Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động công chứng

10:11, 26/11/2021

Đồng Nai là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, dân số đông thứ 5 của cả nước. Do đó, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh luôn diễn ra sôi nổi.

Đồng Nai là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, dân số đông thứ 5 của cả nước. Do đó, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh luôn diễn ra sôi nổi.

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 4 (H.Long Thành) Nguyễn Thị Hồng Vân (bìa trái) hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch công chứng. Ảnh: Đ.Phú
Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 4 (H.Long Thành) Nguyễn Thị Hồng Vân (bìa trái) hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch công chứng. Ảnh: Đ.Phú

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 4 (H.Long Thành) Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, số lượng hội viên và tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng, văn phòng công chứng (VPCC) ngày càng tăng. Đa số hội viên đều có ý thức tự giác, tự trọng, xây dựng, bảo vệ nghề nghiệp; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, đảm bảo đúng yêu cầu pháp luật, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

* Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo Hội Công chứng viên tỉnh, 5 năm qua (2015-2020), Hội luôn quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; kịp thời kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng.

Hội Công chứng viên tỉnh được thành lập vào năm 2015 với 55 hội viên, 26 tổ chức hành nghề công chứng. Đến nay, Hội có 133 hội viên, 62 tổ chức hành nghề công chứng.

Cụ thể, năm 2016, thực hiện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 79 Luật Công chứng năm 2014 về chuyển đổi VPCC do 1 công chứng viên thành lập sang VPCC (hợp danh) có từ 2 công chứng viên trở lên, có một số VPCC khi làm thủ tục chuyển đổi có nguyện vọng được giữ lại tên gọi đã đăng ký trước đây (tên gọi cũ) để giữ lại thương hiệu, tránh những khó khăn tốn kém cho văn phòng sau khi chuyển đổi. Trước kiến nghị của các hội viên, Hội Công chứng viên tỉnh đã kiến nghị Sở Tư pháp xem xét cho các VPCC được thành lập trước ngày Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành, được giữ nguyên tên gọi đã đăng ký nếu không thay đổi một trong các nội dung của Khoản 2, Điều 24, tức không thay đổi về tên gọi, trụ sở và trưởng VPCC.

Ngoài ra, trước tình trạng mua bán, sử dụng giấy tờ giả xuất hiện nhiều trong thời gian qua, Hội Công chứng viên tỉnh đã đưa những chuyên đề về kỹ năng nhận diện giấy tờ giả, giả mạo chủ thể và các kỹ năng xử lý khi phát hiện giấy tờ giả, giả mạo chủ thể trong các hợp đồng, giao dịch vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm.

Hội cũng kịp thời thông tin về các thủ đoạn tinh vi trong việc sử dụng các giấy tờ và văn bản giả mạo đến các tổ chức hành nghề công chứng để đề cao cảnh giác. Song song đó, Hội đã triển khai một nhóm Zalo để các công chứng viên trên địa bàn tỉnh cùng chia sẻ và thông tin kịp thời về tình trạng giả người, giả giấy tờ… đã được cơ quan, tổ chức khác phát hiện để mọi người nhận biết trong hoạt động công chứng, chứng thực, cảnh báo nhanh chóng, kịp thời, góp phần bảo vệ lẫn nhau khi hành nghề công chứng, đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch công chứng cũng như quyền lợi của khách hàng.

* Tăng cường tập huấn kỹ năng nghiệp vụ

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết thêm, từ khi thành lập đến nay, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề công chứng, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp cho công chứng viên được Hội đặc biệt quan tâm và chủ động thực hiện.

Hằng năm, để nâng cao chất lượng hoạt động nghề công chứng, Hội đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ bằng hình thức giao lưu tọa đàm và mời báo cáo viên cùng trao đổi những chuyên đề thiết thực. Tùy vào tình hình thực tế liên quan đến hoạt động công chứng và nhu cầu của công chứng viên mà Hội phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch, nội dung bồi dưỡng phù hợp cho từng năm.

Công chứng viên Huỳnh Thị Liêm, Trưởng VPCC Huỳnh Thị Liêm (thuộc P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) chia sẻ, với sự kết nối, thông tin kịp thời của Hội cùng với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm của Hội, các công chứng viên trên địa bàn tỉnh đã được trang bị thêm nhiều kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế hữu ích góp phần phục vụ tốt cho thực tiễn công tác công chứng, giúp công chứng viên tự tin hơn trong việc giải quyết các hồ sơ công chứng, chứng thực; hạn chế những sơ sót nghiệp vụ, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Công chứng viên trong nhiệm kỳ 2021-2024 là tiếp tục chú trọng tổ chức các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm. Nội dung các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ xoay quanh các nội dung về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật khác có liên quan; kỹ năng hành nghề công chứng; kỹ năng giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ tới, Hội Công chứng viên sẽ có kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng hoặc công chứng viên cụ thể để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, vi phạm điều lệ Hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp trong việc hoàn thiện, nâng cấp phần mềm giao dịch bảo đảm nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều