Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với 'tín dụng đen'

10:12, 18/12/2020

Vì nhu cầu chi tiêu đột xuất, nhất là vào những dịp cuối năm, không ít người sẵn sàng vay mượn tiền với lãi suất 20-50%/tháng, cao gấp nhiều lần mức lãi suất vay mà pháp luật cho phép (không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay).

Vì nhu cầu chi tiêu đột xuất, nhất là vào những dịp cuối năm, không ít người sẵn sàng vay mượn tiền với lãi suất 20-50%/tháng, cao gấp nhiều lần mức lãi suất vay mà pháp luật cho phép (không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay).

Các tờ rơi quảng cáo việc cho vay tiền góp được rải trong một khu dân cư ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa).
Các tờ rơi quảng cáo việc cho vay tiền góp được rải trong một khu dân cư ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa).

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người cho vay lãi suất cao (nặng lãi) thì tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự.

* Tác hại của vay lãi suất cao

Trên thực tế, không ít người do hoàn cảnh khó khăn đột xuất hoặc ham mê cờ bạc phải “liều” vay tiền với lãi suất cao dẫn đến mất khả năng trả nợ, phải rời địa phương, nghỉ làm để trốn nợ.

Chẳng hạn như trường hợp của ông L.V.B. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). Ông B. vốn là lao động tự do nhưng ham mê cờ bạc. Trong lúc thua bạc, ông B. đã liều vay mượn giới cho vay nặng lãi 30 triệu đồng với lãi suất 5%/ngày (tức 150%/tháng). Do không có tiền trả gốc lẫn lãi và bị giới cho vay đe dọa, ông B. đã bỏ trốn  khỏi địa phương.

Một số chủ nhà trọ trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, những tháng cuối năm các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường phát tờ rơi quảng cáo việc cho vay tiền đến tận các phòng trọ để tìm khách hàng. Họ đánh trúng tâm lý công nhân, người lao động rất cần tiền gửi về quê, trang trải cuộc sống lúc thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19. Việc vay, mượn tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất dễ dàng, chỉ cần liên hệ qua số điện thoại ghi trong các tờ rơi. Khi cho vay, họ chỉ cần người vay thế chấp chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, thẻ tín dụng hoặc sổ bảo hiểm xã hội.

Tình trạng hoạt động “tín dụng đen” hiện là vấn nạn dù bị pháp luật nghiêm cấm, cơ quan công an ra quân triệt xóa nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm. Thời gian qua, cơ quan công an triệt phá rất nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng tại nhiều địa phương, khu tập trung đông công nhân trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Đức Linh (21 tuổi, quê TP.Hà Nội) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Từ đầu năm 2020 đến nay, Linh đã cho bà Đ.T.B. (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) vay số tiền 130 triệu đồng (mỗi lần vay từ 20 triệu đồng) với lãi suất từ 35% đến hơn 78% mỗi tháng.

Trước đó ngày 11-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa cũng triệt phá thành công một băng nhóm cho vay nặng lãi, tạm giữ hình sự 4 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Lan (48 tuổi), Quách Thị Lập (54 tuổi), Nguyễn Thanh Tâm (41 tuổi) và Vũ Đỗ Thanh Sang (26 tuổi), cùng ngụ TP.Biên Hòa. Làm việc với công an, các đối tượng này khai nhận hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức cho vay trả góp, với lãi suất cao lên tới 180%/năm. Chỉ tính riêng trong 3 tháng gần đây, nhóm người này đã cho khoảng 50 khách hàng vay với số tiền hơn 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

* Xác định tội cho vay lãi nặng

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.  Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bên cạnh đó, luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm thì được coi là cho vay lãi nặng. Để xử lý hình sự người cho vay lãi nặng thì phải căn cứ vào hành vi người cho vay với lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên. Đồng thời, phải có căn cứ xác định người phạm tội lợi dụng việc cho vay, hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay nhằm thu lợi bất chính, thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống.

“Pháp luật quy định như vậy nhằm mục đích ngăn chặn, đấu tranh với tình trạng cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người vay, người cho vay, hoạt động tín dụng đúng pháp luật” - luật gia Vòng Khiềng cho biết.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích