Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ vướng mắc cho công tác giám định

09:01, 17/01/2021

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giám định.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giám định.

Theo quy định mới, giám định viên tư pháp được cấp thẻ để hoạt động. Trong ảnh: Giám định viên tư pháp trả lời chất vấn trong một phiên tòa xét xử phúc thẩm. Ảnh: T.Danh
Theo quy định mới, giám định viên tư pháp được cấp thẻ để hoạt động. Trong ảnh: Giám định viên tư pháp trả lời chất vấn trong một phiên tòa xét xử phúc thẩm. Ảnh: T.Danh

* Quy định cụ thể thời hạn giám định

Theo các cơ quan tố tụng của tỉnh, thời gian qua công tác điều tra các vụ án trên một số lĩnh vực, nhất là án tham nhũng, kinh tế, hình sự… thường gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra. Trong đó có công tác giám định thường kéo dài khiến việc giải quyết các vụ án bị đình trệ.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã quy định cụ thể về thời hạn giám định. Cụ thể thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc giám định bắt buộc về tố tụng hình sự tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì tối đa là 4 tháng. Như vậy, tối đa thời hạn giám định tư pháp không quá 4 tháng.

Nói về quy định mới này, trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Đội phó phụ trách Đội Điều tra tổng hợp Công an TP.Biên Hòa cho biết, việc quy định thời hạn giám định sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy giải quyết nhanh các vụ án, đặc biệt là những vụ án phức tạp, vụ án nghiêm trọng cần phải có kết quả giải quyết sớm.

Tương tự, theo một cán bộ kiểm sát Viện KSND tỉnh, việc quy định thời hạn đối với công tác giám định đòi hỏi giám định viên phải đầu tư thời gian, công sức để hoàn thành công việc đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó cá nhân, tổ chức trưng cầu giám định cũng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các tài liệu, bằng chứng, chứng cứ liên quan để việc giám định được triển khai một cách nhanh chóng, đảm bảo yêu cầu. Quy định mới này sẽ tạo áp lực hơn đối với cả giám định viên cũng như cá nhân, tổ chức trưng cầu giám định. Tất cả các hoạt động này đều phải được thực hiện đồng bộ thì mới mang lại kết quả chính xác, đảm bảo đúng yêu cầu tiến độ.

Bên cạnh việc quy định cụ thể về thời hạn giám định thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 cũng quy định hướng xử lý khi việc giám định không thực hiện đúng tiến độ yêu cầu. Cụ thể luật quy định, thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

* Thêm lựa chọn cho công tác giám định

Ngoài quy định về thời hạn giám định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp còn bổ sung một số điểm mới khác như: quy định về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp; thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao; nới các điều kiện mở văn Phòng Giám định tư pháp; quy định cụ thể hơn về kết luận giám định…

Trong số những điểm mới nêu trên, việc luật quy định thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao đã tạo thêm lựa chọn cho các cá nhân, tổ chức trưng cầu giám định. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là điều kiện góp phần giải quyết nhanh, tăng tính khách quan trong công tác giám định.

Ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết, việc có thêm một cơ quan giám định công lập sẽ tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan tố tụng thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình vì sẽ có thêm lựa chọn cơ quan giám định để phục vụ cho công tác điều tra. Qua đó sẽ hạn chế việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Tuy nhiên để cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này, thời gian tới Viện trưởng Viện KSND tối cao sẽ xây dựng quy định và thống nhất với Bộ Tư pháp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Đối với quy định mới trong việc cấp thẻ cho giám định viên tư pháp, theo ông Phan Văn Hậu, trước đây khi tham gia thực hiện công tác giám định, giám định viên được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Tuy nhiên trong luật mới, giám định viên được cấp thẻ. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho giám định viên trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ và quá trình tham gia tố tụng tại tòa. Việc này thể hiện vai trò, tư cách pháp lý của giám định viên khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu.

Trần Danh

Tin xem nhiều