để lịch sử dân tộc không bị đánh mất”… Những giọng điệu ác ý, thâm độc đó bị phê phán là phi lịch sử, sai trái. Ai đó, vì bất cứ lý do gì, nuối tiếc cái quá vãng để gieo rắc ý thức “quốc hận, phục quốc” một cách có chủ đích, là xa lạ, đi ngược lại tinh thần khoan dung, hòa hợp dân tộc và có tội với Tổ quốc Việt Nam. Trước khi buông lời mạt sát, chọc ngoáy, kích động, hãy nhớ lại câu nói đầy ý nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà trong cuộc gặp cựu Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ngày 2-5-1975: “Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ”. Giờ phút chiếc xe Ford chuyển bánh đưa ông Minh ra khỏi Dinh Độc Lập trở về với gia đình, cựu tổng thống phấn khích: “Thôi, giã từ quá khứ chết chóc. Vĩnh viễn hòa nhập vào đời sống hòa bình”.
* Sự thật lịch sử chỉ có một
11 giờ ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc tung cổng chính dinh Độc Lập đã lập tức trở thành hình ảnh “huyền thoại” truyền cảm hứng mạnh mẽ bậc nhất cho người Việt Nam đến ngày nay. Để có thể làm nên khoảnh khắc tuyệt diệu ngay sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, cách đó ít giờ, chiếc xe tăng này đã cùng các “đồng đội” dũng mãnh băng qua làn hỏa lực địch dữ dội khi đột kích vượt cầu Sài Gòn với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Các pháo thủ phải đau lòng chứng kiến đồng chí mình hy sinh tại chỗ, ngay trước giờ toàn thắng.
11 giờ 30 phút, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, cắm lá cờ quân giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, chính thể gọi là “Việt Nam Cộng hòa” do Mỹ dựng lên hoàn toàn sụp đổ. Giây phút thiêng liêng đó khiến đồng bào cả nước hân hoan, xúc động bởi ước mong đoàn tụ nay đã thành sự thật, thỏa lòng khát khao của bao con xa cha, vợ xa chồng, mang trong mình nỗi đau miên viễn hơn hai thập kỷ ly biệt kẻ Bắc - người Nam. Không còn cảnh đổ máu đồng bào bắn giết lẫn nhau, từ đây “Đất nước trọn niềm vui” như cảm xúc thăng hoa không thể trọn vẹn hơn của nhạc sĩ Hoàng Hà: “Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng!”.
Kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước là lúc gần trăm triệu dân Việt Nam hôm nay siết chặt vòng tay nồng ấm dưới mái nhà chung, hóa giải tổn thương, xung đột, xóa bỏ hận thù, cùng nhìn về một hướng, bước chung con đường tương lai rạng rỡ… Thành công vượt bậc, to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử ở Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới đang thôi thúc người dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, vững tin vượt khó, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra là, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
“Chiến thắng 30-4 sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi trở ngại, vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi huy hoàng”, như lời khẳng định chắc nịch của vị tướng đặc biệt Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia giải phóng Sài Gòn năm xưa.
Vĩnh Thắng