Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không còn những tai nạn thương tâm với trẻ em

10:11, 18/11/2018

Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trẻ em xảy ra thời gian qua cho thấy, lỗi chủ yếu xuất phát từ ý thức và cách bảo vệ trẻ khi tham gia lưu thông trên đường của người lớn. Nhiều người còn quá thờ ơ với sự an toàn của trẻ nhỏ.

Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trẻ em xảy ra thời gian qua cho thấy, lỗi chủ yếu xuất phát từ ý thức và cách bảo vệ trẻ khi tham gia lưu thông trên đường của người lớn. Nhiều người còn quá thờ ơ với sự an toàn của trẻ nhỏ.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).

Năm 2018 với chủ đề An toàn giao thông cho trẻ em, các ngành chức năng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn và kéo giảm tai nạn, chung tay bảo vệ trẻ em trước hiểm họa của TNGT.

* Ám ảnh trẻ thơ

Mới hơn 2 tuổi nhưng cháu N.V.T.D. (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, đang nằm điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) phải chịu bao đau đớn do di chứng của TNGT gây ra với những vết thương chằng chịt trên khuôn mặt, chân, tay khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Để không còn những tai nạn thương tâm xảy ra, bản thân phụ huynh phải là tấm gương và nhắc nhở, xây dựng cho con em mình có nhận thức và hành vi văn hóa giao thông”.

Theo người nhà của cháu D., sáng 14-11, cháu được mẹ chở đi học thì bị một xe máy do 2 thanh niên điều khiển từ phía sau phóng lên tông vào. Cả 2 mẹ con ngã xuống đường và bị thương nặng, mỗi người cấp cứu một nơi nên đến nay vẫn chưa gặp được nhau.

“Những ngày mới nhập viện, cháu quấy khóc mãi bởi các vết thương và mũi khâu. Thỉnh thoảng cháu lại giật mình thon thót có lẽ bị ám ảnh bởi sự việc ngày hôm đó. Điều gia đình lo sợ nhất là di chứng tâm lý về sau sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu” - bà ngoại của cháu D. cho biết.

Một trường hợp khác cũng nằm điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là L.H.A.T. (5 tuổi, ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) với những vết khâu ở đầu và chân do tai nạn. Ngày 10-11, chú của T. trên đường đón cháu đi học về khi từ trong đường hẻm chạy ra đã bị 2 xe máy tông vào. Cháu T. bị xe máy đè lên người dẫn đến bị đa chấn thương.

Điều đáng nói, khi xảy ra tai nạn, cháu T. không đội mũ bảo hiểm nên trên đầu của cháu có một vết thương khá nặng, rách một đường dài buộc các bác sĩ phải khâu 5 mũi. Hiện cháu vẫn đang được theo dõi và điều trị chấn thương đầu tại bệnh viện.

Thời gian qua, nhiều vụ TNGT thương tâm liên quan đến trẻ em trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với các cháu nhỏ mà cả với các bậc phụ huynh. Không ít trường hợp đã vĩnh viễn ra đi vì những lỗi chủ quan, sự bất cẩn của người lớn.

Điển hình như vụ tai nạn đau lòng xảy ra ngày 6-9, trên đường Nguyễn Tri Phương nối dài, thuộc phường Xuân An (TX.Long Khánh). Cháu L.M.T. (6 tuổi) do không có người lớn dẫn dắt khi băng qua đường đã bị xe ô tô khách tông tử vong tại chỗ.

* Lỗi thuộc về người lớn

Qua các vụ tai nạn nói trên cho thấy, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía người lớn. Nhiều bậc phụ huynh chở theo con nhỏ trên xe nhưng rất bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh tai nạn và đảm bảo an toàn cho trẻ. Thậm chí, nhiều người vô tư vi phạm pháp luật về giao thông: không đội mũ bảo hiểm, chở người quá quy định, vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay uống rượu bia say không kiểm soát được tốc độ…

Một trường hợp trẻ em bị thương do tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Một trường hợp trẻ em bị thương do tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết tuy số vụ và người chết, bị ảnh hưởng bởi TNGT ở người lớn liên tục giảm trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ trẻ em bị tai nạn và thương vong do TNGT không hề giảm, thậm chí còn tăng.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh TNGT đã khiến 14 trẻ em tử vong, 25 em bị chấn thương sọ não và 236 em bị thương tật khác.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2 ngàn trẻ em thiệt mạng vì TNGT. Vì vậy, nhà trường và các ngành chức năng cần trang bị kiến thức cơ bản về an toàn giao thông cho trẻ em, thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn về điều khiển phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện để các em có đầy đủ kỹ năng xử lý tình huống và tham gia giao thông có ý thức.

Hậu quả sau các vụ tai nạn là không ít em dang dở ước mơ được cắp sách tới trường, tương lai phía trước bị gián đoạn. Chính vì vậy, phòng tránh TNGT cho trẻ em là một vấn đề cần thiết, cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT năm 2018 vào ngày 16-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình từ khi còn nhỏ về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn, thân thiện cho bản thân và cho cộng đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh, năm an toàn giao thông cho trẻ em, phải lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông và TNGT. Từ đó, tạo sức lan tỏa đến từng người thân và cộng đồng chung quanh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều