Báo Đồng Nai điện tử
En

Đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm trên lĩnh vực kinh tế

09:01, 21/01/2021

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng của tỉnh, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tội phạm trên địa bàn tuy đã được khống chế, đẩy lùi nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: hoạt động "tín dụng đen", vi phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, nhập, mua bán hàng lậu…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng của tỉnh, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tội phạm trên địa bàn tuy đã được khống chế, đẩy lùi nhưng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: hoạt động “tín dụng đen”, vi phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, nhập, mua bán hàng lậu…

Đỗ Sơn Tùng, Giám đốc Công ty Bất động sản nhà đất Đồng Nai (đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bị bắt vào cuối tháng 8-2020. Ảnh: Trần Danh
Đỗ Sơn Tùng, Giám đốc Công ty Bất động sản nhà đất Đồng Nai (đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bị bắt vào cuối tháng 8-2020. Ảnh: Trần Danh

Đánh giá được thực tế đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan: công an, viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động các phương án đấu tranh, phòng ngừa phát sinh tội phạm kinh tế.

* Chú trọng xử lý hoạt động “tín dụng đen”

Với mục tiêu không để tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm, tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng (tín dụng đen), tội phạm vi phạm về quản lý đất đai…, ngay từ đầu năm 2020, Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố rà soát, lên danh sách, xây dựng kế hoạch để tập trung triệt phá. Trên lĩnh vực kinh tế, nổi lên là vi phạm về hoạt động cho vay lãi nặng. Trong năm 2020, đây là một trong những loại tội phạm được chú trọng xử lý.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, năm 2020 vấn nạn “tín dụng đen” đã được lực lượng công an vào cuộc xử lý một cách mạnh mẽ. Qua đó, Đồng Nai được xác định là một trong những địa phương đi đầu trong việc xử lý loại tội phạm này. Trong số 165 băng, nhóm với hơn 1 ngàn đối tượng tội phạm bị phát hiện, triệt phá năm 2020 có 15 băng, nhóm, 69 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

TP.Biên Hòa là một trong những địa phương tập trung đông dân cư, lượng công nhân lớn nên tình trạng hoạt động “tín dụng đen” cũng khá “nóng”. Nhiều băng, nhóm hoạt động “tín dụng đen” đã bị lực lượng công an triệt phá. Điển hình như vụ hoạt động “tín dụng đen” do Đặng Quang Toàn (thường gọi “Toàn đen”, ngụ TP.Biên Hòa) cầm đầu cùng nhiều đối tượng khác chuyên hoạt động cho vay lãi nặng tại địa bàn TP.Biên Hòa vào đầu năm 2020.

Ngoài ra, tại một số địa phương như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu…, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ liên quan đến “tín dụng đen”. Chẳng hạn như vụ bắt băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) vào tháng 6-2020. Các đối tượng này đã cho nhiều người vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng với lãi suất từ 10-40%/tháng. Trong vụ án này, cơ quan công an đã bắt 4 đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật.

* Lật tẩy chiêu trò của các “ông chủ” bất động sản

Theo các cơ quan chức năng, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế không thể không nói đến các vụ liên quan đến các dự án đất đai đã và đang được dư luận quan tâm.

Với rất nhiều thủ đoạn, các “ông chủ” bất động sản đã “biến” những khu đất nông nghiệp, đất được Nhà nước quy hoạch… thành những khu dân cư sầm uất, những dự án ảo để lừa đảo khách hàng. Thực tế này đã diễn ra trong một thời gian dài khiến rất nhiều người dân “sập bẫy”. Đặc biệt, số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt trong các vụ việc liên quan đến đất đai là rất lớn khiến nhiều người rất bức xúc, tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Trước những tố cáo của người dân, trong năm 2020, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, khởi tố một số cá nhân liên quan đến các dự án lừa đảo này. Kết quả này thể hiện quyết tâm rất lớn của các cơ quan chức năng trong việc lập lại trật tự trị an trên lĩnh vực được cho là khá “nóng” trong thời gian qua.

Gần nhất là vụ khởi tố, bắt tạm giam đối với Đỗ Sơn Tùng (38 tuổi, quê tỉnh Hà Nam), Giám đốc Công ty Bất động sản nhà đất Đồng Nai (đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) vào cuối tháng 8-2020.

Theo điều tra của cơ quan công an, với vai trò là Giám đốc công ty, Đỗ Sơn Tùng đã lập các dự án khu dân cư tại địa bàn H.Trảng Bom, quảng cáo rầm rộ để tìm kiếm khách hàng. Mặc dù dự án chưa hình thành, khu đất mà công ty này làm dự án chỉ là đất nông nghiệp, còn để trống và chưa xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng Tùng đã lập nhiều hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng để thu số tiền hàng tỷ đồng của nhiều người dân. Đặc biệt, công ty này còn cam kết với khách hàng sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát hiện ra sự việc, người dân đòi lại tiền đặt cọc thì phía công ty này tìm mọi cách lật lọng nên đã cầu cứu đến cơ quan chức năng.

Tương tự, Công ty Bất động sản Rồng Đất (đóng tại xã Bình Minh, H.Trảng Bom) do Nguyễn Đình Chính (33 tuổi) làm giám đốc cũng lập “dự án ma” tại địa bàn P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) để lừa đảo khách hàng thu hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn không thực hiện được cam kết. Sau rất nhiều lần tìm cách đòi lại số tiền không được, đã có hàng chục khách hàng làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đình Chính.

Theo cơ quan công an, các công ty nói trên đã lợi dụng nhu cầu, sự tin tưởng của người dân để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc cho nhiều người dân. Với sự vào cuộc của lực lượng công an nói chung và đặc biệt là lực lượng cảnh sát trên lĩnh vực kinh tế nói riêng đã kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi lừa đảo của những “ông chủ” bất động sản, lập lại trật tự trị an trên lĩnh vực quản lý đất đai.

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng công an đã phát hiện 386 vụ, 454 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 42 vụ, 66 tổ chức, cá nhân so với năm 2019). Trong đó hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, mua bán hàng cấm; mua bán, vận chuyển, kinh doanh, khai thác trái phép đất, cát, đá; kinh doanh hàng hóa không hóa đơn, chứng từ; tín dụng đen. Trong năm 2020, cơ quan chức năng cũng phát hiện 7 vụ, 13 đối tượng vi phạm về tham nhũng, chức vụ (nhiều hơn 100% số vụ so với năm 2019).

Trần Danh

Tin xem nhiều