Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật

12:09, 20/09/2019

Tại hội thảo Giải pháp, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm yếu thế và người dân tộc thiểu số do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua tại tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã đưa nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Tại hội thảo Giải pháp, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhóm yếu thế và người dân tộc thiểu số do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua tại tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã đưa nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) tham dự buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tại UBND xã Lang Minh. Ảnh: Đ.Phú
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) tham dự buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tại UBND xã Lang Minh. Ảnh: Đ.Phú

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế (người nghèo, tàn tật, trẻ em, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin...) thời gian qua đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.

* Nhiều mô hình tốt, cách làm hay

Tại hội thảo, nhiều tỉnh, thành đã chia sẻ những cách làm hay trong công tác PBGDPL cho đối tượng yếu thế như: thông qua công tác hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý; biên soạn, cấp tờ gấp, tài liệu pháp luật được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; phổ biến pháp luật thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở; phát huy vai trò của bộ đội biên phòng, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo trong PBGDPL...

Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc  đề nghị các địa phương, ngoài kinh phí của Nhà nước đảm bảo cho công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng đặc thù thì các sở, ngành, đơn vị và nhất là Sở Tư pháp các tỉnh cần quan tâm, có giải pháp, cách thức thu hút sự tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sao cho phù hợp, đúng pháp luật.

Một số địa phương có cách làm sáng tạo như: gửi tin nhắn pháp luật qua điện thoại (tỉnh An Giang); phối hợp với ngành GD-ĐT PBGDPL cho học sinh các trường dân tộc nội trú và đưa nội dung pháp luật vào bài chòi (tỉnh Quảng Nam)...

Tham luận tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai Ngô Văn Toàn cho biết, công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm nên cả hệ thống chính trị và các địa phương luôn sát cánh cùng với ngành Tư pháp phối hợp rất tốt, đặc biệt là việc quan tâm cấp kinh phí, chỉ đạo đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện.

Theo đó, Đồng Nai chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ PBGDPL từ cơ sở tới tỉnh; hằng năm tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Đồng Nai duy trì  tổ chức cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo điều kiện tiếp cận, hiểu biết pháp luật cho mọi đối tượng...

* Tránh hình thức, qua loa

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn tồn tại hạn chế như: còn biểu hiện hình thức, phong trào, hiệu quả chưa cao. Hình thức PBGDPL có nơi chưa phù hợp với đối tượng, địa bàn; nội dung phổ biến chưa xuất phát từ nhu cầu người thụ hưởng; trùng lắp nội dung và đối tượng tuyên truyền.

Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc thẳng thắn nhận xét, hoạt động phối hợp trong PBGDPL giữa các ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan chưa thường xuyên, chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác này có trình độ chuyên môn, kỹ năng còn yếu, chưa đồng đều; thiếu người biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng về đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người yếu thế chưa ý thức đầy đủ và thực hiện tốt trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật, tham dự các buổi tuyên truyền.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm các giải pháp cụ thể hơn theo đặc thù của địa phương mình như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; đặt các màn hình điện tử nơi công cộng để tuyên truyền các quy định mới; sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền và tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông như: đài, báo, web để tạo sự lan tỏa...

Để nâng cao chất lượng PBGDPL trong đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong thời gian tới, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc đã nhấn mạnh 9 nhóm giải pháp cần thực hiện. Trong đó, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vị trí vai trò, trách nhiệm trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm người yếu thế; chú trọng đến công tác bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ PBGDPL giỏi kỹ năng, chuyên môn và biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức tuyên truyền ngắn gọn, hấp dẫn, có tính lan tỏa cao, phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu hiểu biết pháp luật của các đối tượng đặc thù...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều