Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó trong điều tra án ma túy

10:06, 24/06/2020

Tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các băng nhóm, đối tượng tội phạm ma túy hoạt động tinh vi với nhiều thủ đoạn mới khiến cho công tác điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các băng nhóm, đối tượng tội phạm ma túy hoạt động tinh vi với nhiều thủ đoạn mới khiến cho công tác điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong đó có tình trạng sử dụng các loại ma túy mới khiến ngành chức năng gặp khó trong xử lý vì chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết.

Công an TP.Biên Hòa phát hiện một điểm sản xuất ma túy tổng hợp ở P.Long Bình Tân. Ảnh: T.Danh
Công an TP.Biên Hòa phát hiện một điểm sản xuất ma túy tổng hợp ở P.Long Bình Tân. Ảnh: T.Danh

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 60) ngày 29-5-2020 sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất, trong đó quy định thêm các chất ma túy, tiền chất giúp công tác điều tra, xử lý tội phạm ma túy thuận lợi hơn.

* Khó khăn trong xử lý chất ma túy mới

Một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho biết, trong những năm trở lại đây, người nghiện đã chuyển dần từ sử dụng ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy đá). Nếu như trước đây chỉ có một số loại ma túy truyền thống như: thuốc phiện, heroin… thì hiện nay đã có rất nhiều loại ma túy tổng hợp mới như: cỏ Mỹ, nước biển, muối tắm, kẹo mút cần sa, thảo dược tử thần… Đặc biệt, giới trẻ tại các địa điểm vui chơi còn chuyền tay nhau một số chất kích thích như: bóng cười, tem giấy…

Trước sự thâm nhập ngày càng nhiều các loại chất ma túy mới, trong đó có những chất chưa được quy định trong danh mục chất ma túy, tiền chất đã khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Một cán bộ điều tra thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa nêu ví dụ, vào cuối năm 2017, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh bắt quả tang L.M.P. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) và L.T.Đ. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Khám xét người của các đối tượng, công an thu giữ 6 viên nén màu vàng có logo hình con ngựa. Qua điều tra, các đối tượng khai nghiện ma túy và đã bỏ ra số tiền hơn 1,1 triệu đồng mua 6 viên nén nói trên về sử dụng.

Để có cơ sở xử lý, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa đã gửi 6 viên nén thu giữ của các đối tượng trên đến Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh để giám định. Kết quả giám định xác định 6 viên nén có trọng lượng hơn 2,5g. Tuy nhiên, chất thu được trong 6 viên nén trên có tên khoa học là Isopropylphenidate lại không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo các nghị định của Chính phủ quy định về chất cấm.

Theo vị cán bộ trên, thời điểm đó, để có cơ sở xác định ma túy và tiền chất trong danh mục cấm, cơ quan công an đang áp dụng theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 và Nghị định 126/2015/NĐ-CP ngày 9-12-2015 quy định về danh mục các chất ma túy, tiền chất. Trên cơ sở kết quả giám định đó, cơ quan công an đã không đủ cơ sở để xử lý về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và buộc phải thả các đối tượng nói trên.

* Bổ sung danh mục chất cấm để tạo hành lang pháp lý

Theo cơ quan công an, việc ban hành Nghị định 60 nhằm để bổ sung vào danh mục các chất ma túy và tiền chất đã được quy định trong Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Theo đó, ngoài sửa đổi một số vị trí các chất trong danh mục các chất ma túy thì Nghị định 60 của Chính phủ cũng đã bổ sung thêm một số chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Nghị định 60 bổ sung thêm danh mục các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy. Theo đó đã có 30 tiền chất là dung môi, chất xúc tác trong quá trình sản xuất ma túy; các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy cũng được Nghị định 60 liệt kê vào danh mục chất cấm. Đây là những cơ sở để các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm căn cứ để phục vụ các hoạt động phân tích, nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm và đặc biệt là phục vụ trong công tác điều tra tội phạm liên quan đến ma túy.

Trung tá Lê Thông Thái, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Biên Hòa cho biết, việc bổ sung danh mục các chất cấm mới sẽ phục vụ tốt cho quá trình điều tra các vụ án liên quan đến tội pham ma túy. Trong đó, trước hết là cơ quan chuyên giám định có căn cứ trả lời cho cơ quan điều tra trong quá trình giám định. Trên cơ sở kết quả giám định, cơ quan điều tra mới có căn cứ để xử lý tội phạm.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng 1, Viện KSND tỉnh cho biết, diễn biến hoạt động tội phạm ma túy ngày càng phức tạp. Đặc biệt, trên thế giới hiện đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới và Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy đó. Trước tình hình đó, Chính phủ và các ngành chức năng cũng phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để có những chính sách, quy định mới phù hợp và đáp ứng kịp thời trước sự manh nha của loại tội phạm này. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm các quy định pháp luật chưa cập nhật kịp thời đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Theo ông Cường, việc Chính phủ ban hành các nghị định mới, đưa thêm các chất mới vào danh mục cấm nhằm tạo ra hành lang pháp lý giúp cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc điều tra, xử lý tội phạm ma túy được tốt hơn, tránh bỏ lọt tội phạm.

Trần Danh

Tin xem nhiều