Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với 34 thành viên, đánh dấu bước tiến quan trọng trên con đường cách mạng Việt Nam giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với 34 thành viên, đánh dấu bước tiến quan trọng trên con đường cách mạng Việt Nam giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Đại tá Huỳnh Thanh Liêm (bìa trái), Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đưa hài cốt liệt sĩ tìm thấy ở huyện Định Quán về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Định Quán vào tháng 7-2017. |
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc…, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành, xứng đáng với truyền thống chống giặc, giữ nước của dân tộc.
* Ý chí thép
Trong dịp gặp gỡ ông Tô Đình Cắm, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, khi ông còn sống vào cuối năm 2014 (ông đã mất ngày 14-7), phóng viên Báo Đồng Nai đã được nghe kể về những ngày đầu hừng hực khí thế của những người con yêu nước ở cánh rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) năm 1944. Khi ấy, những đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được chọn từ các đội du kích và cứu quốc quân với trang bị chủ yếu là mã tấu, dao phay, một số súng lấy của Pháp từ các trận đánh nhỏ trước đó. Sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lên kế hoạch tấn công một số đồn lính người Việt phục vụ cho quân Pháp là đồn Phai Khắt và Nà Ngần (nay thuộc 2 xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Từ khi thành lập (22-12-1944) đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua những lần đổi tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12-1944 - 5-1945); Việt Nam giải phóng quân (từ tháng 5 đến 11-1945). Vệ Quốc đoàn (11-1945 - 5-1946); Quân đội quốc gia Việt Nam (từ 5-1946 theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sắc lệnh về trích lục Sắc lệnh số 71 ngày 22-5-1946 ấn định quy tắc quân đội quốc gia của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa) và Quân đội nhân dân Việt Nam (từ năm 1950 đến nay). |
Đúng giờ hẹn, vào ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đóng giả lính khố xanh đi vào đồn Phai Khắt bắt sống toàn bộ binh lính trong đồn, lấy vũ khí trang bị cho đội viên.
Ngày hôm sau (26-12-1944), với chiến thuật cũ, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiếp tục tấn công đồn Nà Ngần và lại giành thắng lợi.
Nối tiếp chiến công, quân đội (khi đó là Việt Nam giải phóng quân) đã cùng với nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành lại chính quyền, thực hiện cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp tiếp theo, quân đội lại cùng nhân dân cả nước nêu cao tinh thần chiến đấu, giành được nhiều chiến thắng vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy vào tháng 5-1954. Từ đó, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam lại sát cánh cùng nhân dân, giữ vững tinh thần bất khuất làm thất bại nhiều âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.
Dân quân thường trực Ban CHQS huyện Nhơn Trạch học tập tháo lắp vũ khí (ảnh: Tư liệu Đăng Tùng) |
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, Quân đội nhân dân Việt Nam phải đánh đuổi quân PolPot Ieng Sary ra khỏi biên giới Tây Nam, đồng thời giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Đại tá Nguyễn Văn Việt (Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia từ năm 1984-1989) nhớ lại: “Nhiệm vụ của những người lính chúng tôi khi đó là giúp nhân dân Campuchia xây dựng chính quyền, lực lượng vũ trang, đồng thời truy quét tàn quân PolPot, xây dựng các tuyến đường biên giới của Campuchia với Thái Lan... Tôi không bao giờ quên quãng thời gian ấy, những nhiệm vụ vào sinh ra tử, bao lần đối mặt với sự nguy hiểm từ tàn quân PolPot nhưng chúng tôi không sờn lòng mà càng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn”.
Trải qua những chặng đường cách mạng đầy cam go, quân đội ta luôn nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng, phát huy tinh thần cách mạng tiến công kết hợp với truyền thống đấu tranh hào hùng, bất khuất và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự tuyệt vời của các thế hệ Việt Nam.
* Tiếp nối truyền thống
Là thế hệ tiếp nối trong lực lượng vũ trang tỉnh hiện nay, với rất nhiều hoài bão và ước mơ cống hiến, những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đang cố gắng từng ngày làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội viên CCB ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng trong buổi triển lãm tại bảo tàng Đồng Nai (ảnh: Tư liệu Đăng Tùng) |
Để làm tốt các nhiệm vụ, một trong những việc quan trọng mà Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng như lãnh đạo các cấp luôn đề cao, dặn dò các cơ quan, đơn vị là tổ chức học tập lý luận chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong năm 2017, qua kiểm tra nhận thức về lý luận chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đánh giá sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng có kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, hơn 90% khá, giỏi; lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên 100% đạt yêu cầu, 76% khá, giỏi. Đây là cơ sở nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời là cơ sở phòng ngừa và đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh trong sạch vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện.
Đại úy Nguyễn Hoài Nam (Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Thống Nhất) cho hay: “Tiếp bước truyền thống cha anh, tôi sẽ tiếp tục tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, tôi luôn cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội trong giai đoạn hiện nay”.
Vào các dịp kỷ niệm lớn trong năm, lực lượng vũ trang các địa phương lại tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là tại những nơi có căn cứ cách mạng hoặc chiến trường ác liệt, như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Long Khánh... Đại úy Nguyễn Được (Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Cửu) bộc bạch rằng anh tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời rất khâm phục những chiến công lẫy lững mà các thế hệ đi trước lập nên trong 73 năm qua. Từ đó, mỗi khi tham gia tuyên truyền, giới thiệu về các địa chỉ đỏ tại địa phương, như: Chiến khu Đ, Trung ương Cục..., anh rất hứng thú và dâng cao niềm tự hào.
Đăng Tùng