Báo Đồng Nai điện tử
En

Bộ luật Hình sự năm 2015: Bãi bỏ nhiều tội danh

08:12, 21/12/2017

Bộ luật Hình sự được xem là công cụ pháp lý sắc bén và hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự và ổn định xã hội.

Bộ luật Hình sự được xem là công cụ pháp lý sắc bén và hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự và ổn định xã hội. Nó cũng góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng định hướng, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Trợ giúp viên Hoàng Tất Được, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp), triển khai các nội dung quan trọng về Bộ luật Hình sự năm 2015 cho người dân xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.PHÚ
Trợ giúp viên Hoàng Tất Được, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp), triển khai các nội dung quan trọng về Bộ luật Hình sự năm 2015 cho người dân xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.PHÚ

Tại thời điểm này một hành vi bị xem là tội phạm, nhưng đến thời điểm khác hành vi đó không còn là tội phạm nữa. Trên tinh thần đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi một số điều vào năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) không còn xem các hành vi sau đây là tội phạm như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể:

- Tội kinh doanh trái phép: Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hành vi cấu thành tội kinh doanh trái phép là kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký, hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bãi bỏ tội danh này.

- Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng; hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 20 năm tù. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 không có tội danh này.

- Tội  báo cáo sai trong quản lý kinh tế: Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 1999 nêu rõ: Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước; hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 không có tội danh này.

- Tội hoạt động phỉ: Điều 83 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản sẽ bị kết tội hoạt động phỉ. Người tổ chức, hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người có vai trò đồng phạm bị phạt tù từ 5-15 năm.

Tuy nhiên, tội danh này không còn quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Thay vào đó, những hành vi nêu trên sẽ thuộc vào tội bạo loạn (Điều 112). Với tội này, người nào dù chuẩn bị phạm tội cũng bị phạt từ 1-5 năm tù.

- Tội tảo hôn: Một phần của Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái luật với người chưa tới tuổi kết hôn dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó…, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Từ ngày 1-1-2018, người có hành vi tảo hôn sẽ không bị xử lý. Luật mới chỉ quy trách nhiệm hình sự với người có hành vi tổ chức tảo hôn bằng việc quy định tội tổ chức tảo hôn tại Điều 183.

Theo đó, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Công an huyện Định Quán tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm cho đồng bào dân tộc tại xã Phú Lợi.
Công an huyện Định Quán tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm cho đồng bào dân tộc tại xã Phú Lợi.

- Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật: Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 1999 định nghĩa người nào có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn biết rõ là người xin đăng ký không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm. Tuy nhiên, loại tội phạm này không còn được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1999, người nào có thẩm quyền trong việc cấp văn bằng bảo hộ mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù. Tuy nhiên, tội danh này không còn được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

* Các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, như: làm nhục (Điều 121); hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên (Điều 319); làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới (Điều 320); sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178); không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 269) cũng bị bãi bỏ từ ngày 1-1-2018 theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn cho biết một số tội danh không còn được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 41 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 hướng dẫn: “Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1-1-2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều