Internet, mạng xã hội (MXH) đang phát triển một cách nhanh chóng, rộng khắp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì mặt trái của MXH cũng đang có những tác động tiêu cực đến xã hội...
Internet, mạng xã hội (MXH) đang phát triển một cách nhanh chóng, rộng khắp. Bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của MXH là có những thông tin xấu, độc gây hại, tác động tiêu cực đến xã hội ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển của MXH, các kênh thông tin trên internet, nhiều đối tượng đã thực hiện các hoạt động phạm pháp phổ biến như: lừa đảo, rao bán hàng cấm, quảng bá các tệ nạn xã hội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.
Các nạn nhân trong những vụ lừa đảo qua mạng xã hội tố cáo sự việc với cơ quan công an. Ảnh: Trần Danh |
Bài 1: “Bẫy lừa” qua mạng ngày càng tinh vi
Mặc dù báo chí, các cơ quan chức năng đã nhiều lần phản ánh, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao để người dân cảnh giác, nhưng những vụ lừa đảo qua MXH như: Zalo, Facebook, Viber… vẫn liên tục xảy ra với những thủ đoạn mà nhiều người không ngờ tới.
Nếu như trước đây, các vụ lừa đảo qua MXH chủ yếu là thủ đoạn làm quen, dụ chuyển tiền mới gửi quà; giả người thân, người quen nhờ chuyển tiền hoặc giả cơ quan tố tụng gọi điện đe dọa liên quan đến các vụ án để yêu cầu gửi tiền... thì hiện nay, hình thức lừa đảo tinh vi hơn, với nhiều “kịch bản” hoàn hảo hơn. “Rộ” lên trong thời gian gần đây là các hành vi lừa đảo qua hình thức giao dịch ngân hàng trực tuyến.
* Nhiều “kịch bản” hoàn hảo
Có thể nói rằng, hình thức giao dịch ngân hàng trực tuyến đang góp phần thay đổi dần thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Bên cạnh những tiện ích mang lại, giao dịch ngân hàng trực tuyến cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Một số đối tượng lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với nhiều chiêu thức tinh vi.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, tính từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài những vụ số tiền ít nhất 500 triệu đồng thì cũng có những vụ số tiền lên đến hàng tỷ đồng. |
Chỉ vì sơ suất trong việc nhận tiền bằng hình thức chuyển khoản online, chị Ph. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), chuyên săn hàng giá rẻ để bán qua Facebook, vừa mất gần 10 triệu đồng khi bán hàng qua mạng.
Chị Ph. kể, vào tháng 4-2020, tài khoản Facebook tên Nguyen liên hệ với chị đặt mua hàng túi xách, nước hoa, giày dép… trị giá hơn 5 triệu đồng. Do những món hàng này có giá trị cao nên chị Ph. yêu cầu khách chuyển khoản trước rồi mới giao hàng. Khi nhận tin nhắn báo tài khoản đã nhận được tiền, chị Ph. vội vàng chuyển hàng cho khách mà không biết mình đã bị lừa vì khách chuyển tiền thiếu tới 3 con số không ở đằng sau số tiền cần gửi. Cụ thể, món hàng có giá trị 5,5 triệu đồng (năm triệu năm trăm ngàn đồng) thì người mua chỉ chuyển 5,5 ngàn đồng (năm ngàn năm trăm đồng).
“Do mỗi ngày xử lý cả trăm đơn hàng nên chỉ cần nhìn thấy hình ảnh khách chụp màn hình số tiền đã trừ trong tài khoản hoặc thấy tài khoản mình báo cộng tiền là tôi chuyển hàng liền cho khách, đâu ngờ lại bị họ lừa chỉ chuyển cho mình có mấy ngàn đồng. Tuy nhiên, khi tôi phát hiện ra sự việc thì hàng đã được chuyển đến tay người nhận” - chị Ph. kể.
Khi rà soát lại những người đã từng mua hàng, chị Ph. phát hiện, trước đó cũng có một vài tài khoản Facebook cũng mua hàng của chị và thao tác giao dịch giống với tài khoản Nguyen. Tài khoản này cũng mua khá nhiều hàng và Khi chuyển khoản đều thiếu 3 số 0 đằng sau số tiền cần gửi. Cộng 2 đơn hàng chị Ph. thiệt hại gần10 triệu đồng. Khi liên hệ với đơn vị giao hàng, chị Ph. mới biết các đơn hàng đối tượng lừa đều ghi địa chỉ một đằng và nhận hàng ở một nẻo nên khó xác định địa chỉ thật của đối tượng.
Chị Ph. cho biết, hiện đang nhờ phía ngân hàng hỗ trợ sao kê các giao dịch của những tháng trước đó, nếu nhận thấy mức thiệt hại quá lớn, chị sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
Một trong những chiêu lừa khá phổ biến trong giao dịch ngân hàng trực tuyến hiện nay đó là kẻ xấu lừa nạn nhân truy cập vào các website có giao diện giống hệt các website của ngân hàng để đánh cắp mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, để lừa được khách hàng, kẻ gian đã nghĩ ra tình huống mà ít ai ngờ tới.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán hàng trên MXH. Theo điều tra của công an vào tháng 2-2020, ông N.L.T.T. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có đăng bán một chiếc xe ô tô hiệu Ford Ecosport trên một trang web chuyên rao bán ô tô. Ngày 21-2, một người xưng tên là Long nhắn qua MXH Zalo để hỏi mua chiếc xe của ông T.
Sau khi hai bên trao đổi qua lại và thống nhất giá cả thì đối tượng yêu cầu ông T. cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đặt cọc xe. Ngay lập tức, đối tượng này nhắn cho ông T. đã gửi số tiền đặt cọc là 4.293 USD; đồng thời yêu cầu ông T. truy cập vào một địa chỉ website được người này nhắn qua Zalo để chuyển đổi từ USD sang tiền Việt Nam.
Ông T. đã truy cập vào website này và làm theo hướng dẫn của đối tượng, thậm chí cung cấp cả mã OTP. Ngay sau đó ít phút, ông T. “tá hỏa” khi liên tục nhận được tin nhắn từ ngân hàng thông báo trừ tiền trong tài khoản. Cụ thể, tổng đài của ngân hàng thông báo 10 tin nhắn đã trừ tổng số tiền 499 triệu đồng trong tài khoản.
* Liên tục cảnh báo lừa đảo
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công an và Bộ Thông tin - truyền thông liên tục đưa ra khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, nhất là mật khẩu truy cập, mã OTP trong giao dịch ngân hàng trực tuyến.
Lý giải cho nguyên nhân dễ dàng “sập bẫy” lừa của tội phạm mạng qua giao dịch ngân hàng trực tuyến, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, hiện nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và hình thức.
Theo một số ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa, kẻ gian còn thường sử dụng một số thủ đoạn lừa đảo như: mạo danh nhân viên ngân hàng, hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là các dịch vụ ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Có khi kẻ gian “dụ” khách hàng bằng cách thông báo với khách hàng khi đăng ký các dịch vụ ngân hàng sẽ được hưởng khuyến mại. Khách hàng thực hiện đăng ký dịch vụ kết nối tài khoản ngân hàng với ví điện tử lại vô tình cung cấp các thông tin dịch vụ cho đối tượng lừa đảo. |
Ngoài cách thức tấn công qua phát tán mã độc, đường link qua email để khách hàng tiết lộ user (tên người sử dụng), mật khẩu, mã thẻ, từ đó chiếm đoạt tài sản trong tài khoản của khách hàng, các đối tượng tội phạm áp dụng “chiêu” mới lợi dụng việc khách hàng vào mạng Wi-Fi công cộng để chiếm dụng thông tin mật khẩu giao dịch hoặc cài phần mềm mã độc đến thiết bị di động của khách hàng để đánh cắp thông tin.
Trong khi đó, không ít khách hàng còn chưa quen các thao tác của giao dịch ngân hàng trực tuyến; chưa chú trọng trong bảo mật thông tin cá nhân như: mật khẩu, mã số OTP... nên rất dễ dàng rơi vào “bẫy lừa” của tội phạm công nghệ cao.
Nhiều người có thói quen dùng Wi-Fi miễn phí tại một số địa điểm công cộng, rất dễ có nguy cơ bị kẻ gian đánh cắp thông tin. Trường hợp có người đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch tài chính thì phải xác thực thông tin trước khi thực hiện. Bởi các đối tượng lừa đảo thường mạo danh người quen của khách hàng (do đối tượng lừa đảo đã tìm hiểu thông tin qua MXH hoặc nguồn thông tin khác), gợi ý khách hàng cho vay hoặc chuyển tiền tới tài khoản của đối tượng lừa đảo. Song song đó, cần kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch; chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật.
Trong thời gian qua, các đối tượng không chỉ lợi dụng internet và MXH để lừa đảo mà còn để rao bán hàng cấm, tổ chức các hoạt động tệ nạn xã hội. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trật tự mà trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quan tâm, có biện pháp đấu tranh phòng ngừa.
Nhóm P.V
Bài 2: Công khai rao bán hàng cấm