Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắc rối, khi Tòa án 'quên' ban hành quyết định thi hành án phạt tù!

09:11, 15/11/2019

Một bản án 15 tháng tù nhưng đã qua 19 năm vẫn chưa được thi hành. Cho đến lúc người phải thi hành án đi làm lý lịch tư pháp mới phát hiện mình vẫn còn mang án tích mặc dù vụ việc xảy ra đã quá lâu.

Một bản án 15 tháng tù nhưng đã qua 19 năm vẫn chưa được thi hành. Cho đến lúc người phải thi hành án đi làm lý lịch tư pháp mới phát hiện mình vẫn còn mang án tích mặc dù vụ việc xảy ra đã quá lâu.

Ông N.T.B. (ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) trình bày về sự việc của mình. Ảnh: T.Danh
Ông N.T.B. (ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) trình bày về sự việc của mình. Ảnh: T.Danh

Gần 1 năm qua, ông N.T.B. (ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) gửi đơn đến các cơ quan tố tụng của tỉnh (Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) để kiến nghị xin miễn chấp hành hình phạt tù do đã hết thời hiệu thi hành; đồng thời ông B. cũng đã làm các thủ tục để xin được xóa án tích đối với bản thân ông do vụ án xảy ra cách đây gần 19 năm.

* Chuyện hy hữu

Ông B. cho biết, vào tháng 4-2000, ông bị TAND tỉnh tuyên phạt 15 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và giả mạo giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau đó ông B. đã kháng cáo lên tòa tối cao tại TP.Hồ Chí Minh để xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 6-10-2000 của TAND tối cao, ông B. đã có đơn xin rút kháng cáo.

Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định tại Điều 55, Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực năm 2018) quy định về thời hiệu bản án hình sự nêu rõ, người nào bị phạt tù từ 3 năm trở xuống mà quá 5 năm nhưng không thi hành án thì coi như hết thời hiệu thi hành. Để được xóa án tích, ông B. cần đến liên hệ tòa án để làm các thủ tục theo quy định.

Theo ông B., trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án ông được tại ngoại. Thế nhưng sau khi tòa hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử xong, ông không nhận được bất kỳ quyết định hay thông báo gì về việc thi hành án phạt tù. Thời điểm xảy ra vụ án ông đang làm công nhân cho một công ty ở phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa). Sau khi vụ việc xảy ra, ông vẫn đi làm bình thường và không nhận được bất kỳ quyết định nào về việc thi hành án.

Sau đó khoảng 7 năm, vào năm 2007  ông B. nghỉ việc tại công ty này nhưng vẫn sinh sống tại nhà, nơi mà ông đã đăng ký hộ khẩu hàng chục năm qua. Tại địa phương, ông B. luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và không có vi phạm nào khác. Đến tháng 6-2018, ông B. đi làm lý lịch tư pháp để bổ sung hồ sơ cá nhân thì mới phát hiện ra mình có tiền án và chưa được xóa án tích.

Theo ông B., do vụ việc xảy ra đã lâu, trong quá trình sinh sống và làm việc tại công ty cũng như ở địa phương ông hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông tin nào từ cơ quan chức năng nên nghĩ rằng, vụ việc của mình đã được giải quyết xong, không ngờ đến nay ông vẫn còn mang án tích.

* Đã hết thời hiệu thi hành án

Ông B. đã gửi đơn đến TAND tỉnh để xin miễn chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ theo ông B., thời hiệu thi hành bản án của ông đã hết từ lâu. Ngoài ra ông cũng mong muốn các cơ quan liên quan xem xét xóa án tích để ông tiếp tục ổn định cuộc sống.

Trao đổi về vụ việc này, bà Lưu Thị Hà, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã nhận được đơn phản ảnh của ông N.T.B. kiến nghị giải quyết các quyền lợi liên quan. Qua xem xét các quy định của pháp luật cho thấy, bản án của ông B. đã hết thời hiệu thi hành, bị cáo không phạm tội mới nên đủ điều kiện để miễn thi hành án phạt tù.

Trên cơ sở đó Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị TAND tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh cần sớm giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Sau khi có văn bản của HĐND tỉnh, TAND tỉnh đã có văn bản cho biết nguyên nhân để xảy ra sự việc hy hữu này là do trong vụ án của ông B., ngoài ông B. còn có một bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm án nên TAND tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó TAND tỉnh không nhận được bản án phúc thẩm đối với hai bị cáo trên nên không ra quyết định thi hành án. Để giải quyết yêu cầu miễn chấp hành thi hành án cho ông B., TAND tỉnh đã có công văn gửi TAND tối cao để xin ý kiến nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định pháp luật, bị cáo rút đơn kháng cáo ở phiên tòa phúc thẩm thì bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp này, ông B. phản ảnh không nhận được quyết định thi hành án phạt tù. Từ đó đến nay đã  gần 19 năm trôi qua, ông B. vẫn làm ăn bình thường, không trốn tránh.

Do đó, theo luật sư Nguyễn Đức, việc ông B. chưa chấp hành hình phạt tù là do ông không nhận được quyết định thi hành án phạt tù do cơ quan có thẩm quyền ban hành (ở đây là tòa án). Trường hợp của ông B. không phải thi hành bản án bằng hình thức phạt tù nữa do bản án hình sự đã hết hiệu lực thi hành. Để giải quyết vấn đề này, ông B. phải làm đơn gửi tòa án cấp sơ thẩm để xin miễn hình phạt và tòa xét xử sơ thẩm (TAND tỉnh) phải làm văn bản cho phép việc này.

Trần Danh

Tin xem nhiều