Hiện nay, ngày càng có nhiều người chọn mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) để bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro trong tương lai. Điều này cũng kéo theo các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tăng. Khi phát sinh tranh chấp, cả hai phải đưa nhau ra tòa để giải quyết.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người chọn mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) để bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro trong tương lai. Điều này cũng kéo theo các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tăng. Khi phát sinh tranh chấp, cả hai phải đưa nhau ra tòa để giải quyết.
Trước khi ký kết tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần tìm hiểu kỹ để tránh những xung đột, tranh chấp trong quá trình tham gia bảo hiểm. Trong ảnh: Nhân viên một công ty bảo hiểm nhân thọ có chi nhánh tại TP.Biên Hòa tư vấn cho khách hàng về hợp đồng bảo hiểm. Ảnh: T.Tâm |
Theo TAND tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Tòa án đã thụ lý 6 vụ tranh chấp hợp đồng BHNT (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Đa phần các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là tranh chấp quyền lợi.
* Gặp rắc rối vì không tìm hiểu kỹ hợp đồng
Để xảy ra tình trạng nêu trên, một phần do nhân viên tư vấn bảo hiểm chưa rõ ràng, lập lờ giữa nghĩa vụ và quyền lợi khách hàng, một phần do khách hàng không tìm hiểu kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng bảo hiểm.
Mới đây, chị N.T.H. (ngụ TP.Biên Hòa) đã nộp đơn khiếu nại một công ty BHNT có chi nhánh tại TP.Biên Hòa vì cho rằng sau thời gian dài đóng BHNT nhưng vẫn không được chi trả bảo hiểm. Chị H. chia sẻ, chị mua BHNT từ năm 2016 với mệnh giá 100 triệu đồng, trong đó có cả gói bảo hiểm y tế. Hằng năm, chị đóng số tiền hơn 15 triệu đồng, được bảo vệ trong vòng 20 năm.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số người sử dụng BHNT ngày càng tăng. Trong năm 2019, tại Việt Nam có khoảng 8% dân số tham gia BHNT, nhưng đến năm 2020, con số này tăng lên khoảng 11%, ước tính đến năm 2025 tăng lên 15% dân số. |
Đầu năm 2021, chị H. phải nhập viện do hội chứng dạ dày, viêm họng… Sau khi ra viện, chị H. đem hồ sơ chứng từ đến công ty bảo hiểm yêu cầu được nhận số tiền bảo hiểm như đã cam kết. Nhưng sau đó, công ty thông báo trường hợp chị H. không được nhận bảo hiểm, bởi chị H. đã không trung thực trong quá trình khai báo về bệnh lý. Trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, chị H. đã có tiền sử bệnh về dạ dày nhưng không khai báo nên không được nhận tiền bồi thường.
Theo chị H., lúc mua bảo hiểm, chị có nói về việc mình bị đau dạ dày nhưng nhân viên tư vấn nói đây là bệnh rất bình thường sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc bồi thường. Do đó, để hồ sơ được duyệt, nhân viên yêu cầu chị H. ghi không có bệnh để được mua bảo hiểm.
Tương tự, ông T.T.T. (ngụ TP.Biên Hòa) cũng đang khiếu nại một công ty BHNT có chi nhánh tại TP.Biên Hòa. Ông T. mua BHNT cho 2 người con với mệnh giá 300 triệu đồng trong vòng 20 năm và hứa hẹn khi con vào đại học sẽ nhận được số tiền gần 1 tỷ đồng. Khi đóng được 5 năm thì gia đình gặp khó khăn về tài chính nên ông ngưng đóng và xin rút lại số tiền đã đóng. Tuy nhiên, số tiền ông nhận được chỉ chưa tới 50 triệu đồng so với số đã đóng hơn 100 triệu đồng.
Ông H. chia sẻ, ông mua bảo hiểm thông qua người quen. Lúc tư vấn vì không hiểu kỹ các điều khoản mà chỉ được tư vấn về số tiền phải đóng hằng năm và nếu bị rủi ro sẽ thu lại số tiền gấp nhiều lần so với số tiền đã đóng. Vì hợp đồng quá nhiều điều khoản với các ngôn từ chuyên ngành khó hiểu nên ông T. không để ý, không đọc kỹ. Do đó, khi yêu cầu kết thúc hợp đồng giữa chừng và được trả khoản phí quá thấp so với tiền đã đóng, ông bức xúc và đi khiếu nại để được giải quyết.
* Để tránh phát sinh tranh chấp
Một thẩm phán TAND TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay người dân có xu hướng tìm hiểu và tham gia BHNT để bảo vệ bản thân trước những rủi ro có thể xảy đến. Tuy nhiên, khi không đạt được thỏa thuận về quyền lợi bảo hiểm đã dẫn đến các tranh chấp.
Theo vị thẩm phán này, hiện nay một công ty BHNT có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm, mỗi hợp đồng bảo hiểm có khoảng 20 điều khoản. Trong khi đó, nhân viên tư vấn BHNT đa phần chỉ được đào tạo trong một thời gian rất ngắn, chưa đủ trình độ hiểu biết pháp luật liên quan đến các điều khoản, chưa nắm hết quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia bảo hiểm dẫn đến tư vấn còn mập mờ, khó hiểu, đôi khi cố ý để khách hàng hiểu theo nghĩa khác so với điều khoản của hợp đồng. Trong khi đó, trình độ hiểu biết của người dân cũng chưa cao nên khi ký hợp đồng bảo hiểm thường vì mối quan hệ quen biết, tin tưởng hoặc không tìm hiểu kỹ hợp đồng dẫn đến hiểu sai về một số quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia bảo hiểm.
Đồng quan điểm trên, bà T.T.H.N., quản lý kinh doanh một công ty BHNT có chi nhánh tại TP.Biên Hòa cho rằng, việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng BHNT chủ yếu đến từ hai phía. Một là do nhân viên tư vấn chưa nói rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng khi tham gia bảo hiểm. Có những nhân viên vì muốn bán được sản phẩm mà cố tình giấu giếm những vấn đề khách hàng cần lưu ý như: khai báo tình trạng sức khỏe, số tiền cần đóng, số phí bảo hiểm sẽ mất đi theo từng năm, số phí sẽ bị mất hoặc nhận được nếu bỏ dở hợp đồng giữa chừng… Mặt khác, khách hàng cũng chưa hiểu kỹ điều khoản trong hợp đồng nhưng đã vội ký.
Do đó, theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, người tham gia BHNT cần phải sáng suốt khi đặt bút ký vào hợp đồng BHNT. Bởi mỗi hợp đồng bảo hiểm có rất nhiều điều khoản kèm theo, nếu chưa hiểu rõ khách hàng cần đề nghị nhân viên tư vấn hoặc người am hiểu về pháp luật tư vấn thêm để bảo vệ chính đáng quyền lợi của bản thân. Bên cạnh đó, cần chọn lựa những công ty bảo hiểm uy tín, nhân viên tư vấn rõ ràng để đạt được quyền lợi bảo vệ và tránh phát sinh tranh chấp.
Tố Tâm